Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga: Liên kết 'one ASEAN' thành trung tâm sản xuất mới của thế giới

Triển vọng các nền kinh tế ASEAN thế nào? Cuộc khủng hoảng có đưa khu vực xích lại gần nhau hơn không? Khu vực công và tư cần làm gì khác nữa để đảm bảo một tương lai tự cường, bền vững và bao trùm?

Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga, Thành viên ASEAN BAC Việt Nam, Chủ tịch ABA 2020.

Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga, Thành viên ASEAN BAC Việt Nam, Chủ tịch ABA 2020.

Khu vực ASEAN đã và đang phải đối mặt với những biến động và sự bất ổn kinh tế lớn. Đại dịch Covid -19 vẫn đang tấn công cuộc sống hàng ngày và thách thức thế giới theo những cách chưa từng có, khiến chúng ta phải dừng lại và suy nghĩ lại về các mô hình kinh doanh, các quan hệ xã hội cũng như xem xét lại định hướng tương lai việc làm.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN 2020 (ASEAN BIS 2020) trong khuôn khổ các hoạt động của Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các Hội nghị liên quan các chuyên gia nhận định, đây không phải là lần đầu tiên khu vực phải đối mặt với khủng hoảng và cũng sẽ không phải là lần cuối cùng. Khu vực kinh doanh với sự năng động, sáng tạo, đổi mới và sự say mê của mình sẽ là động lực chính trong việc xác định các biện pháp và các bước đi để phục hồi kinh tế và đảm bảo khả năng tự cường ở tất cả các nền kinh tế của chúng ta. Về lâu dài, tương ai của ASEAN vẫn tốt đẹp và tăng trưởng sẽ quay trở lại sau khi tình hình ổn định được khôi phục. Và để ASEAN trở lại đúng hướng chúng ta còn nhiều việc phải làm.

Trong phiên thảo luận về triển vọng Kinh tế ASEAN, Madame Nguyễn Thị Nga, Thành viên ASEAN BAC Việt Nam, Chủ tịch ABA 2020, Chủ tịch Tập đoàn BRG chia sẻ, trong tác động của Covid-19 với tầm nhìn ASEAN cần có các chính sách phát triển chung, bền vững, đoàn kết, tiến tới tầm nhìn ASEAN trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới.

Ở góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch BRG Nguyễn Thị Nga chia sẻ những đề xuất để các quốc gia ASEAN liên kết chặt chẽ hơn, đưa sáng kiến “one ASEAN” phát triển, bà Nga khẳng định rất cần sự quan tâm, kết nối từ các nước đối tác.

“Để đón sự dịch chuyển của các nhà máy lớn sang các nước ASEAN cần thiếp lập gói ưu đãi liên khối cho các nhà đầu tư”, bà Nga đề xuất. Đồng thời mong muốn không có sự cạnh tranh trong khối ASEAN. Điều này sẽ làm cho khối ASEAN thống nhất, gia tăng tính cạnh tranh với các khối kinh tế khác. Cộng với thế mạnh từ các nhà đầu tư và ưu đãi liên khối ASEAN sẽ thu hút các nhà đầu tư.

Cùng với đó, Chủ tịch BRG đề xuất xây dựng chuỗi cung ứng cân bằng, linh hoạt cho toàn khối ASEAN. Điều này cần các doanh nghiệp trong khối liên kết chặt chẽ, chính công dân trong khu vực vừa là lao động vừa là khách hàng.

“Các doanh nghiệp quốc gia ASEAN cần hỗ trợ nhau nhiều hơn cùng phát triển, dựa vào từng thế mạnh của mỗi doanh nghiệp, nhanh chóng phát triển, chẳng hạn doanh nghiệp logistics sẽ liên kết hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất”, bà Nga nêu vấn đề.

Từ câu chuyện của BRG, bà Nga cho biết, doanh nghiệp cần nhìn nhận trong nguy có cơ, trong khó khăn có nhiều cơ hội mà doanh nghiệp phải tự mình vươn lên trước tiên bằng chính nội lực.

Theo đó, Chủ tịch BRG cho rằng, đại dịch Covid-19 cũng là khủng hoảng nhưng cũng mang cơ hội đến cho doanh nghiệp vững bước phát triển. “Do đó, doanh nghiệp phải luôn sẵn sàng nắm bắt cơ hội một cách nhanh nhậy nhất có thể. Chúng tôi cũng nhìn lại bộ máy của chính mình để tinh gọn và hướng tới các hoạt động hiệu quả nhất”, bà Nga chia sẻ.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chu-tich-tap-doan-brg-nguyen-thi-nga-lien-ket-one-asean-thanh-trung-tam-san-xuat-moi-cua-the-gioi-129016.html