Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bắt đầu thăm chính thức Vương quốc Hà Lan

Sau khi kết thúc thành công tham dự Đại hội đồng IPU-138 và các hoạt động ngoại giao nghị viện song phương tại Thụy Sĩ, đúng 9 giờ 30 phút sáng nay (26-3) theo giờ địa phương (khoảng 14 giờ 30 phút chiều cùng ngày, giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu thăm chính thức Vương quốc Hà Lan đã hạ cánh xuống sân bay Thủ đô Amsterdam.

Có mặt tại sân bay đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các thành viên trong đoàn, có Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Hà Lan Ngô Thị Hòa và đông đảo cán bộ, nhân viên Sứ quán. Phía Hà Lan có Tổng Thư ký Hạ viện, ông Frans Van Dljk và một số cán bộ lễ tân Hạ viện nước bạn.

Quan hệ hợp tác lên tầm cao mới

Đây là lần đầu tiên Chủ tịch Quốc hội nước ta thăm chính thức Hà Lan. Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, nhằm tiếp tục củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Hà Lan trong bối cảnh năm 2018, Việt Nam và Hà Lan kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.

Đồng thời, đây là dấu mốc mới trong việc tăng cường và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Quốc hội nước ta và Nghị viện Hà Lan, củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan cũng như thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, đầu tư, năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, nông nghiệp…

Quan hệ giữa hai nước thời gian qua phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt trong hai khuôn khổ hợp tác Đối tác chiến lược về Thích ứng với biến đổi khí hậu và Quản lý nướcĐối tác chiến lược về Nông nghiệp bền vững và An ninh lương thực.Hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác thực chất, hiệu quả, trong đó ưu tiên một số lĩnh vực trọng điểm như thương mại - đầu tư, các lĩnh vực hợp tác đối tác chiến lược, dịch vụ hậu cần, cảng biển, dầu khí, đóng tàu; cam kết thúc đẩy sớm phê chuẩn EVFTA.

Nhân chuyến thăm Hà Lan của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (tháng 7-2017), hai bên nhất trí hướng tới nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược trong thời gian tới.

Hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam - Hà Lan tiếp tục đà tăng trưởng. Hà Lan trở thành thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam tại EU.

Tính đến hết năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt hơn 7,77 tỷ USD. Đầu tư của Hà Lan vào Việt Nam đứng thứ 11/126 nước và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký là 8,17 tỷ USD, đứng thứ nhất trong số các nước EU đầu tư vào Việt Nam. Quy mô vốn bình quân của một dự án của Hà Lan khoảng 27,1 triệu USD, cao gấp đôi so mức bình quân của một dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Hà Lan những năm qua được duy trì; tuy nhiên trao đổi đoàn hai bên còn hạn chế. Việc Chủ tịch Quốc hội nước ta thăm Hà Lan lần này là dịp để hai bên trao đổi thông tin, kinh nghiệm hoạt động nghị viện của mỗi nước và các lĩnh vực quan tâm; thúc đẩy hợp tác trên các diễn đàn nghị viện đa phương mà Quốc hội hai nước là thành viên (IPU, ASEP…).

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển bền vững

Chuyến thăm lần này của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam nhằm thúc đẩy và làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị và hợp tác với Hà Lan nói chung và với Nghị viện Hà Lan nói riêng.

Quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan qua 45 năm đang phát triển tốt đẹp trên tất cả các mặt, sự tin cậy chính trị giữa hai bên ngày càng được củng cố. Quan hệ Đối tác chiến lược về Thích ứng với biến đổi khí hậu và Quản lý nước (ký năm 2010) và Đối tác chiến lược về Nông nghiệp bền vững và An ninh lương thực (ký năm 2014) giữa hai nước là mô hình hợp tác hiệu quả, khai thác tốt các thế mạnh truyền thống của Hà Lan, góp phần phát triển bền vững tại Việt Nam.

Ngoài kinh tế, thương mại, hai nước đã có hợp tác tốt đẹp trong nhiều lĩnh vực khác, như: nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng sạch, môi trường xanh, cơ sở hạ tầng cảng biển, hàng không, giáo dục, đào tạo…

Hà Lan có rất nhiều kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp và ứng phó biến đổi khí hậu có thể chia sẻ và hợp tác với Việt Nam. Nhiều chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng, vùng đồng bằng sông Cửu Long có những điểm tương đồng với vùng đồng bằng của Hà Lan.

Thời gian tới, Việt Nam mong muốn các bạn Hà Lan chia sẻ những kinh nghiệm với Việt Nam trong việc phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có vấn đề xây dựng chiến lược phát triển cũng như huy động tài chính. Hiện nay, Chính phủ Hà Lan đang hỗ trợ nước ta xây dựng Kế hoạch đồng bằng sông Cửu Long (MDP) để đưa ra tầm nhìn dài hạn và các khuyến nghị cho sự phát triển bền vững của khu vực này.

Theo số liệu thống kê gần đây, kinh tế Hà Lan giữ đà tăng trưởng kể từ năm 2014 (3,3% năm 2017 và dự kiến 2,5% năm 2018), cao hơn bình quân chung của khu vực đồng euro. Tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh ở mức 4,7% năm 2017 và ước còn 4,3% năm 2018. Các chỉ số xuất khẩu, tiêu dùng xã hội, đầu tư của doanh nghiệp liên tục tăng. Sau 15 năm, Hà Lan đã vươn lên trở lại nhóm 5 nước/vùng lãnh thổ có năng lực cạnh tranh nhất thế giới (sau Hồng Công (Trung Quốc), Thụy Sĩ, Singapore và Mỹ).

aaa

Về đối ngoại, Hà Lan tiếp tục chính sách đa phương hóa quan hệ; tích cực, chủ động đóng góp vào các hoạt động của EU, NATO và cộng đồng quốc tế, nhất là trong lĩnh vực di cư, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, chống khủng bố, cướp biển… Năm 2018 cũng đánh dấu sự kiện quan trọng đối với Hà Lan khi lần đầu tiên trong 20 năm qua, Hà Lan được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Theo số liệu thống kê gần đây, kinh tế Hà Lan giữ đà tăng trưởng kể từ năm 2014 (3,3% năm 2017 và dự kiến 2,5% năm 2018), cao hơn bình quân chung của khu vực đồng euro. Tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh ở mức 4,7% năm 2017 và ước còn 4,3% năm 2018. Các chỉ số xuất khẩu, tiêu dùng xã hội, đầu tư của doanh nghiệp liên tục tăng. Sau 15 năm, Hà Lan đã vươn lên trở lại nhóm 5 nước/vùng lãnh thổ có năng lực cạnh tranh nhất thế giới (sau Hồng Công (Trung Quốc), Thụy Sĩ, Singapore và Mỹ).

Về đối ngoại, Hà Lan tiếp tục chính sách đa phương hóa quan hệ; tích cực, chủ động đóng góp vào các hoạt động của EU, NATO và cộng đồng quốc tế, nhất là trong lĩnh vực di cư, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, chống khủng bố, cướp biển… Năm 2018 cũng đánh dấu sự kiện quan trọng đối với Hà Lan khi lần đầu tiên trong 20 năm qua, Hà Lan được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Tin và ảnh: VĂN NGHIỆP CHÚC(Từ Thủ đô Amsterdam, Hà Lan)

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/35898202-chu-tich-quoc-hoi-nguyen-thi-kim-ngan-bat-dau-tham-chinh-thuc-vuong-quoc-ha-lan.html