Chủ tịch Tập Cận Bình cứng rắn hơn với Mỹ sau mức thuế mới

Phải đối mặt với mức thuế mới từ Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không có dấu hiệu xuống nước mà thay vào đó ông lựa chọn đường hướng cứng rắn hơn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: asia.nikkei.com

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: asia.nikkei.com

Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết Trung Quốc đã “nổ phát súng cảnh cáo” với Mỹ khi ngày 5/8 hạ giá nhân dân tệ xuống mức thấp nhất trong hơn một thập niên. Đây là lời đáp trả của Bắc Kinh trước cảnh cáo mới nhất của Tổng thống Trump về mức thuế hiệu lực từ 1/9 đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá 300 tỷ USD từ Trung Quốc.

Bên cạnh đó, đây là chiến thuật cho các đối thủ của Trung Quốc thấy rằng Bắc Kinh có thể chịu đựng được “thương tích” để đạt được điều họ muốn. Đồng nhân dân tệ yếu hơn có thể khiến hàng xuất khẩu của Trung Quốc có giá cạnh tranh hơn và bù đắp cho mức thuế tăng từ Mỹ. Tuy nhiên các nhà kinh tế học cảnh báo nếu tiếp tục hạ giá đồng nhân dân tệ, các ngân hàng Trung Quốc sẽ chịu tổn thương, gây ảnh hưởng tới các doanh nghiệp nước này.

Không dừng lại, Trung Quốc còn yêu cầu các công ty trong nước ngừng mua nông sản Mỹ. Bắc Kinh cũng cảnh cáo đưa doanh nghiệp Mỹ vào danh sách “thực thể không đáng tin cậy”, qua đó khiến doanh nghiệp Mỹ có thể gặp nhiều khó khăn trong hoạt động tại thị trường tỷ dân.

Cả Mỹ và Trung Quốc đều kêu gọi giải quyết cuộc chiến tranh thương mại đang có nguy cơ kéo nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái. Nhưng chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình đang thực hiện chiến thuật truyền thống của Trung Quốc là làm quen với căng thẳng kéo dài để phản ứng trước động thái của Mỹ.

Các nhà đàm phán của hai bên dự kiến gặp gỡ vào tháng 9 tại Washington tuy nhiên dựa trên lịch trình sự kiện chính trị của phía Trung Quốc dường như điều này khó xảy ra. Đảng Cộng sản Trung Quốc chuẩn bị kỷ niệm 70 năm thành lập vào ngày 1/10. Đây được cho là động lực khiến Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trương tạo hình ảnh mạnh mẽ với tư cách nhà lãnh đạo đất nước.

Chuyên gia chính trị Willy Lam tại Đại học Trung văn Hong Kong (Hong Kong, Trung Quốc) nhận định Chủ tịch Tập Cận Bình ngày càng cảm thấy tự tin bởi sau khi đối mặt với cáo buộc ông gây ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu hàng đầu của quốc gia thì nhà lãnh đạo lại củng cố quan điểm chính trị và khiến những người chỉ trích phải im lặng. Theo ông Lam, một năm trước đây Chủ tịch Tập Cận Bình có thể cảm thấy bị đe dọa nhưng nay ông đã thu nhận đủ ủng hộ để “tham chiến” lâu dài.

Trước đây Trung Quốc từng bền bỉ dành tới 12 năm, lâu hơn bất cứ quốc gia nào khác, để đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)

Chính phủ Trung Quốc đã nói với các doanh nghiệp xuất khẩu tìm thị trường mới và thay thế nông sản Mỹ bằng nông sản Nga, Brazil…

Nhiều nhà phân tích cho rằng Chủ tịch Tập Cận Bình còn xem xét về tình hình chính trị của Mỹ để ra quyết định, ở đây là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020. Chủ tịch Tập Cận Bình có thể kỳ vọng rằng khi chiến dịch vận động tranh cử của Tổng thống Trump khởi động, ông sẽ cần đạt được thỏa thuận để giữ hình ảnh “chiến binh kinh tế”.

Nhà phân tích tại ngân hàng Hà Lan ING, ông Raoul Leering đánh giá: “Bất lợi từ rủi ro không đạt được thỏa thuận thương mại ngày càng gia tăng”.

Cảng hoàng hóa tại Los Angeles, bang California (Mỹ). Ảnh: Reuters

Cách đây 6 tháng, các nhà đàm phán Trung Quốc đã bàn luận về khả năng nhượng bộ bao gồm mua thêm nông sản Mỹ, mở cửa thị trường và thay đổi quy tắc kinh doanh. Tuy nhiên đến tháng 5, giới lãnh đạo Trung Quốc lại “nóng mắt” với những yêu cầu của Mỹ. Đàm phán cũng đổ vỡ ở giai đoạn này.

Bắc Kinh khư khư quan điểm một khi đạt được thỏa thuận, Tổng thống Trump phải gỡ bỏ mức thuế 25% với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD. Washington lại cho rằng mức thuế này cần duy trì bởi trước đây Bắc Kinh từng nhiều lần không giữ lời hứa.

Từ thời điểm này, truyền thông quốc gia Trung Quốc vốn khá “nhẹ nhàng” với ông Trump bỗng thay đổi. Tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cáo buộc chính quyền Tổng thống Mỹ áp dụng “chủ nghĩa bắt nạt Mỹ”.

Tổng thống Trump cho rằng Trung Quốc cần thỏa thuận thương mại hơn Mỹ. Theo AP, về mặt lý thuyết, nhà lãnh đạo Mỹ đã đúng. Mất cân bằng trong cán cân thương mại giữa hai quốc gia đồng nghĩa với việc Mỹ đã tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế của Trung Quốc nhiều hơn chiều ngược lại.

Tuy nhiên, yêu cầu của Tổng thống Trump rằng chính sách công nghiệp Trung Quốc phải thay đổi lại “đánh đúng tâm điểm” chiến lược phát triển mà Bắc Kinh coi là nền tảng cho thành công kinh tế cũng như con đường tiến tới thịnh vượng và tạo tầm ảnh hưởng lên toàn cầu. Chiến lược này bao gồm biến Trung Quốc thành nhà cạnh tranh hàng dầu về công nghệ qua robot, xe ô tô điện…

Sau khi gặp nhau bên lề hội nghị Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tổ chức tại Nhật Bản vào cuối tháng 6, Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình thống nhất tiếp diễn các cuộc đàm phán tuy nhiên cả 2 bên chưa có dấu hiệu sẵn sàng thỏa hiệp. Vòng đàm phán tại Thượng Hải trong tháng 7 kết thúc và không đạt được tiến triển nào.

Hà Linh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/chu-tich-tap-can-binh-cung-ran-hon-voi-my-sau-muc-thue-moi-20190813214942963.htm