Chủ tịch Quốc hội: Nhiều Bộ, ngành không bàn giao trụ sở cũ cho Hà Nội

Cho biết nhiều đơn vị cứ nói cho đất xây trụ sở mới thì sẽ trả trụ sở cũ, nhưng cuối cùng chưa ai trả và tình trạng này không ít, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh 'bây giờ giao cơ chế thì Hà Nội phải làm nghiêm'.

Hà Nội quyết định một số khoản thu phí

Tại phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay (1/6), trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, theo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 44, dự thảo Nghị quyết quy định nâng mức trần nợ vay từ 70% lên 90% trên nguyên tắc thành phố Hà Nội phải bảo đảm khả năng trả nợ;

Cho phép tạm ứng Quỹ Dự trữ tài chính của Thành phố để đầu tư hạ tầng và bảo đảm thu hồi trong thời hạn 36 tháng; được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi các dự án đầu tư phát triển và chi thực hiện các chế độ, chính sách an sinh xã hội; cho phép sử dụng kinh phí thường xuyên của một số đơn vị do tiết kiệm được để đầu tư công trình nhỏ mang tính chất xây dựng cơ bản, không phải theo quy trình của Luật Đầu tư công;

Cho phép sử dụng ngân sách cấp Thành phố hỗ trợ các địa phương khác (trong nước) để đầu tư xây dựng một số công trình phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo chương trình hợp tác giữa Thủ đô và các địa phương; giao cho Hội đồng nhân dân quyết định về cơ cấu ngân sách sử dụng cho giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ.

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội

Bên cạnh đó, theo đề xuất của UBND thành phố Hà Nội, dự thảo Nghị quyết bổ sung thêm 3 nội dung, gồm:

Thứ nhất là, HĐND thành phố Hà Nội quyết định một số khoản thu phí (ban hành danh mục, tăng mức); Tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí không quá 1,5 lần đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí (không kể các loại phí thuộc nguồn thu của ngân sách sách trung ương hưởng 100%) được quy định trong Danh mục phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí. Các khoản thu tăng thêm ngân sách thành phố được hưởng 100% và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách Thành phố.

Thứ hai là, HĐND thành phố Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất (sau khi đã trừ chi phí liên quan đến việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; kinh phí di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới) do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh).

Thứ ba là, ngân sách Hà Nội được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do UBND Thành phố làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.

Sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương (CCTL) còn dư của ngân sách cấp Thành phố; cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn CCTL còn dư để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách.

TP. Hà Nội được sử dụng ngân sách cấp Thành phố hỗ trợ các địa phương khác (trong nước), cho phép các quận sử dụng ngân sách của cấp quận để hỗ trợ các huyện khó khăn của thành phố Hà Nội phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới....

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, việc quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù cho Thành phố như trên sẽ tạo động lực cho Thành phố Hà Nội tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn; giúp Thành phố có điều kiện sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực đã có và huy động thêm nguồn lực để giải quyết các bức xúc về cơ sở hạ tầng, giải quyết các vấn đề về xã hội, môi trường, giao thông, ngập úng.

Cũng theo Bộ trưởng Dũng, Về cơ bản, những cơ chế, chính sách đặc thù này không có ảnh hưởng đến Kế hoạch tài chính 5 năm Quốc gia, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã được Quốc hội phê chuẩn; cũng như cơ bản không làm thay đổi các cân đối lớn về ngân sách nhà nước và nợ công, cũng như không ảnh hưởng đến phân bổ Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các Bộ và các địa phương; có tác động tích cực đến việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch tài chính - NSNN và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Thành phố và cả nước.

Giao cơ chế thì Hà Nội phải làm nghiêm

Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc cần thiết ban hành dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.

Ủng hộ đề xuất thí điểm thu phí, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị không cần quy định mức trần 1,5 lần. Thực tế TPHCM được tạo cơ chế có thể quyết gấp 6 lần, do đó nếu áp trần thì Hà Nội lại bị “trói” hơn TPHCM.

Các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất với quan điểm này, đồng thời nhấn mạnh mục đích cho Hà Nội cơ chế này không phải nhằm tăng thu ngân sách, mà để tăng cường quản lý nhà nước, đảm bảo an ninh trật tự, ổn định xã hội. Do đó đề nghị không nên khống chế mức trần 1,5 lần mà mà giao HĐND quyết định danh mục và mức thu, trừ lệ phí Tòa án.

Về việc Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh băn khoăn thực tế nhiều Bộ, ngành sau khi xây trụ sở mới thì không bàn giao trụ sở cũ cho TP Hà Nội. Do đó, Chính phủ cần biện pháp xử lý nếu không có giao cơ chế thì Hà Nội cũng chưa chắc thực hiện được chủ trương lớn của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Nhiều đơn vị cứ nói cho đất xây trụ sở mới thì sẽ trả trụ sở cũ, nhưng cuối cùng chưa ai trả

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nêu thực tế nhiều đơn vị cứ nói cho đất xây trụ sở mới thì sẽ trả trụ sở cũ nhưng cuối cùng chưa ai trả và tình trạng này không ít. Do đó, bây giờ giao cơ chế thì Hà Nội phải làm nghiêm.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dẫn Luật Thủ đô quy định cơ quan đơn vị được cấp đất xây dựng trụ sở mới phải trả lại trụ sở cũ cho thành phố sử dụng, phát triển triển. Tuy nhiên, thực tế chưa thực hiện nghiêm.

Nhất trí cho phép Thành phố Hà Nội sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi đầu tư cho các dự án đầu tư phát triển và chi thực hiện các chế độ, chính sách an sinh xã hội, song Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng lưu ý, cần dành số tăng thu trong lĩnh vực chi theo cơ chế và quy định trong ngưỡng an toàn của Trung ương để thực hiện giải quyết tiền lương trong giai đoạn mới.

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 nội dung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội; bổ sung nội dung này vào Kỳ họp thứ 9 và trình Quốc hội theo thủ tục rút gọn thông qua tại kỳ họp này. Đề nghị cơ quan soạn thảo hoàn thiện hồ sơ dự án dự thảo Nghị quyết, cơ quan thẩm tra tiến hành thẩm tra chính thức và trình xin ý kiến các đại biểu Quốc hội xem xét, thông qua tại đợt 2 của Kỳ họp thứ 9 này.

Ngọc Mai

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/thoi-su/chu-tich-quoc-hoi-nhieu-bo-nganh-khong-ban-giao-tru-so-cu-cho-ha-noi-345478.html