CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: ĐỔI MỚI MẠNH MẼ TƯ DUY VÀ CÁCH LÀM, GÓP PHẦN KIẾN TẠO SỰ PHÁT TRIỂN

Sáng 27/9, tại Nhà Quốc hội, phát biểu bế mạc Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định năm 2022 và từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã đánh dấu sự tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cả về tư duy và cách làm trong công tác giám sát của Quốc hội. Nhấn mạnh Quốc hội không ngừng tự đổi mới và đổi mới hoạt động giám sát là một trong những khâu then chốt, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đề nghị mỗi cơ quan của Quốc hội, mỗi đại biểu Quốc hội phải thực hiện tốt việc tự giám sát, giám sát phải vì mục tiêu là kiến tạo sự phát triển.

Tổng thuật sáng 27/9: Hội nghị triển khai chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội

Phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định sau một buổi sáng làm việc, hội nghị đã hoàn tất được các chương trình theo kế hoạch đề ra. Theo đó, Hội nghị đã nghe phát biểu khai mạc của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phụ trách công tác giám sát, nghe báo cáo tóm tắt của Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội về kết quả thực hiện Chương trình giám sát của năm 2022 và việc triển khai thực hiện nhiệm vụ Kế hoạch giám sát năm 2023 của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hội nghị cũng đã xem phim phóng sự tài liệu của Truyền hình Quốc hội Việt Nam minh họa thêm cho báo cáo và đã có 9 ý kiến tham luận đại diện khá đầy đủ các lĩnh vực, các thành phần, các vùng miền.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc hội nghị

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận các ý kiến phát biểu tham luận rất cụ thể, toàn diện và sâu sắc, chỉ ra nhiều điểm nổi bật nhưng cũng có những điểm cần phải tiếp tục rút kinh nghiệm, khắc phục và nhiều ý kiến đề xuất để tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng công tác giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao các cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã phối hợp rất chặt chẽ, chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo để hội nghị diễn ra thành công tốt đẹp. Chủ tịch Quốc hội cũng gửi lời cảm ơn sự tham gia dự trách nhiệm, tâm huyết, tích cực của các đồng chí thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở trung ương, các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách ở trung ương và đại diện các Thành ủy, Tỉnh ủy, Đoàn đại biểu Quốc hội và Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Năm 2022, đánh dấu sự tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cả về tư duy và cách làm trong công tác giám sát của Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, quán triệt các quan điểm, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp và pháp luật, đặc biệt là thực hiện định hướng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV là: "Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, nhất là giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn, phát huy dân chủ, tăng tính tranh luận, phân tích sâu, làm rõ những thành tích, ưu điểm cũng như những tồn tại, khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp xác đáng, khả thi, chú trọng giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát". Từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay và nhất là năm 2022 vừa qua đã đánh dấu sự tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cả về tư duy và cách làm, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội đã triển khai đồng bộ các hoạt động giám sát theo quy định của Luật Hoạt động giám sát đối với Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Hội nghị này là dịp để cùng nhìn lại, đánh giá việc triển khai và kết quả thực hiện các nhiệm vụ giám sát năm 2022, có thể nói rộng ra là từ đầu nhiệm kỳ tới nay, rút ra những bài học kinh nghiệm, những cách làm hay, các cải tiến đã được đánh giá cải tiến đã được đánh giá là có hiệu quả và sáng tạo, đồng thời cùng trao đổi để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cùng nhau rút kinh nghiệm để thống nhất nhận thức và hành động thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ đề ra trong Chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2023.

Qua Báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và các báo cáo và ý kiến tham luận, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh công tác giám sát tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tăng cường thông qua các hoạt động xem xét báo cáo giám sát chuyên đề chất vấn và trả lời chất vấn cùng với kết quả hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội với phạm vi giám sát tập trung vào những vấn đề lớn, quan trọng hoặc bức xúc của cuộc sống bao gồm hầu hết các lĩnh vực.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023

Thứ nhất, việc xem xét báo cáo của các cơ quan được thực hiện một cách thực chất, trách nhiệm, hiệu quả, có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả đối với các hoạt động của các chủ thể: Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội; công tác phòng, chống dịch COVID-19; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri được dành thời lượng thỏa đáng và được thảo luận kỹ lưỡng.

Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng, trước đây Báo cáo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hoặc liên quan đến quyết toán ngân sách nhà nước thường ít được bố trí thời gian để thảo luận. Lần này, Quốc hội bố dành thời gian để xem xét kỹ lưỡng những vấn đề này, không coi đấy là những việc đã rồi. Hầu hết các phiên được phát thanh, truyền hình trực tiếp thể hiện tính công khai, minh bạch trong hoạt động của bộ máy nhà nước. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, những đổi mới khi xem xét các báo cáo với các hình thức giải trình, tranh luận và những phát biểu mang tính phản biện đã tạo không khí sôi nổi trong phiên thảo luận, làm cho việc xem xét, đánh giá các nội dung báo cáo trở nên thực chất và hiệu quả hơn.

Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã quan tâm chỉ đạo Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp, Thư viện Quốc hội tổ chức biên soạn, biên tập và cung cấp nhiều tài liệu, đề án chuyên đề để gửi các vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu trước mỗi kỳ họp. Đây là nguồn tài liệu là rất phong phú, nhất là những vấn đề số liệu chưa được tường minh hoặc còn có ý kiến khác nhau thì thông qua các báo cáo của các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan, chúng ta cung cấp thông tin trước cho đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội chia sẻ thêm, Diễn đàn Kinh tế năm 2021 và Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2022 của Quốc hội được tổ chức với các chủ đề rất thiết thực, thu hút đông đảo các cơ quan, tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước, đã kịp thời cung cấp những luận cứ khoa học, thực tiễn phong phú, sát thực cho đại biểu Quốc hội trong quá trình xem xét, thảo luận các báo cáo của các cơ quan, các báo cáo về kinh tế - xã hội; thuận lợi cho đại biểu khi nhìn nhận, đánh giá các tình hình kinh tế - xã hội, để có những quyết sách phù hợp với thực tiễn của nước ta cũng như sát hợp với những diễn biến rất nhanh chóng và cũng rất khó dự báo của tình hình khu vực và quốc tế.

Thứ hai, hoạt động chất vấn tiếp tục được đổi mới, hoàn thiện, trở thành một hình thức giám sát có hiệu quả của Quốc hội, luôn thu hút sự quan tâm theo dõi của các tầng lớp Nhân dân và để lại nhiều dấu ấn trong hoạt động giám sát. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội đã chủ động cho ý kiến bước đầu về cách thức tổ chức chất vấn, trình tự thủ tục và việc quyết định lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn cũng như việc ban hành Nghị quyết chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Quốc hội đã tiến hành chất vấn tại Kỳ họp thứ 2 và Kỳ họp thứ 3. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn tại phiên họp tháng 3/2002 và tháng 8/2022, tập trung vào các lĩnh vực thời sự nổi cộm được cử tri và Nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm.

Giám sát không chỉ còn là hậu kiểm mà còn là sự song hành với Chính phủ

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc lựa chọn vấn đề chất vấn từ năm ngoái đến năm nay cũng có những đổi mới. Theo đó cả về lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề cũng như chủ chất vấn cũng theo nguyên tắc chung không nhất thiết là vấn đề hậu kiểm mà có thể là những vấn đề diễn ra ngay tại chỗ, đang thực hiện và đang diễn ra rất sôi động như y tế, lao động, thương binh và xã hội, tài chính ngân hàng, giao thông vận tải, công thương, tài nguyên và môi trường, giáo dục vào đào tạo.

Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, thời điểm lựa chọn chuyên đề giám sát như giám sát về quy hoạch, nhiều ý kiến đặt vấn đề tại sao Quốc hội lại tiến hành giám sát sớm như thế. Thời điểm quyết định giám sát quy hoạch, cả nước mới mới ban hành được một quy hoạch duy nhất cấp tỉnh là Bắc Giang và một quy hoạch duy nhất của vùng là vùng Đồng bằng sông Cửu Long và một quy hoạch quốc gia duy nhất đó là quy hoạch về sử dụng đất đai. Hầu như mọi công tác mới chỉ ở giai đoạn khởi động. Vậy tại sao lại chọn nội dung này?

Trả lời cho câu hỏi này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, nếu hậu kiểm hoàn toàn thì tác động vào cuộc sống rất chậm. Ở đây Quốc hội đã cùng nhìn nhận với Chính phủ nhận thấy lĩnh vực này còn rất nhiều tồn đọng, nhiều vướng mắc và phải rà soát lại các quy định pháp luật. Qua giám sát và Nghị quyết giám sát của Quốc hội ban hành tại Kỳ họp thứ 3 vừa qua, Chính phủ hoan nghênh đã góp phần tháo gỡ vướng mắc trực tiếp trước mắt và có những định hướng cho cả lâu dài và tạo được sự đồng thuận trong nhận thức từ Trung ương đến địa phương về công tác quy hoạch.

Tương tự như chuyên đề giám sát về quy hoạch nhờ tiến hành sớm đã tạo chuyển biến mạnh trong toàn hệ thống, năm 2023, Quốc hội quyết định tiến hành giám sát chuyên đề về việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia bởi nếu chỉ giám sát các chương trình cũ của 5 năm trước dù đạt kết quả tốt nhưng những kết quả giám sát đưa vào cuộc sống rất chậm, tác động không có nhiều. Do đó nét mới trong giám sát lần này là tiến hành sớm, song hành cùng với quá trình điều hành để góp ý. Việc lựa chọn các chuyên đề giám sát có những nội dung là hậu kiểm nhưng có những nội dung là tiền kiểm và có những nội dung đòi hỏi song hành cùng với quá trình điều hành, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Kết thúc chất vấn, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành một cách kịp thời, nhanh chóng các nghị quyết về hoạt động chất vấn, trong đó Quốc hội có 2 nghị quyết là Nghị quyết số 41/2021/QH15 và Nghị quyết số 62/2022/QH15; Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có Nghị quyết số 499/NQ-UBTVQH15 và Nghị quyết số 572/NQ-UBTVQH15 về chất vấn và trả lời chất vấn. Các nghị quyết đã đặt ra yêu cầu, giải pháp cụ thể và thời hạn hoàn thành để các cơ quan tổ, chức thực hiện. Đây cũng là một trong những đổi mới quan trọng giúp cho việc giám sát thực hiện lời hứa sau chất vấn được kịp thời, khả thi và có căn cứ.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, kết quả các phiên chất vấn tại Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và năm 2022 vừa qua cho thấy tinh thần sát thực tế, thiết thực, tâm huyết, thẳng thắn, trách nhiệm cao của cả người chất vấn và người trả lời chất vấn được các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân cả nước ghi nhận, đồng tình, đánh giá cao. Chủ tịch Quốc hội một lần nữa nhắc lại 5T (Thực tế - Thiết thực - Tâm huyết - Thẳng thắn - Trách nhiệm cao) để tổng kết cho phiên chất vấn vừa diễn ra ở phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 8/2022 vừa qua của cả người chất vấn và người trả lời chất vấn.

Thoát ra được “rừng số liệu” để tập trung vào những vấn đề chính, những vấn đề lớn

Thứ ba, hoạt động giám sát chuyên đề được chú trọng, có nhiều đổi mới, cả trong công tác tổ chức thực hiện, phương pháp giám sát, xây dựng phim phóng sự, tài liệu về kết quả giám sát của Truyền trình Quốc hội Việt Nam.

Năm 2022, Quốc hội lựa chọn 2 chuyên đề là: Việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực và Việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để Quốc hội giám sát tối cao. Hai chuyên đề giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội là Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 và Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021. Theo Chủ tịch Quốc hội, việc triển khai hoạt động của các Đoàn giám sát chuyên đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo sát sao và có nhiều đổi mới nổi bật.

