Chủ tịch Quốc hội làm việc với Thường trực Ủy ban Kinh tế

Sáng 28/4, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc làm việc với Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: TTXVN

Qua nghe báo cáo và các ý kiến phát biểu, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị của Thường trực Ủy ban Kinh tế tại cuộc làm việc, trong đó có 9 nội dung kiến nghị, đề xuất nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Ủy ban cũng như của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, điểm nổi trội trong hoạt động của Ủy ban nhiệm kỳ này là công tác lập pháp với việc chủ trì thẩm tra, trình Quốc hội xem xét, thông qua 13 luật (8 luật sửa đổi, bổ sung và 5 luật ban hành mới). Trong đó, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng và Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng là một “dấu son” trong hoạt động lập pháp của nhiệm kỳ này, đi vào cuộc sống rất nhanh.

Hệ thống luật pháp về đầu tư, kinh doanh ngày càng đổi mới, hoàn thiện hơn như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công-tư, Luật Chứng khoán… Các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế có chất lượng ngày càng cao hơn, sắc sảo và thuyết phục hơn.

Định hướng sắp tới, Chủ tịch Quốc hội hoàn toàn nhất trí với 9 nhóm kiến nghị của Ủy ban; đồng thời đề nghị quán triệt tới các thành viên Ủy ban về vị trí, vai trò rất quan trọng của Ủy ban. Văn kiện Đại hội Đảng XIII đã xác định: Phát triển kinh tế, xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên… Với vị trí quan trọng như vậy, theo Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban cần cố gắng nhiều hơn, tuyệt đối không được tự mãn, chủ quan.

Ảnh: TTXVN

Về trọng tâm trong công tác xây dựng pháp luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xây dựng định hướng phục vụ Chiến lược xây dựng pháp luật trong 5-10 năm tới để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trên tinh thần chủ động hơn trong công tác xây dựng pháp luật và trong sáng kiến lập pháp.

Nhấn mạnh đến dự án trọng điểm và rất khó của Quốc hội khóa XV là dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Ủy ban Kinh tế vào cuộc sớm, trước mắt là phục vụ tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai, đồng thời phác thảo những định hướng lớn cần sửa đổi.

Cùng với đó, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm cuộc sống thay đổi hết sức nhanh chóng. Các mô hình kinh tế mới, phương thức kinh doanh mới ra đời, làm đảo lộn các hoạt động kinh tế truyền thống. Chúng ta có thể thực hiện cơ chế sandbox (thử nghiệm có kiểm soát) để giải phóng năng lực sản xuất. Luật Đầu tư (sửa đổi) đã cho phép thực hiện cơ chế này. Bây giờ, cần xác định vấn đề nào do Chính phủ, vấn đề nào do Quốc hội để triển khai thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải tính toán thêm tính ổn định của pháp luật, khắc phục tình trạng luật khung, luật ống nhưng cũng cần khắc phục chuyện quá câu nệ và máy móc, nhiều vấn đề chưa rõ, chưa đủ rõ đã quy định cứng ở trong luật mà không giao cho Chính phủ hướng dẫn, làm cho “đời sống” của luật rất ngắn.

Về quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia, Ủy ban Kinh tế tham mưu cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội những nội dung lớn như Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm; Kế hoạch đầu tư công; Kế hoạch tài chính 5 năm; tỷ lệ điều tiết… trên tinh thần sớm, nhanh chóng, kịp thời. Với những dự án quan trọng quốc gia, Ủy ban Kinh tế nên có tham vấn chuyên gia rất kỹ lưỡng.

Theo TTXVN

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/hoat-dong-cua-lanh-dao-dang-nha-nuoc/chu-tich-quoc-hoi-lam-viec-voi-thuong-truc-uy-ban-kinh-te/429454.vgp