Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp xúc cử tri tại TP. Hải Phòng

Sáng 14/5, tại TP. Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng tiếp xúc cử tri tại quận Lê Chân.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri tại quận Lê Chân, TP. Hải Phòng - Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri tại quận Lê Chân, TP. Hải Phòng - Ảnh: TTXVN

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng đã tiếp thu và giải trình thêm một số nội dung.

Chia sẻ một số kết quả kinh tế-xã hội đạt được thời gian qua trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, hiện hầu hết ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi, tăng trưởng trở lại, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô trong dài hạn, cũng như để đạt mục tiêu đã đề ra cho cả năm thì cần phải nỗ lực rất nhiều.

Về một số vấn đề cụ thể, nhất trí với ý kiến của cử tri Phạm Tiến Du, cử tri phường Trần Nguyên Hãn cho rằng Quốc hội tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các văn bản pháp luật, để các văn bản luật có đời sống lâu dài, ổn định; giải quyết tốt hơn nữa tình trạng chậm, nợ ban hành các văn bản hướng dẫn…

Chủ tịch Quốc hội cho biết, hiện nay nước ta có hệ thống pháp luật khá đầy đủ, đồng bộ, hoàn thiện, phục vụ đắc lực phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; đồng thời chia sẻ một số giải pháp trong việc nâng cao chất lượng của hệ thống pháp luật nhằm tiếp tục kiến tạo sự phát triển của đất nước nhanh và bền vững và tạo điều kiện hội nhập quốc tế; khắc phục cho được tình trạng "luật khung, luật ống" hay quy định quá chi tiết, không đáp ứng sự biến động của thực tiễn cuộc sống.

Với mong muốn công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ngày càng hiệu quả, cử tri Vũ Đình Thắng kiến nghị Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật thật chặt chẽ, nghiêm minh, xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước hiệu quả góp phần cảnh tỉnh, răn đe, ngăn ngừa vi phạm để các tập thể, cá nhân "không thể, không muốn, không dám" tham nhũng; tăng cường công tác giám sát của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội; tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, thể chế kiểm soát quyền lực đối với các cơ quan và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong bộ máy Nhà nước, góp phần ngăn chặn từ sớm, từ xa các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí…

Đồng tình với ý kiến cử tri, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, hệ thống pháp luật cần được tiếp tục hoàn thiện theo hướng "không thể, không muốn, không dám" tham nhũng. "Không thể" thì rõ ràng hệ thống pháp luật phải chặt chẽ, không có sơ hở. "Không muốn" thì chế độ về chính sách, đãi ngộ của chúng ta sau này như tiền lương và các điều kiện khác, cần phải tiếp tục nỗ lực để cải thiện. Và cuối cùng là chế tài đủ mạnh để "không dám" tham nhũng…

Cũng liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, cử tri Lê Quý Hùng, phường Lam Sơn cho biết vừa qua trong lúc toàn Đảng, toàn dân đang nỗ lực phòng, chống đại dịch COVID-19 thì một số bộ phận và cá nhân thực hiện hành vi tham nhũng trong lĩnh vực y tế…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ cũng yêu cầu giải trình rõ hai việc trong lĩnh vực y tế. Một số nơi không dám mua sắm trang thiết bị y tế; ngược lại một số nơi mua thì xảy ra sai phạm, có thể kể tới như vụ Việt Á… Từ đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng phải tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát. Trong kỳ họp thứ 3 sắp tới, Kiểm toán Nhà nước cũng sẽ báo cáo với Quốc hội kết quả của kiểm toán chuyên đề việc huy động quản lý và sử dụng tất cả các nguồn lực của công tác phòng, chống dịch trong mấy năm nay.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng đã tiếp thu và giải trình thêm một số nội dung - Ảnh: TTXVN

Về lĩnh vực giáo dục, cử tri phản ánh, vừa qua, dư luận xã hội có nhiều ý kiến về việc dự kiến năm học 2022-2023, học sinh các trường Phổ thông trung học sẽ được quyền lựa chọn có học môn lịch sử hay không. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cùng Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tọa đàm về ý kiến của cử tri nêu để có những đánh giá, nghiên cứu về ý nghĩa môn lịch sử. Theo Chủ tịch Quốc hội, vấn đề quan trọng là đổi mới cách dạy và học về lịch sử…

Trả lời ý kiến cử tri về sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thảo luận rất kỹ lưỡng các chính sách để sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, nhất là nhận diện đầy đủ các hành vi bạo lực gia đình, bao gồm cả vấn đề về thể chất và về tinh thần, đồng thời phải tăng cường công tác phối hợp và trách nhiệm của từng ngành trong việc này.

Tại cuộc tiếp xúc, Chủ tịch Quốc hội đã thông tin tới cử tri về một số nội dung liên quan đến thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, vấn đề hòa giải trong ngành tòa án, quy hoạch, tầm quan trọng của y tế dự phòng, y tế cơ sở, chuyển đổi số quốc gia…/.

Theo TTXVN

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/chu-tich-quoc-hoi-vuong-dinh-hue-tiep-xuc-cu-tri-tai-tp-hai-phong-102220514162353474.htm