Chủ tịch Quốc hội: Ngành Y tế cần sự đồng hành để tháo gỡ những khó khăn hiện nay

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: 'Ngành y tế cần sự đồng hành, đóng góp chung của xã hội, của Quốc hội, của Chính phủ, các cấp, các ngành để tháo gỡ những khó khăn hiện nay'.

Dự án Luật được cử tri, nhân dân cả nước quan tâm

Chiều 12/8, Ủy ban Xã hội phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Tọa đàm tham vấn ý kiến chuyên gia về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Tham dự Tọa đàm có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh; Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan. Tham dự còn có các các chuyên gia, đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, đại diện các bệnh viện công lập và bệnh viện tư nhân...

Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 3 - Quốc hội Khóa XV, dự kiến xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4 nhằm tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết 20-NQ/TW của Trung ương ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Tọa đàm tham vấn ý kiến chuyên gia về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Tọa đàm tham vấn ý kiến chuyên gia về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Dự luật có phạm vi tác động rất rộng tới các lĩnh vực kinh tế, xã hội, sức khỏe, tính mạng của người dân. Đây cũng là dự án Luật khó, nhất là trong điều kiện hiện nay, sau khi những tác động của dịch bệnh COVID-19, các vấn đề của ngành y tế, y tế cơ sở, y tế dự phòng, tài chính y tế... đang bộc lộ nhiều khó khăn, thách thức và đặt ra những yêu cầu mới về khuôn khổ pháp lý.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Nội dung dự án Luật nhận được sự quan tâm sâu sắc không chỉ trong ngành y tế mà còn của cử tri và nhân dân cả nước. Khi Quốc hội sửa đổi xong Luật này thì có tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc hiện nay của ngành y tế hay không? Có giúp cho ngành y tế thực hiện được chức năng, nhiệm vụ của mình theo tinh thần Nghị quyết số 20 của Trung ương về chăm sóc sức khỏe của nhân dân hay không? Đó là câu hỏi hết sức quan trọng phải trả lời".

Sau Kỳ họp thứ 3 - Quốc hội Khóa XV, Ủy ban Xã hội – cơ quan chủ trì thẩm tra, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế - cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan của Quốc hội tổ chức nhiều hoạt động tham vấn ý kiến của các bên liên quan để hoàn thiện một bước dự thảo Luật.

Cần tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện thêm

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, đến nay, chất lượng dự thảo Luật đã được nâng lên so với phiên bản trình Quốc hội lần đầu. Tuy nhiên, dự án Luật cũng còn các nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện thêm.

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, qua tổng hợp dư luận xã hội, ý kiến của nhân dân, cử tri, ngành y tế cho thấy tài chính y tế hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng cần đưa tài chính y tế vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Theo Chủ tịch Quốc hội, dù thời gian từ nay cho đến Kỳ họp thứ 4 không còn nhiều, nhưng đây là cơ hội rất quan trọng để sửa đổi, khắc phục những vướng mắc về cơ chế tài chính trong lĩnh vực y tế. Do đó, theo Chủ tịch Quốc hội, nên chăng chúng ta chắt lọc để đưa các quy định hiện hành vào dự thảo Luật, trên cơ sở đó sẽ nhân rộng cho các lĩnh vực sự nghiệp công lập khác.

Toàn cảnh Tọa đàm tham vấn ý kiến chuyên gia về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Chỉ ra một số nội dung căn cơ khác nhưng còn chưa rõ trong dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tinh thần là phải làm tích cực, khẩn trương, tập trung toàn lực, nhưng cũng không được nóng vội. Ủy ban Xã hội, các cơ quan liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ, rà soát, đánh giá kỹ lưỡng để đáp ứng được những vấn đề thực tiễn đang đặt ra đối với lĩnh vực y tế hiện nay.

"Ngành y tế cần sự đồng hành, đóng góp chung của xã hội, của Quốc hội, của Chính phủ, các cấp, các ngành để tháo gỡ những khó khăn hiện nay", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Trên cơ sở gợi ý của Chủ tịch Quốc hội, các chuyên gia tham dự tọa đàm đã tập trung làm rõ những vướng mắc trong thực hiện quy định hiện hành về tài chính y tế và cơ chế tự chủ tài chính của các cơ sở khám, chữa bệnh kể cả cơ sở khám, chữa bệnh của nhà nước và tư nhân; đóng góp ý kiến về cơ chế tự chủ tài chính của bệnh viện công lập, giao quyền tự chủ cho đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và trong y tế nói riêng; hành lang pháp lý cho việc thực hiện tự chủ tài chính trong lĩnh vực y tế; nguồn lực dành cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; xã hội hóa dịch vụ y tế, hợp tác công tư trong hoạt động khám, chữa bệnh; đánh giá năng lực và cấp chứng chỉ hành nghề y...

Nhấn mạnh cơ chế tài chính y tế là vấn đề hết sức quan trọng đối với ngành y tế hiện nay, một số chuyên gia nhất trí cần có một chương riêng quy định về cơ chế tài chính khám, chữa bệnh trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Một số chuyên gia đánh giá việc dự thảo Luật hiện đã có quy định về xã hội hóa công tác khám, chữa bệnh, bổ sung chủ thể ngoài nhà nước được cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, phi vụ lợi là điểm mới, một dấu son. Tuy nhiên, các ý kiến này cũng lưu ý, xã hội hóa trong lĩnh vực y tế là chính sách có tác động rộng lớn, bao quát, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, trách nhiệm của cơ sở y tế, thậm chí dễ nảy sinh xung đột giữa hệ thống y tế tư nhân và y tế công lập.

Một số chuyên gia cũng nhất trí quan điểm trên và cho rằng, chính sách tài chính trong lĩnh vực y tế cần bảo đảm nguyên tắc "công ra công, tư ra tư". Cùng với đó, dự thảo Luật cần phân định rõ 3 chủ thể khám chữa bệnh gồm: y tế công/y tế nhà nước, y tế tư nhân và y tế ngoài nhà nước nhân đạo phi vụ lợi... và có quy định nhằm bảo đảm sự cạnh tranh công bằng trong cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh của 3 chủ thể này.

L.Bảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//chu-tich-quoc-hoi-nganh-y-te-can-su-dong-hanh-de-thao-go-nhung-kho-khan-hien-nay-169220812190106846.htm