Các đại biểu tham dự hội nghị từ điểm cầu Nhà Quốc hội

Một là, lựa chọn chủ đề giám sát, cách xây dựng, cung cấp các thông tin dữ liệu, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của các Đoàn đại biểu Quốc hội, của đại biểu Quốc hội xuất phát từ tình hình thực tế, dư luận báo chí, những yêu cầu quản lý để lựa chọn vấn đề và qua tổng kết đều khẳng định việc lựa chọn vấn đề giám sát là đúng và trúng.

Hai là, xem xét cho ý kiến về kế hoạch chi tiết, đề cương báo cáo của Đoàn giám sát xác định cụ thể hơn đối tượng, nội dung giám sát tại kế hoạch chi tiết theo ủy quyền của Quốc hội. Theo đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành thêm nhiều thời gian họp cả chính thức và không chính thức để có thể có được đề cương chi tiết giám sát để gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, đây là cả một quá trình làm rất kỹ lưỡng, rất nhiều vòng, nhiều bước để chuẩn bị. Việc chuẩn bị tốt đã thành công được một nửa, còn lại là khâu tổ chức thực hiện.

Ba là, đã huy động cả Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tham gia giám sát để có thêm luận cứ và bằng chứng sát thực một cách rộng khắp để bảo đảm cho kết quả giám sát dựa trên những chứng cứ, những bằng chứng cụ thể, những tình hình thực tế của các bộ, ngành và địa phương. Hoạt động giám sát cũng huy động sự phối hợp tham gia giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, các tổ chức chính trị xã hội.

Bốn là, trong quá trình giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bố trí thời gian nghe báo cáo kết quả bước đầu vì vậy đã kịp thời chỉ đạo trong quá trình giám sát, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các Đoàn giám sát. Như giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một cuộc giám sát rất quy mô với hàng trăm báo cáo và hàng nghìn trang tài liệu khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải cho ý kiến chính thức hai lần. Trong đó, lần đầu khởi động để làm sao đó thoát ra được “rừng số liệu” để tập trung vào những vấn đề chính, những vấn đề lớn. Lần thứ hai là để hoàn thiện các dự thảo, chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và ban hành Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 4 tới.

Quan tâm công tác điều hòa phối hợp giám sát, công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân

Thứ tư, hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đưa vào chương trình giám sát hằng năm theo lĩnh vực được phân công, phụ trách. Đặc biệt để hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện thường xuyên và liên tục, ngày 22/7/2022 vừa qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu tiên đã ban hành Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 về hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội nhằm thống nhất về cách thức, trình tự, thủ tục tiến hành giám sát và là căn cứ để các cơ quan của Quốc hội giám sát văn bản quy phạm pháp luật một cách đồng bộ và có hệ thống hơn. Chủ tịch Quốc hội kỳ vọng sau khi Nghị quyết được ban hành, việc giám sát văn bản của các cơ quan của Quốc hội cùng với quá trình giám sát của Chính phủ thì hiệu lực của hệ thống pháp luật thực thi sẽ tốt hơn.

Thứ năm, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri ngày càng được tăng cường và trở thành hoạt động thường xuyên. Chủ tịch Quốc hội cho biết, điểm mới so với các nhiệm kỳ trước là Ủy ban Thường vụ Quốc hội định kỳ xem xét, thảo luận, báo cáo về công tác dân nguyện tại phiên họp hàng tháng. Đây là một đổi mới quan trọng, được đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân cả nước đánh giá cao.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉ đạo Ban Dân nguyện báo cáo, tham mưu việc giám sát những vụ việc nổi cộm; việc phân loại, xử lý các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài ở Trung ương và địa phương; theo dõi, đôn đốc và đánh giá việc trả lời, kiến nghị cử tri của các Bộ, ngành trung ương. Cùng với giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị cử tri thời gian qua đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác dân nguyện, cũng như chỉ đạo, phối hợp giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, kéo dài; góp phần hoàn thiện kết quả giám sát việc giải quyết trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp trình Quốc hội bảo đảm tính thời sự, khách quan, toàn diện, có số liệu chứng minh rõ ràng và kiến nghị cụ thể.

