Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Phiên họp toàn thể Đại hội đồng lần thứ 138 IPU

Sáng 25-3 (giờ địa phương), tại Trung tâm hội nghị quốc tế Geneva, Thụy Sĩ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự và phát biểu tại Phiên họp toàn thể Đại hội đồng IPU-138. Bên lề phiên họp, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân đã có cuộc gặp Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka và Chủ tịch Quốc hội Bulgaria.

Phiên họp toàn thể của Đại hội đồng lần thứ 138 Liên minh Nghị viện thế giới (IPU-138) diễn ra với chủ đề quan trọng: “Giải pháp chính sách nhằm tăng cường cơ chế toàn cầu về người di cư và tị nạn”. Đây là phiên họp đầu tiên của Đại hội đồng IPU-138, với sự tham dự của hơn 700 nghị sĩ, đại biểu Quốc hội trên thế giới, trong đó có hơn 60 người đứng đầu Quốc hội/Nghị viện các nước.

Mở đầu phiên họp, bà G.Cuevas Barron, Chủ tịch IPU báo cáo hoạt động từ khi nhận nhiệm vụ đến kỳ họp lần này của Đại hội đồng, trong đó nhấn mạnh những hoạt động hợp tác với Liên hợp quốc (LHQ) cũng như với các Nghị viện thành viên khu vực.

Chủ tịch IPU nhấn mạnh kết quả thành công của Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF-26) tổ chức tại Thủ đô Hà Nội đầu năm 2018. Nhân dịp đó, Chủ tịch IPU đã gặp gỡ tiếp xúc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhằm trao đổi các biện pháp thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG).

Chủ tịch IPU khẳng định tầm quan trọng của châu Á - Thái Bình Dương, khu vực nắm giữ 60% GDP của thế giới, đồng thời cho rằng với sự phát triển của công nghệ, khu vực này nắm giữ tiềm năng sáng tạo và các phương tiện để giải quyết những thách thức lớn như biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, vấn đề di cư và tị nạn, sự bất bình đẳng và nạn khủng bố… Do đó, các quốc gia cần tăng cường hợp tác khu vực nhằm giải quyết các thách thức hiện nay và sắp tới.

Tại phiên họp này, Tổng Thư ký IPU Martin Chungong báo cáo kết quả hoạt động của IPU trong năm 2017, trong đó tập trung tăng cường sức mạnh và phát huy dân chủ của các nghị viện thành viên; thúc đẩy bình đẳng giới; nhân quyền; đóng góp vào các nỗ lực củng cố hòa bình, phòng ngừa xung đột và bảo đảm an ninh; thúc đẩy đối thoại và hợp tác liên nghị viện; tăng cường sự tham dự của giới trẻ vào đời sống chính trị và quá trình hoạch định chính sách; huy động các nghị viện tham gia vào quá trình phát triển toàn cầu; nhấn mạnh việc nâng cao nhận thức của các nghị viện đối với sự phát triển bền vững, phương thức hành động hiệu quả, việc lồng ghép các SDG vào công tác của các Nghị viện/Quốc hội thành viên…

Từ nay đến ngày 28-3, Phiên họp Ban Chấp hành Đại hội đồng IPU-138 tiếp tục thảo luận các vấn đề liên quan thành viên IPU, tài chính, chiến lược IPU 2017-2021, hợp tác với LHQ, công tác tổ chức Đại hội đồng IPU-139 tại Geneva tháng 10-2018…

Dịp này, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Geneva cũng diễn ra Diễn đàn Nữ nghị sĩ thảo luận về “Nguyên nhân và giải pháp đối với tình trạng phụ nữ có tỷ lệ đại diện thấp trong chính trị”; Diễn đàn Nghị sĩ trẻ đóng góp ý kiến và các chủ đề thảo luận tại IPU-138 từ góc nhìn giới; Diễn đàn Tổng Thư ký Nghị viện (ASGP)...

* Bên lề Hội nghị IPU-138, cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có cuộc gặp Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Jayasuriya.

Chủ tịch Quốc hội nước ta bày tỏ vui mừng nhận thấy quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp với nhiều kết quả đáng khích lệ. Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống với Sri Lanka và mong muốn đưa quan hệ hai nước phát triển sâu rộng hơn nữa dựa trên tiềm năng và lợi thế của mỗi bên.

Thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên sớm họp Tiểu ban Thương mại hỗn hợp lần thứ hai tại Việt Nam nhằm trao đổi các biện pháp đưa kim ngạch thương mại hai chiều sớm đạt mục tiêu một tỷ USD; tăng cường các biện pháp xúc tiến đầu tư và kết nối giao thương, đặc biệt là thúc đẩy kết nối hàng không. Đề nghị Quốc hội Sri Lanka quan tâm thúc đẩy, tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, ngành, địa phương, các cơ quan chuyên môn của Quốc hội hai nước để đẩy mạnh quan hệ song phương phát triển sâu rộng và toàn diện hơn.

Phát biểu ý kiến tại cuộc gặp, Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Việt Nam dành thời gian cho cuộc gặp bên lề Hội nghị IPU-138; đồng thời vui mừng thông báo, Tổng thống và Thủ tướng Sri Lanka đều rất quan tâm đến sự phát triển của Việt Nam và mong muốn tăng cường hợp tác hơn nữa với Việt Nam.

Bày tỏ đồng tình với những quan điểm, đề nghị của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về hợp tác thương mại, đầu tư, văn hóa, du lịch trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka nhấn mạnh: Sri Lanka luôn mong muốn được hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực mà Sri Lanka có thế mạnh như khai thác tiềm năng của biển; bày tỏ hy vọng hai nước nhanh chóng mở đường bay thẳng để tạo điều kiện thuận lợi tăng cường đầu tư kinh doanh, du lịch.

* Trưa cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có cuộc gặp Chủ tịch Quốc hội Bulgaria Tsveta Karayancheva.

Chủ tịch Quộc hội nước ta khẳng định, Việt Nam và Bulgaria có mối quan hệ hữu nghị và truyền thống tốt đẹp. Nhân dân Việt Nam luôn đánh giá cao và biết ơn sự giúp đỡ, ủng hộ hiệu quả mà nhân dân Bulgaria đã dành cho Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và xây dựng đất nước ngày nay.

Chủ tịch Quốc hội Bulgaria Tsveta Karayancheva khẳng định, Việt Nam luôn có vai trò quan trọng đối với Bulgaria nói riêng và trong phát triển kinh tế của Liên hiệp châu Âu (EU) nói chung. Chủ tịch Quốc hội Tsveta Karayancheva cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có những đánh giá và tình cảm tốt đẹp đối với Bulgaria và mối quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Quan hệ kinh tế - thương mại song phương đã có những bước phát triển tích cực thời gian qua. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, kết quả này chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của hai nước. Năm 2017, kim ngạch hai chiều chỉ đạt gần 110 triệu USD. Vì vậy, đề nghị hai bên sớm tiến hành Khóa họp lần thứ 24 của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Bulgaria về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học; tăng cường trao đổi, giao lưu doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm cơ hội hợp tác trong những lĩnh vực Bulgaria có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như: năng lượng, xây dựng hạ tầng, bảo vệ môi trường, chế biến thực phẩm… để đưa kim ngạch hai nước tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Quốc hội Việt Nam luôn ủng hộ hợp tác giữa Chính phủ hai nước và sẽ làm hết sức mình để mối quan hệ Việt Nam - Bulgaria phát triển lên tầm cao mới, góp phần thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại song phương giữa hai bên ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả. Hiện nay, Quốc hội Việt Nam đã thành lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Bulgaria, đề nghị Chủ tịch Quốc hội Bulgaria ủng hộ và thúc đẩy việc tăng cường giao lưu giữa hai Nhóm Nghị sĩ hữu nghị.

Tại cuộc gặp, Chủ tịch Quốc hội Bulgaria khẳng định, Bulgaria sẽ làm hết sức mình ủng hộ Việt Nam trên cương vị Chủ tịch luân phiên của EU, ủng hộ Việt Nam ứng cử vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Đánh giá cuộc gặp rất hiệu quả, Chủ tịch Quốc hội Bulgaria cũng cho rằng, hai nước cần làm nhiều việc hơn nữa để thúc đẩy và làm sâu sắc quan hệ Việt Nam - Bulgaria. Trên tinh thần này, Chủ tịch Quốc hội Tsveta Karayancheva trân trọng mời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm chính thức Bulgaria trong thời gian tới để Quốc hội hai nước có thể trao đổi cụ thể hơn các biện pháp tăng cường quan hệ song phương cũng như quan hệ giữa hai cơ quan lập pháp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cảm ơn và trân trọng mời Chủ tịch Quốc hội Bulgaria Tsveta Karayancheva sang thăm chính thức Việt Nam.

VĂN NGHIỆP CHÚCTừ TP Geneva, Thụy Sĩ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/35890602-chu-tich-quoc-hoi-nguyen-thi-kim-ngan-du-phien-hop-toan-the-dai-hoi-dong-lan-thu-138-ipu.html