Người nhập cảnh đã tiêm vaccine sẽ cách ly ngắn hơn

Theo Bộ Y tế, thời gian cách ly có thể rút ngắn xuống còn khoảng 1 tuần đối với người nhập cảnh đã tiêm vaccine, hoặc cơ thể đã có miễn dịch, xét nghiệm không phát hiện virus SARS-CoV-2.

Người nhập cảnh đã tiêm vaccine có thể chỉ cách ly 7 ngày

Chiều 2/6, Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 đã đề nghị Bộ Y tế khẩn trương rà soát, ban hành quy trình xét nghiệm mới đối với người nhập cảnh đã được tiêm vaccine phòng COVID-19, hoặc cơ thể đã có miễn dịch, xét nghiệm không phát hiện virus SARS-CoV-2, để rút ngắn thời gian cách ly tập trung.

Tại cuộc họp, PGS.TS Trần Đắc Phu, Tổ trưởng Tổ Tư vấn công tác xét nghiệm và chẩn đoán virus SARS-CoV-2 (Bộ Y tế) cho biết, một số chuyên gia cho rằng, những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 chỉ cần xét nghiệm Realtime-PCR, cách ly y tế 14 ngày (cách ly tập trung 7 ngày sau đó được về cách ly tại nhà 7 ngày). Theo đó, Việt Nam nên thành lập hội đồng xem xét, công nhận những loại vaccine có hiệu lực trên thế giới, bao gồm cả những vaccine của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép và những loại vaccine chưa được WHO công nhận nhưng đã được sử dụng và chứng minh hiệu quả trong thực tiễn.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Tổ trưởng Tổ Tư vấn công tác xét nghiệm và chẩn đoán virus SARS-CoV-2 (Bộ Y tế).

PGS.TS Trần Đắc Phu, Tổ trưởng Tổ Tư vấn công tác xét nghiệm và chẩn đoán virus SARS-CoV-2 (Bộ Y tế).

Một số ý kiến khác đề nghị bổ sung thêm xét nghiệm kháng thể cùng với xét nghiệm Realtime-PCR để đảm bảo chứng minh việc tiêm vaccine phòng COVID-19 của người nhập cảnh đạt hiệu quả và không nhiễm virus SARS-CoV-2. Sau đó, người nhập cảnh sẽ thực hiện cách ly tập trung 7 ngày và về cách ly tại nhà 7 ngày.

Trả lời yêu cầu của Thường trực Ban Chỉ đạo và ý kiến các chuyên gia, đại diện Bộ Y tế cho biết, thời gian cách ly có thể rút ngắn xuống còn khoảng 1 tuần đối với những trường hợp nêu trên.

Bên cạnh đó, Thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị, Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ thí điểm việc hướng dẫn nhân dân tự lấy mẫu xét nghiệm, sau đó đề nghị nhân rộng, tiến tới phổ biến cho mọi người dân, qua đó, sẵn sàng phòng trường hợp nhiều nơi cùng bị lây nhiễm vào các khu công nghiệp, cần số lượng lấy mẫu lớn.

Vaccine nếu có trước tháng 10/2021 là tốt nhất

Về vaccine, các chuyên gia phân tích, ngay từ khi xuất hiện dịch, Chính phủ, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo các lực lượng nghiên cứu, phát triển vaccine phòng COVID-19 ở trong nước; đồng thời, tiếp cận, đàm phán mua vaccine ngay từ tháng 5/2020. Theo báo cáo của Bộ Y tế, dự kiến đến cuối năm 2021, nhiều khả năng Việt Nam có đủ vaccine tiêm cho 70% dân số (tương đương 150 triệu liều).

Song theo các chuyên gia, phải có vaccine “càng sớm càng tốt” và tốt nhất là trước tháng 10/2021. Bộ Y tế tạo mọi điều kiện để việc nhập khẩu vaccine thuận lợi.

Thường trực Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu Bộ Y tế phải có kế hoạch linh hoạt, điều tiết nguồn vaccine (mặc dù hiện nay còn phụ thuộc vào tiến độ giao hàng của nhà cung cấp); tuy nhiên, tuyệt đối tránh tình trạng trước mắt chưa có vaccine, nhưng đến cuối năm 2021, đầu năm 2022 vaccine lại về cấp tập.

Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 họp chiều 2/6.

Tính đến ngày 1/6, cả nước đã hoàn thành tiêm chủng đợt 1, đợt 2 tổng số 1.041.948 liều/ 917.600 liều vaccine phân bổ, tỷ lệ sử dụng đạt 114%. Toàn bộ 63/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ sử dụng vaccine đạt trên 100%.

Ngày 16/5, Bộ Y tế tiếp nhận 1.682.400 liều vaccine phòng chống COVID-19 do COVAX Facility hỗ trợ và triển khai tiêm chủng từ ngày 27/5./.

Thiên Bình/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/nguoi-nhap-canh-da-tiem-vaccine-se-cach-ly-ngan-hon-863001.vov