Chủ tịch Quốc hội: 'Những quỹ nhỏ không có hoạt động gì thì giải tán'

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cần rà soát, đánh giá lại quỹ nào hoạt động tốt, đúng tôn chỉ mục đích, mang lại hiệu quả thì giữ. Những quỹ nhỏ không có hoạt động gì thì giải tán.

Chiều 13/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính ngoài ngân sách Nhà nước giai đoạn 2013-2018.

Báo cáo giám sát kiến nghị bãi bỏ nhiều loại quỹ nhưng khi thảo luận, nhiều ý kiến “lăn tăn” vì cho rằng mỗi loại quỹ lại có vị trí, tầm quan trọng riêng.

Bỏ quỹ bình ổn xăng dầu sẽ khó kiểm soát lạm phát?

Qua những kết quả đã nêu, Đoàn giám sát đề nghị nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền để bãi bỏ ngay đối với một số quỹ như: Quỹ bảo trì đường bộ trung ương, Quỹ phòng chống thiên tai, Quỹ hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp, Quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS...

Đồng thời, trình cấp có thẩm quyền để xác định rõ lộ trình bãi bỏ đối với một số quỹ như Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Quỹ dịch vụ viễn thông công ích.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng các quỹ đề nghị bỏ ngay là những quỹ có “tên tuổi” và nhiều đóng góp, còn những loại quỹ không ai nhắc đến thì không thấy đề cập.

“Ví dụ, Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương nếu bỏ ngay sẽ tác động rất lớn đến đời sống người dân”, ông Dũng nói và cho rằng cần phân tích kỹ khuyết điểm và tầm lan truyền của quỹ này. Theo ông Dũng, cần cân nhắc cái nào "vô thưởng vô phạt", không ai biết thì bãi bỏ ngay.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Q. Khánh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Q. Khánh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đánh giá đầu mối quản lý các quỹ ngoài ngân sách chưa tốt.

Theo ông, mục đích của các quỹ ngoài ngân sách sinh ra là để dùng vốn ngân sách làm “vốn mồi”, từ đó huy động nguồn lực xã hội. Nhưng thực tế cơ bản là để bố trí ngân sách Nhà nước, còn theo báo cáo của Đoàn giám sát, việc huy động thu hút các nguồn lực rất hạn chế.

Về việc chi quỹ, ông Thanh cho rằng còn khá nhiều bất cập, chi cho những hoạt động không phải của quỹ mà cho tuyên truyền, quảng cáo, cho tổ chức bộ máy…

"Thậm chí có quỹ chi không hết còn gửi ngân hàng thương mại, cần rà soát, chấn chỉnh việc này", ông Thanh nói.

Về đề nghị bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho hay vừa qua khi làm việc với Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam, họ nói nếu bỏ quỹ này thì việc thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát rất khó khăn. Khi giá xăng dầu thả nổi sẽ ảnh hưởng đến giá cả của nhiều mặt hàng khác.

"Cần lộ trình xử lý vấn đề này, nếu bỏ ngay quỹ này thì sẽ khó kiểm soát được lạm phát", ông Thanh nêu quan điểm.

"Chăm chăm thành lập quỹ để được quyền thu, quyền chi"

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết cơ sở pháp lý hình thành các quỹ là khác nhau, có quỹ được thành lập do luật, do Nghị định của Chính phủ hay quyết định của Thủ tướng, nhưng cũng có quỹ chỉ cần có thông tư của bộ, quy chế của liên hiệp hội, hiệp hội.

"Rõ ràng cái này phải chấn chỉnh. Phải có cơ sở pháp lý thống nhất, ai được thành lập quỹ, nhất là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách", bà Ngân nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: Q. Khánh.

Theo báo cáo giám sát, có tới hơn 100 văn bản quy phạm pháp luật cho phép thành lập và quy định về chức năng nhiệm vụ của các quỹ. Bà đánh giá hệ thống pháp luật này rất phức tạp, chưa thống nhất, thiếu minh bạch và không rõ ràng, không phù hợp với yêu cầu quản lý thực tiễn.

Đặc biệt, Luật Ngân sách Nhà nước 2015 tuy có quy định nhưng Chủ tịch Quốc hội cho rằng quy định rất chung chung, hiểu thế nào cũng được. Ví dụ quy định "Quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách là quỹ do cơ quan có thẩm quyền thành lập, đoạt động độc lập với ngân sách Nhà nước, nguồn thu, nhiệm vụ chi của quỹ được thực hiện theo quy định của pháp luật".

Bà cũng nhấn mạnh việc có quá nhiều quỹ làm phân tán nguồn lực Nhà nước.

"Tôi nhớ có hình tượng sông thì cạn nước nhưng nhiều hồ nhỏ xung quanh vẫn còn chứa nước. Ngân sách Nhà nước là một dòng sông đã cạn, còn các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách thì như các hồ nhỏ vẫn trữ nước", bà Ngân ví von.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phân tích, rà soát, đánh giá lại quỹ nào hoạt động tốt, đúng tôn chỉ mục đích, mang lại hiệu quả thì giữ. Những quỹ nhỏ không có hoạt động gì thì giải tán.

"Như Quỹ phòng chống thiên tai theo báo cáo chi rất ít. Cứ thiên tai xảy ra thì chúng ta lại đóng góp, cơ quan nào cũng đóng góp, từ ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương đến các doanh nghiệp, các tổ chức mặt trận, đoàn thể", Chủ tịch Quốc hội góp ý.

Bà đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một nghị quyết nhưng nghị quyết này mang tính đánh giá thực trạng và hiệu quả các quỹ đem lại; đưa ra đề xuất, định hướng cần rà soát, đánh giá kỹ từng quỹ.

Đặc biệt, cần xem xét ban hành pháp lệnh hay luật để ra một cơ sở pháp lý về thành lập các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách. Trước mắt trong các luật chuyên ngành không quy định thành lập quỹ, tránh tình trạng "cứ ra một luật là có thêm một quỹ".

Bà Ngân nhắc câu chuyện khi làm Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia có ý kiến đề cập đến việc thành lập một quỹ mới. Tới khi thấy Quốc hội không mặn mà về quỹ lắm thì có ý kiến "không có quỹ thì ra luật làm gì".

"Đây là sự thật, có người đã phát biểu như thế. Tức là chăm chăm để ra một cái quỹ để được quyền thu, được quyền chi. Vì thế, Quốc hội khi ra Luật không thành lập quỹ, không hình thành thêm tổ chức và tăng biên chế nếu không có chủ trương của cấp cao", Chủ tịch Quốc hội quán triệt.

Hoài Thu

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/chu-tich-quoc-hoi-nhung-quy-nho-khong-co-hoat-dong-gi-thi-giai-tan-post978097.html