Chủ tịch Tập đoàn Trường Tiền và sự 'thoái lui bí ẩn' tại Đầu tư Lê Gia

Không công bố sở hữu cổ đông lớn, trong khi Tập đoàn Đầu tư Lê Gia lại có biến động về loạt nhân sự chủ chốt, nhất là sự thoái lui của Chủ tịch Lê Khánh Trình của Tập đoàn Trường Tiền.

Đổi tên thành Lê Gia và bí ẩn cổ đông lớn

Báo cáo tài chính soát xét bán niên của CTCP Tập đoàn Đầu tư Lê Gia (HNX: KDM) ghi nhận nhiều vấn đề cần lưu ý.

Trong đó, đơn vị kiểm toán ngoại trừ về vấn đề không được cung cấp chứng từ chi phí xây dựng cơ bản dở dang dự án đầu tư xây dựng trang trại và các hạng mục khác tại Hà Tĩnh, cũng như các chứng từ liên quan đến khoản chuyển nhượng toàn bộ giá trị tài sản đã đầu tư tại dự án cho ông Đỗ Văn Luyện số tiền hơn 7 tỷ đồng. Vì vậy, đơn vị kiểm toán không thể kết luận tính có thật cũng như tính chính xác về 2 khoản mục này.

Ngoài ra, đơn vị kiểm toán cũng không được cung cấp chứng từ liên quan đến khoản phải thu về cho vay CTCP Địa ốc Trường Tiền Land số tiền 20 tỷ đồng. Vì vậy kiểm toán không thể kết luận tính hiện hữu về khoản mục này.

Đơn vị kiểm toán cũng nhấn mạnh, chưa nhận được danh sách cổ đông lớn tại thời điểm 31/12/2019 và 30/6/2020 do Lê Gia không thực hiện thủ tục với Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD).

Được biết, Lê Gia có vốn điều lệ 71 tỷ đồng, thông tin ghi nhận tại thời điểm 31/12/2018, cổ đông lớn của Lê Gia chỉ có 3 cá nhân gồm Chủ tịch Lê Khánh Trình (5,01%), bà Cao Hoài Thanh (5,01%) và Thành viên HĐQT Khiếu Xuân Khương (5,07%).

Tuy nhiên, theo giao dịch mới công bố nhất vào ngày 27/7, tại Lê Gia đã có biến động cổ đông lớn khi ông Nguyễn Văn Hùng mua vào hơn 1 triệu cổ phiếu, tương ứng 14,9% vốn KDM.

Ngoài ra, trước đó, tháng 11/2019, CTCP Trường Tiền Holdings, nơi ông Lê Khánh Trình cũng là Chủ tịch, đã liên tục mua vào và nắm 3,24% vốn KDM.

Trong khi đó, tại ngày 15/8 vừa qua, sau khi thống nhất đổi tên từ CTCP Đầu tư HP Việt Nam sang Lê Gia, đại hội đồng cổ đông của Lê Gia đã quyết định miễn nhiệm ông Lê Khánh Trình, Kiều Đức Lâm, Hoàng Lê Hoàng, Khiếu Xuân Khương, bà Lê Thị Hạnh Nguyên.

Đồng thời bầu mới 3 thành viên HĐQT gồm ông Phạm Đức Thắng, ông Hoàng Lê Hoàng và ông Đào Nam Phong, trong đó ông Phạm Đức Thắng giữ chức Chủ tịch nhiệm kỳ 2020-2025.

Tại đại hội cổ đông này, cổ đông cũng chất vấn rằng, việc thay đổi Tổng giám đốc nhiều lần trong thời gian qua làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh của công ty.

Về vấn đề này, lãnh đạo Lê Gia cho rằng, do công nghệ hiện đại, việc điều hành doanh nghiệp không phụ thuộc quá nhiều vào một cá nhân cụ thể. HĐQT điều hành theo nguyên tắc tập thể và việc thay đổi Tổng giám đốc là để phù hợp với từng giai đoạn nhưng nguyên tắc điều hành tập thể đó là không thay đổi và không tác động nhiều đến hoạt động của công ty.

Về tình hình kinh doanh, lợi nhuận hàng năm mà Lê Gia mang lại khá èo uột chỉ vài trăm triệu đồng đến hơn 3,6 tỷ đồng. Riêng năm 2019, Lê Gia ghi nhận vỏn vẹn gần 2 tỷ đồng lãi ròng, còn 6 tháng 2020 lỗ hơn 1,3 tỷ đồng do thu không đủ bù chi.

