Chủ tịch Quốc hội nói về việc lãng phí tài sản xã hội

Khi nói về lãng phí, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề việc nhiều dự án có vướng mắc, mỗi ngày bị dừng là tốn bạc tỉ; chuyện bắn pháo hoa quá nhiều; lễ hội tràn lan...

Ngày 22-4, tiếp tục phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: quochoi.vn

Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành năm 2019 có nhiều điểm sáng, tích cực và toàn diện. Tuy nhiên, ông Dũng thừa nhận vẫn còn những mặt hạn chế, cần nghiêm túc nhìn nhận, sớm khắc phục.

Cụ thể, việc thực thi một số chủ trương, chính sách, pháp luật có lúc, có lĩnh vực chậm đi vào cuộc sống. Một số vấn đề liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã được Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt nhưng chuyển biến còn chậm, hiệu quả chưa cao như đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, thủ tục kiểm tra chuyên ngành; công tác an toàn thực phẩm; triển khai thu phí sử dụng đường bộ tự động không dừng…

Cạnh đó, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm. Còn tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức sách nhiễu, gây phiền hà trong xử lý công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp...

“Nguyên nhân chủ yếu do tinh thần trách nhiệm, ý thức nêu gương của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế; kỷ luật, kỷ cương một số nơi bị buông lỏng dẫn đến hiệu lực, hiệu quả quản lý, thực thi chính sách chưa cao” - ông Dũng thừa nhận.

Phát biểu ý kiến sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá báo cáo khá đầy đủ, tuy nhiên có những nội dung báo cáo chưa nói đậm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: quochoi.vn

“Riêng xuất khẩu gạo vừa rồi, chúng ta lúng túng, làm khó khăn quá. Tôi đánh giá cao báo cáo của Ủy ban Kinh tế. Báo cáo thống kê lại quá trình diễn biến, chúng ta lúng túng, đưa ra vội vàng dẫn đến lãng phí của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến người trồng lúa như thế nào thì phải xem lại” - bà Ngân nói.

“Nhiều dự án đầu tư, người ta đang làm, vướng thủ tục hành chính tại các thành phố lớn. Người ta chết lên chết xuống, người ta nói nếu không giải quyết thì phá sản; mỗi ngày dừng, người ta tốn bạc tỉ nhưng không ai dám giải quyết hết. Thế thì cái đó có lãng phí không?” - Chủ tịch Quốc hội tiếp tục đặt vấn đề. Bà cho rằng báo cáo cần “gia công” thêm trách nhiệm của bộ máy công vụ để giải quyết những thủ tục hành chính cho người dân và cho doanh nghiệp. Có như vậy mới thực sự là tiết kiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

“Cả năm 2019, TP.HCM chỉ cấp giấy phép được có một dự án là do cái gì? Bao nhiêu dự án đã được cấp giấy phép đình trệ không làm được, không cho làm thì trách nhiệm do đâu, có lãng phí chỗ này không, lãng phí tiền bạc, thời gian, công sức” - Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Bà cũng đánh giá “bây giờ lễ hội quá nhiều”. Theo bà, tuy các lễ hội không sử dụng ngân sách nhưng huy động của xã hội, của doanh nghiệp, tiền đóng góp của các tổ chức, cá nhân. “Không dùng tiền ngân sách nhưng vẫn dùng nguồn lực của xã hội mà lẽ ra cái đó để làm cái khác. Vậy thì vẫn là lãng phí” - bà nói và dẫn chứng bắn pháo hoa nhiều quá, bắn trong thời gian dài quá thì tốn tiền của các nhà tài trợ.

“Lẽ ra xin tiền tài trợ đó để làm cầu, đường nông thôn, giúp dân xóa đói giảm nghèo hay huy động để người ta tham gia ứng phó biến đổi khí hậu thì chúng ta lại huy động sức đó để bắn pháo hoa, tổ chức lễ hội rất to, thành phong trào. Tỉnh nào cũng có cái này” - bà nói và đề nghị Chính phủ lập lại trật tự trong hoạt động lễ hội.

“Tất cả nguồn lực đó dành cho dân, cho cuộc sống của nhân dân thì được, giảm bớt những tiêu dùng xa xỉ như thế” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu: Cần phân tích, so sánh kỹ hơn vì “số liệu biết nói”. Ông Thanh nêu vấn đề về việc rà soát tiêu chuẩn định mức sử dụng ô tô, sắp xếp xe dôi dư, khoán xe công được thực hiện ra sao, kết quả cụ thể thế nào?

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng cử tri băn khoăn định mức xe hơn 1,1 tỉ đồng nhưng thấy nhiều xe biển xanh giá thị trường 8-10 tỉ đồng, dù là xe chuyên dùng nhưng so với định mức sao giá trị cao thế, có tiết kiệm, chống lãng phí hay không?

Liên quan đến các công trình trọng điểm, ông Thanh chỉ rõ trường hợp cao tốc Bắc-Nam, sân bay Long Thành hiện tiến độ chậm. Cụ thể, Long Thành đến nay mới giải phóng mặt bằng được 70%, còn lại 30% nhưng diện khó khăn, phức tạp, ảnh hưởng đến tiến độ chung, tác động đến kết quả tiết kiệm, chống lãng phí.

Giảm dùng xe công nhưng nhà công vẫn bị chiếm dụng

ĐỨC MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/chu-tich-quoc-hoi-noi-ve-viec-lang-phi-tai-san-xa-hoi-907549.html