Chủ tịch Quốc hội: Tại sao lại phân biệt kinh tế tư nhân và kinh tế Nhà nước?

Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm không được có sự phân biệt nào giữa khu vực kinh tế tư nhân và kinh tế Nhà nước.

Phát biểu thảo luận tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu vấn đề gợi mở: "Kinh tế tư nhân chúng ta cho đa dạng đa ngành đa lĩnh vực. Một doanh nghiệp có thể đăng ký nhiều ngành nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp Nhà nước chúng ta yêu cầu thoái vốn ngoài ngành thì có hợp lý không?"

Chủ tịch Quốc hội cho rằng nếu doanh nghiệp Nhà nước nào đầu tư ngoài ngành thua lỗ, kém hiệu quả vi phạm pháp luật thì chúng ta phải xử lý.

"Tại sao lại phân biệt không bình đẳng giữa khu vực kinh tế tư nhân và kinh tế Nhà nước?", Chủ tịch Quốc hội băn khoăn.

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Vì vậy, bà Ngân cho rằng Chính phủ cần đánh giá vì sao kinh tế tư nhân đầu tư đa ngành đa lĩnh vực thì hiệu quả, còn khu vực kinh tế Nhà nước thì yêu cầu thoái vốn ngoài ngành. Đó là vấn đề khoa học quản lý.

"Kinh tế Nhà nước là chủ đạo mà, chủ đạo muốn mạnh thì phải đa ngành đa lĩnh vực nhưng phải hiệu quả. Có phải vì nó đầu tư ra ngoài ngành kém hiệu quả mà chúng ta cấm luôn? Yêu cầu Chính phủ trả lời câu hỏi này?", bà Ngân nêu băn khoăn.

Đầu tư tư nhân tiếp tục đóng vai trò quan trọng nhưng khó có sự bứt phá để tăng trưởng, bởi tăng trưởng tín dụng cho khu vực tư nhân có chậm lại, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng chưa phát triển, môi trường đầu tư kinh doanh có cải thiện nhưng chưa đạt yêu cầu thực tiễn.

Vừa qua, Thủ tướng làm diễn đàn kinh tế tư nhân rất tốt, rất hay, người ta phấn khởi nhưng chưa yên tâm để làm đâu.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

"Tôi chưa nói tới có hay không có việc hình sự hóa các hoạt động kinh tế. Kinh tế thì phải ứng xử bằng kinh tế. Vi phạm pháp luật thì mới sờ tới hình sự. Trong làm ăn kinh tế có lỗ có lãi là chuyện bình thường nhưng đừng vi phạm pháp luật, đừng lừa đảo chiếm đoạt, kinh doanh sản xuất trái phép.

Nhà nước rất rõ ràng trong phát triển kinh tế tư nhân. Vừa qua, Thủ tướng làm diễn đàn kinh tế tư nhân rất tốt, rất hay, người ta phấn khởi nhưng chưa yên tâm để làm đâu", Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.

Số liệu đăng ký năm 2018 cho thấy số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể cũng còn cao. Đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và lớn (quy mô từ 50 -100 tỷ đồng hoặc trên 100 tỷ đồng) cũng giải thể cao.

Những tháng đầu năm 2019, tình hình đăng ký doanh nghiệp có dấu hiệu chậm lại. Đây là việc Chính phủ cần quan tâm theo dõi để có giải pháp phù hợp.

"Lạm phát được dự báo đạt mục tiêu quốc hội thông qua, tức là năm nay chúng ta cho là khoảng dưới 4%, tuy nhiên rủi ro lạm phát vẫn còn tiềm ẩn tác động của việc tăng giá xăng dầu, giá dịch vụ y tế, rủi ro thiên tai dịch bệnh.

Trường hợp giá dầu nhiên liệu thế giới tiếp tục tăng lập tức tác động tới lạm phát của nước ta không thể xem thường được. Giá dầu thế giới chúng ta đâu có điều hành được", bà Ngân lưu ý.

Video: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Đừng có kỳ thị với kinh tế tư nhân, phải công bằng

Minh Đức

Nguồn VTC: https://vtc.vn/chu-tich-quoc-hoi-tai-sao-lai-phan-biet-kinh-te-tu-nhan-va-kinh-te-nha-nuoc-d476319.html