Thứ sáu, việc giám sát hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm và đạt được nhiều kết quả. Lần đầu tiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố ở 3 miền Bắc - Trung - Nam, phối hợp tổ chức thành công hội nghị thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố, các khu vực trong cả nước, đặc biệt và ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 về hướng dẫn hoạt động giám sát Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân, góp phần tạo điều kiện để Hội đồng nhân dân phát huy tốt vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, trước đây hoạt động này rất lúng túng và phải qua 6 năm chờ đợi đến nay với có được nghị quyết góp phần cho hoạt động giám sát, chất vấn và trả lời chất vấn của Hội đồng nhân dân có những bước đổi mới như của Trung ương. Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 như một bộ cẩm nang được các cơ quan của Quốc hội, có sự đóng góp của Bộ Tư pháp làm ngày, làm đêm và được đón nhận trong cả nước

Thứ bảy, công tác chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát được quan tâm, tránh được nhiều việc trùng lặp, chồng chéo về nội dung, thời gian giám sát. Dẫn chứng cho nhận định này, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, điển hình là vào đầu tháng 8/2022 sau khi tổng hợp kế hoạch giám sát, khảo sát cụ thể các tháng cuối năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu Tổng Thư ký Quốc hội có văn bản đề nghị cơ quan Quốc hội điều chỉnh kế hoạch công tác tại địa phương để tập trung cho các phiên họp tháng 9, tháng 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội bám sát chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022, chủ động cải tiến, đổi mới, triển khai hoạt động giám sát của mình để vừa đạt được kết quả giám sát cao nhất và không gây phiền hà cho các đơn vị được giám sát. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc thực hiện điều hòa hoạt động giám sát bảo đảm tốt nguyên tắc đa mục tiêu, vừa đạt được mục tiêu của mình nhưng hạn chế đến mức thấp nhất hoạt động bình thường của các cơ quan trong hệ thống chính trị.

Trách nhiệm giải trình đối với tình hình và kết quả giám sát cần phải được quan tâm thêm

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn còn một số hạn chế như đã nêu trong các báo cáo, nhất là các ý kiến tham luận. Chủ tịch Quốc hội lưu ý một số nội dung như: khó khăn trong việc bảo đảm cân đối thời gian, bảo đảm nguồn lực cho hoạt động giám sát trong điều kiện khối lượng công việc xây dựng pháp luật và các công tác khác của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội hết sức nặng nề. Việc tổ chức giám sát có lúc, có nơi còn mang tính hình thức hoặc chưa sâu.

Theo Chủ tịch Quốc hội, phương pháp, cách thức tổ chức giám sát chuyên đề, nhất là việc kết hợp giữa giám sát trực tiếp với việc nghiên cứu, sử dụng các thông tin, tài liệu do cơ quan chức năng cung cấp hiệu quả chưa thực sự cao. Việc nghiên cứu đổi mới hơn công tác biên tập, báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết giám sát chuyên đề vẫn là khâu cần chú trọng nâng cao về chất lượng. Còn tình trạng một số yêu cầu tại các nghị quyết về giám sát chưa được thực hiện nghiêm túc việc theo dõi, đôn đốc kết luận, kiến nghị giám sát cũng có lúc chưa thực sự quyết liệt. Thông tin số liệu, cơ sở dữ liệu cho công tác giám sát còn rời rạc, phân tán, thiếu thống nhất và cập nhật.

Hội nghị nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 và triển khai Chương trình giám sát năm 2023

Một tồn đọng nữa cũng cần phải được xem xét thêm là trách nhiệm giải trình, nhất là của người đứng đầu đối với tình hình và kết quả giám sát. Dù vấn đề này đã được chú trọng hơn nhưng nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu giám sát của Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội bày tỏ, đi giám sát mà nói chung chung không ai nghe và không biết đối tượng chịu sự giám sát có thực hiện hay không, thực hiện thế nào và trách nhiệm giải trình ra sao thì không ổn. Bởi hiệu lực giám sát cuối cùng nằm ở khâu này. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đấy là vấn đề cần phải tiếp tục quan tâm.