Dù vậy, lãnh đạo Lê Gia khẳng định, năm 2020 mục tiêu doanh thu là 90 tỷ đồng, gần gấp đôi năm 2019 là dựa trên phương án kinh doanh cụ thể và khả thi.

Theo báo cáo tài chính soát xét của Lê Gia, ở khoản mục Phải thu về cho vay, Lê Gia ghi nhận 20 tỷ đồng tại CTCP Trường Tiền Land và 5,5 tỷ đồng từ ông Nguyễn Văn Sáng.

Ngoài ra, ở khoản mục Phải thu khác ngắn hạn gần 14 tỷ đồng phát sinh từ tiền lãi dự thu của Địa ốc Trường Tiền Land, cá nhân Nguyễn Thị Minh Tuyết và Lê Khánh Trình lần lượt là 7,5 tỷ và 5 tỷ....

Biết gì về "đại gia" Lê Khánh Trình và các đơn vị liên quan

Được biết, ông Lê Khánh Trình cũng chính là Chủ tịch của CTCP Tập đoàn Trường Tiền (HNX: MPT), CTCP Đầu tư Thiết bị và Xây dựng Lắp đặt Điện Thiên Trường (HNX: KTT), đồng thời là người đại diện theo pháp luật của CTCP Địa ốc Trường Tiền Land.

Ông Lê Khánh Trình từng dính rất nhiều án phát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Cụ thể, vào tháng 11/2019, ông Trình đã bán 130.000 cổ phiếu KTT do báo cáo không đúng thời hạn về kết quả giao dịch và bị phạt 22,5 triệu đồng. Trước đó, tháng 9/2019 ông Trình bị phạt 5 triệu đồng do mua 10.000 cổ phiếu KDM và trở thành cổ đông lớn những báo cáo trễ.

 Ông Lê Khánh Trình (bên trái)

Ông Lê Khánh Trình (bên trái)

Trong khi đó, Tập đoàn Trường Tiền trước đây có tên là Công ty May Phú Thành. Sau khi thâu tóm, ông Lê Khánh Trình đổi tên thành CTCP Tập đoàn Trường Tiền do ông Trình làm Chủ tịch HĐQT.

Hiện Trường Tiền có vốn điều lệ hơn 17 tỷ đồng, trong đó Chủ tịch Lê Khánh Trình nắm 10,21% và CTCP Trường Tiền Holdings nắm 10,03%, số liệu tại ngày 31/12/2019.

Trên website của Tập đoàn Trường Tiền cho biết đã kết hợp với CTCP Đầu tư thương mại Đồng Mô đầu tư vào dự án Khu nghỉ dưỡng Spa Cây Bồ Đề (xã Sơn Đông, T.x Sơn Tây, Hà Nội) với tổng mức đầu tư ban đầu lên đến 440,7 tỷ đồng.

Phối cảnh dự án Cây Bồ Đề

Tình hình kinh doanh của Tập đoàn Trường Tiền cũng bết bát khi 6 tháng 2020 ghi nhận lỗ 643 triệu đồng.

Cổ phiếu MPT của Tập đoàn Trường Tiền hiện đang giao dịch tại vùng 1.600 đồng/cp trong phiên chiều 9/9.

Còn Điện Thiên Trường có vốn điều lệ gần 30 tỷ đồng, trong đó cổ đông lớn tại thời điểm 21/12/2019 không có tên Chủ tịch Lê Khánh Trình, mà chỉ có cá nhân Quách Tuấn Đạt (10,87%) và bà Triệu Thị Tuyết Trinh (5,66%).

6 tháng 2020, Điện Thiên Trường cũng tiếp tục ghi nhận lỗ 29 triệu đồng. Cổ phiếu KTT cũng đang giao dịch với giá èo uột 5.300 đồng/cp trong phiên chiều 9/9.

Tương tự, cổ phiếu KDM hiện đang giao dịch tại mức giá 2.100 đồng/cp trong phiên chiều 9/9.

Minh An

Nguồn Vietnamdaily: https://vietnamdaily.net.vn/doanh-nghiep/chu-tich-tap-doan-truong-tien-va-su-thoai-lui-bi-an-tai-dau-tu-le-gia-99931.html