Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh sẽ xử lý tài sản có vấn đề của 'con dâu' ra sao?

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của Sacombank (STB) vừa diễn ra, Chủ tịch HĐQT Dương Công Minh tự tin rằng Sacombank sẽ xóa tất cả tài sản có vấn đề vào năm 2022.

Từng là thành viên sáng lập, Chủ tịch LienVietPostBank (LPB), nhưng đến nay ông Dương Công Minh cam kết toàn tâm toàn ý cho Sacombank bằng câu nói ví von trước các cổ đông: “LPB là con đẻ của tôi và tôi đã cho đi, STB là con dâu và con dâu lúc nào cũng quý hơn, toàn bộ công việc của tôi giờ đây đều tập trung cho Sacombank”.

Nếu mục tiêu “xóa tất cả tài sản có vấn đề vào năm 2022” trở thành hiện thực, Sacombank sẽ về đích trong việc xử lý tài sản có vấn đề trước thời hạn 3 năm so với kế hoạch tái cơ cấu, và trước 1 năm so với kế hoạch mà chính ông Dương Công Minh đã đề ra trong ĐHCĐ năm trước.

Có vẻ như giai đoạn khó khăn nhất của Sacombank đã qua, và việc giải quyết tài sản có vấn đề đang đi đúng hướng. Báo cáo tài chính năm 2020 cho thấy áp lực về chất lượng tài sản đã giảm khi nợ xấu về mức 1,7%, các khoản vay tái cơ cấu theo Thông tư 01 là 0,2%.

Trong khi đó, ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trong năm nay là 20%, đạt 4.000 tỷ đồng, và tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 2%.

Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh.

Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu xử lý dứt điểm khối tài sản có vấn đề, Sacombank sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn. Đây đều là những bài toán mà ông Dương Công Minh và các cộng sự chưa tìm ra lời giải trong suốt một thời gian dài.

Đó là việc đấu giá Khu công nghiệp Phong Phú (huyện Bình Chánh, TP.HCM) và các tài sản khác không đúng tiến độ; ngân hàng cũng chưa thể bán cổ phiếu STB cầm cố tại VAMC;...

Trong đó, việc bán cổ phiếu STB cầm cố tại VAMC có vai trò quyết định thành bại của kế hoạch này. Ngân hàng đã xử lý 46,5 nghìn tỷ đồng tài sản có vấn đề trong giai đoạn 2017-2020. Hiện còn 39,3 nghìn tỷ đồng tài sản có vấn đề, với tài sản đảm bảo như sau:

13 nghìn tỷ đồng trái phiếu VAMC với tài sản thế chấp là 3,5 nghìn tỷ đồng bất động sản đang được bán đấu giá và Khu công nghiệp Phong Phú đang chờ kết luận thanh tra với giá trị khoảng 7,6 nghìn tỷ đồng.

Việc đấu giá Khu công nghiệp Phong Phú đã bị chậm trễ 4 năm sau khi UBND TP.HCM có chỉ đạo tạm ngưng đấu giá và yêu cầu thanh tra chấp hành quy định pháp luật trong việc thực hiện dự án, dù trước đó Sacombank khẳng định có đủ cơ sở pháp lý để tiếp tục thực hiện đấu giá.

Dự án này gắn với bóng dáng đại gia Trầm Bê sau khi CTCP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (Công ty của Trầm Bê) góp vốn thành lập CTCP Khu Công nghiệp Phong Phú vào năm 2001.

Trước đó, Sacombank rao bán khối tài sản này với giá khởi điểm 6.650 tỷ đồng. Trong bản tin đấu giá của mình, Sacombank mô tả tài sản cần đấu giá là "Quyền tài sản phát sinh từ việc đền bù tại dự án KCN Phong Phú. Quy mô 134 ha, trong đó 67ha đất khu công nghiệp, 67 ha đất dành cho khu dịch vụ công nghiệp (nhà ở chuyên gia, siêu thị, bệnh viện...). Đã thực hiện đền bù quỹ đất diện tích 120,2 ha, phần còn lại khoảng 13,8 ha chưa đền bù và chưa hoàn thành tái định cư cho 201 hộ dân".

Ngân hàng kỳ vọng sẽ sớm có quyết định của chính quyền TP.HCM để có thể xử lý dứt điểm trong năm nay.

Bên trong dự án KCN Phong Phú.

Đối với khoản vay gốc 10 nghìn tỷ đồng liên quan tới trái phiếu VAMC, cùng 11,7 nghìn tỷ đồng lãi phát sinh, với tài sản thế chấp là 586 triệu cổ phiếu STB cầm cố tại VAMC (32,5% tổng số cổ phiếu đang lưu hành), Sacombank dự kiến hoàn thành xử lý “cục nợ” này vào năm 2022. Theo đó, ngân hàng muốn mua lại khoản nợ gốc từ VAMC, sau đó bán cổ phiếu STB để thu hồi cả gốc và lãi.

Để thu hồi đủ tiền gốc, tiền lãi và phí phạt, cổ phiếu STB phải được bán với giá khoảng 33.000 -34.000 đồng/cổ phiếu (cao hơn 51% so với giá thị trường hiện tại), quả là một bài toán nan giải đối với ông Dương Công Minh.

Như đã nói ở trên, việc bán cổ phiếu STB đã cầm cố là vấn đề quan trọng nhất đối với quá trình xử lý tài sản có vấn đề của Sacombank. Đại gia nào mua số cổ phiếu này đương nhiên sẽ trở thành cổ đông lớn nhất của ngân hàng và có thể xác định hướng đi dài hạn của ngân hàng.

Ngoài ra, Sacombank còn 1 nghìn tỷ đồng lãi dự thu và 2,7 nghìn tỷ đồng phải thu khác, theo báo cáo tài chính 2020. Tuy nhiên, các tài sản này có thể được xóa thông qua trích lập dự phòng rủi ro tín dụng năm 2021.

Ngân Giang

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/thi-truong/chu-tich-sacombank-duong-cong-minh-se-xu-ly-tai-san-cua-con-dau-ra-sao-282839.html