Cùng với đó là những tồn tại hạn chế đã được chỉ ra trong báo cáo và các tham luận tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội đề nghị có tổng hợp đầy đủ và lưu ý các cơ quan tập trung khắc phục trong thời gian tới, đáp ứng tốt hơn sự mong đợi của cử tri và Nhân dân cả nước.

Nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát là một nội dung quan trọng, khâu then chốt trong quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội cho biết, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội, chương trình, kế hoạch nhiệm kỳ của Quốc hội; là năm tập trung cho triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Căn cứ đặc điểm tình hình năm 2023 và đề xuất của các cơ quan, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 47 ngày 06/6/2022 về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 23 về Chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023 và Kế hoạch số 248 ngày 04/8/2022 nhằm triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất.

Theo đó, năm 2023, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành các hoạt động xem xét các báo cáo chất vấn và trả lời chất vấn giám sát chuyên đề, lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; xem xét việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao 2 chuyên đề. Một là việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng (tại Kỳ họp thứ 5). Hai là việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” (tại kỳ họp thứ 6).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát 2 chuyên đề. Một là việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (tại phiên họp tháng 8/2023). Hai là việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 (tại phiên họp tháng 9/2023).

Toàn cảnh hội nghị

Để triển khai có hiệu quả chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan tâm thực hiện tốt các giải pháp đã nêu trong báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; đồng thời chắt lọc những kiến nghị hợp lý, xác đáng của các tham luận tại hội nghị. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh thêm một số vấn đề chủ yếu:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, đặc biệt là yêu cầu tại văn kiện Đại hội lần thứ XIII về “đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, pháp quyền, tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội”; xác định việc nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát là một nội dung quan trọng, khâu then chốt trong quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội Việt Nam theo quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Đồng thời, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng hoạt động giám sát của Quốc hội; về mối quan hệ biện chứng giữa chức năng giám sát và chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; mối quan hệ biện chứng giữa hoạt động giám sát với công tác xây dựng, thi hành pháp luật, nhất là các lĩnh vực có nhiều vướng mắc, bất cập; gắn kết chặt chẽ, bảo đảm kết nối và kế thừa hiệu quả giữa kết quả hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội tiến hành với kết quả các hoạt động kiểm tra, kiểm soát chất lượng văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ thực hiện.

Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu, xác định rõ hơn phạm vi, đối tượng, phương pháp, hình thức giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nâng cao chất lượng xây dựng chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong triển khai hoạt động giám sát tập trung ở một số nội dung cụ thể: Thực hiện nghiêm chỉ đạo điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng chủ động, thống nhất, tránh trùng lặp và phù hợp với từng chuyên đề giám sát, từng hoàn cảnh cụ thể; Tăng cường tính tranh luận, đi sâu làm rõ vấn đề, trách nhiệm trong thảo luận, xem xét các báo cáo; Tiếp tục nâng cao chất lượng giám sát chuyên đề, tăng cường sử dụng thông tin từ kết quả của các cuộc giám sát có liên quan, các thông tin từ các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát chuyên đề; Tiếp tục đổi mới phương thức, cách thức tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn; tăng cường hoạt động chất vấn và ban hành Nghị quyết về chất vấn tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thường xuyên xem xét các kiến nghị giám sát chưa được thực hiện bố trí nguồn lực để tiến hành thường xuyên hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật theo đúng quy định tại Nghị quyết 560 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, ngay sau hội nghị này, các Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023 khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu dự Hội nghị để hoàn thiện các dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành để tổ chức thực hiện ngay trong năm 2022.

Chú trọng giám sát phòng, chống tham nhũng, tiêu cực song hành với thực hành tiết kiệm chống lãng phí: Tiến hành công khai, toàn diện, trọng tâm, trọng điểm

Thứ ba, tăng cường giám sát của Quốc hội trong hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và lãng phí theo hướng triển khai các hoạt động giám sát như chất vấn, giám sát chuyên đề, giải trình, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, kiến nghị của cử tri. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội phải chú trọng nội dung phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng và được tiến hành toàn diện, công khai, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, dư luận quan tâm về tham nhũng, tiêu cực, về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Phát huy cơ chế tham gia của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, Nhân dân và các cơ quan truyền thông, báo chí trong hoạt động giám sát, trong đó có giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng và tiêu cực.

Căn cứ tình hình thực tế, nghiên cứu lồng ghép nội dung về phòng, chống tiêu cực trong báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng. Theo đó, hằng năm Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo Quốc hội về nội dung này. Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tiến hành thẩm tra. Tại các kỳ họp cuối năm, trường hợp cần thiết có thể bố trí để Quốc hội xem xét, báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cùng với xem xét báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, hai hoạt động này cố gắng đi song hành với nhau.

Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa Quốc hội với các tổ chức, cơ quan hữu quan, các ban đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội trong hoạt động giám sát để phát huy vai trò giám sát của mỗi cơ quan, cùng tạo sức cộng hưởng, thúc đẩy, nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm soát quyền lực. Tăng cường mối quan hệ phối hợp cung cấp thông tin giữa Quốc hội với Ủy ban Kiểm tra các cấp của Trung ương Đảng, của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Kiểm toán nhà nước trong hoạt động kiểm soát quyền lực. Tăng cường sự liên thông và phân định rõ nội dung giám sát giữa hoạt động giám sát của Quốc hội với giám sát của Hội đồng nhân dân, giám sát xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, giám sát trực tiếp của Nhân dân.

Thứ năm, triển khai Kết luận số 843 của Đảng đoàn Quốc hội về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của Quốc hội, trong đó có nội dung sớm rà soát, tổng kết, đánh giá, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật về hoạt động giám sát, nhất là đối với Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân để phù hợp với yêu cầu của kiểm soát, nâng cao chất lượng của bộ máy nhà nước và kiểm soát quyền lực trong tình hình mới, đảm bảo tính tối cao trong hoạt động giám sát của Quốc hội đối với hoạt động của bộ máy nhà nước; tổ chức tốt việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.

Công tác giám sát cũng phải vì mục tiêu là kiến tạo sự phát triển

Chủ tịch Quốc hội một lần nữa khẳng định đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là vấn đề đã và đang được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện và thể hiện thông qua những thay đổi trong tư duy và cách làm, nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước và tổ chức thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Nhấn mạnh, giám sát phải trên tinh thần hết sức xây dựng; giữa “xây” và “chống” thì xây vẫn là căn bản và lâu dài, chống là quyết liệt, triệt để và cấp bách; phải phát huy cho được những mô hình tốt, những cách làm hay, gương người tốt, việc tốt, đánh giá cân bằng khách quan để tiếp tục hoàn thiện thể chế hệ thống pháp luật; tiếp tục nâng cao hiệu quả khâu tổ chức thực hiện để mọi việc tốt hơn, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đất nước; xây dựng pháp luật là để kiến tạo, phát triển, công tác giám sát cũng phải vì mục tiêu là kiến tạo sự phát triển, do đó, Quốc hội luôn tự đổi mới chính bản thân mình. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, mỗi cơ quan của Quốc hội phải thực hiện tốt việc tự giám sát, mỗi đại biểu Quốc hội phải tự mình kiểm soát hoạt động của chính mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm trước cử tri để thực sự “mở ra một giai đoạn mới đầy triển vọng tốt đẹp trong hoạt động của Quốc hội”, như chỉ đạo và kỳ vọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Quốc họi đề nghị, ngay sau hội nghị này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến phát biểu, tham luận để hoàn thiện các văn kiện của Hội nghị, kịp gửi cho đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan./.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=68877