Chủ tịch Quốc hội kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Maroc, Pháp và tham dự IPU-140

Với gần 50 hoạt động tại các 4 quốc gia, chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội đã thu được những kết quả đáng ghi nhận.

 Hội kiến với Chủ tịch Hội đồng Nghị viện Qatar Ahmad Bin Abdullah Al Mahmoud- hoạt động cuối cùng trong chuỗi hoạt động tham dự IPU-140 tại Doha, Qatar của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Hội kiến với Chủ tịch Hội đồng Nghị viện Qatar Ahmad Bin Abdullah Al Mahmoud- hoạt động cuối cùng trong chuỗi hoạt động tham dự IPU-140 tại Doha, Qatar của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Sáng nay, 9/4, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội đã về đến Thủ đô Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Vương quốc Maroc, Cộng hòa Pháp; thăm và làm việc với Nghị viện châu Âu; tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 140 (IPU - 140) tại Doha, Qatar.

Trong khuôn khổ các chuyến thăm và làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có các cuộc hội kiến, hội đàm cấp cao với các nhà lãnh đạo Nghị viện, Lãnh đạo Chính phủ của Maroc, Pháp, Nghị viện châu Âu, Hội đồng Châu Âu, Qatar để đánh giá lại những kết quả đã đạt được trong mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước nói chung, giữa Quốc hội Việt Nam với Nghị viện các nước nói riêng, từ đó thảo luận các giải pháp nhằm thúc đẩy thực chất quan hệ hợp tác trong thời gian tới.

Đề cập việc sớm phê chuẩn Hiệp định EVFTA

Với Maroc, Chủ tịch Quốc hội và các nhà lãnh đạo Bạn thống nhất đánh giá quan hệ chính trị, ngoại giao giữa hai nước phát triển tốt đẹp. Hai nước có nhiều điểm tương đồng, luôn ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế. Maroc luôn ủng hộ Việt Nam trong vai trò thúc đẩy hòa bình an ninh trong khu vực và thế giới. Hai bên chia sẻ quyết tâm trong việc thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước; tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, công nghiệp, du lịch và giáo dục và giao lưu nhân dân tương xứng với quan hệ chính trị, ngoại giao. Việt Nam coi Maroc là cửa ngõ vào Bắc Phi và châu Phi. Đặc biệt là, trong hợp tác Nghị viện, hai bên nhất trí duy trì cơ chế thăm nhau cứ hai năm một lần của Lãnh đạo Quốc hội hai nước, mỗi lần sẽ tổ chức hội thảo về một chủ đề cụ thể để có những nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm thực sự hữu ích giữa hai cơ quan lập pháp.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội, một số bộ, ngành và địa phương của hai nước cũng đã ký kết các văn kiện hợp tác, thiết lập quan hệ kết nghĩa. Đây là biểu hiện cụ thể, sinh động cho thấy mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Maroc đang ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả.

Với Pháp, Chủ tịch Quốc hội và các nhà lãnh đạo của Bạn thống nhất đánh giá mối quan hệ hai nước đang phát triển rất tích cực trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, ngoại giao, hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, giao lưu nhân dân… đến hợp tác giữa các địa phương, trong đó, mối quan hệ giữa Quốc hội/Nghị viện hai nước đang hết sức tốt đẹp; nhất trí thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác song phương và hợp tác nghị viện trong thời gian tới.

Đặc biệt, các nhà lãnh đạo Pháp đều khẳng định ủng hộ việc sớm phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA), ủng hộ quan điểm của Việt Nam trong việc giải quyết các các vấn đề trong khu vực và thế giới trên nguyên tắc hòa bình, đối thoại và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội cũng đã cùng với một số nghị sỹ của Pháp gặp gỡ, làm việc với 15 doanh nghiệp hàng đầu để trao đổi, đối thoại về những chính sách, định hướng phát triển kinh tế, thương mại hai nước và giới thiệu các tiềm năng của Việt Nam mà doanh nghiệp hai Bên có thể tìm kiếm, mở rộng cơ hội hợp tác, đầu tư. Chủ tịch Quốc hội cũng đã gặp gỡ gần 700 kiều bào đang sinh sống ở Pháp nhân kỷ niệm 100 năm Bác Hồ thành lập Hội người Việt Nam tại Pháp; dự và phát biểu tại Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp lần thứ 11…

Với EP, EC và Bỉ, Chủ tịch Quốc hội đã có các cuộc trao đổi thẳng thắn, cởi mở, thực chất về các nội dung liên quan đến EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư. Tuy còn một số khác biệt giữa hai bên, song các nhà lãnh đạo EP, EC và Nghị viện Bỉ đều khẳng định sẽ làm hết sức mình để hai Hiệp định này sớm được ký kết, phê chuẩn ngay sau khi EP bắt đầu nhiệm kỳ mới, xem đây là hai hồ sơ ưu tiên trong quá trình chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ của EP bởi những lợi ích to lớn và cơ hội rộng mở mà hai Hiệp định này mang lại cho cả Việt Nam và EU cũng như các nước thành viên của EU. Hai bên cũng khẳng định việc sẵn sàng đối thoại cởi mở, thẳng thắn về một số vấn đề hiện nay còn có sự khác biệt để đi đến nhận thức chung và từ đó thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa Việt Nam và EU.

Đưa ra các giải pháp tăng cường hợp tác giữa các nghị viện về giáo dục

Tham dự Đại hội đồng IPU – 140, Chủ tịch Quốc hội đã có bài phát biểu quan trọng tại Phiên thảo luận chung với chủ đề “Nghị viện là nền tảng để tăng cường giáo dục vì hòa bình, an ninh và pháp quyền”, khẳng định trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do các yếu tố địa chính trị, kinh tế, vấn đề khủng bố, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, sự chia rẽ trong cộng đồng dân cư… thì giáo dục vừa là một phương thức đồng thời cũng là một điều kiện tiên quyết để đạt được hòa bình, an ninh, pháp quyền và phát triển bền vững. Chủ tịch Quốc hội cũng đã nêu các khuyến nghị về việc tăng cường sự hợp tác giữa các nghị viện để đạt được mục tiêu này.

Bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội đã nhận được sự chia sẻ, đánh giá cao của các đại biểu tham dự. Bên lề Đại hội đồng IPU – 140.

Chủ tịch Quốc hội cũng đã có các cuộc hội kiến, tiếp xúc song phương với Chủ tịch IPU, Tổng Thư ký IPU, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga, Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka, Chủ tịch Quốc hội Liên bang Micronesia, Chủ tịch Quốc hội Iran, Chủ tịch Hạ viện Kazakhstans, Chủ tịch Quốc hội Gruzia; tiếp Phó Chủ tịch Nhân đại Trung Quốc... để trao đổi quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội các nước cũng như quan hệ giữa Việt Nam và các nước. Các Chủ tịch Quốc hội Bạn đều khẳng định mong muốn tăng cường hợp tác hơn nữa với Quốc hội Việt Nam để từ đó thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với các nước ngày càng thực chất và hiệu quả hơn.

Với gần 50 hoạt động tại các 4 quốc gia, chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta đã tiếp tục khẳng định vai trò của ngoại giao nghị viện, đóng góp quan trọng vào việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và các nước, Việt Nam và các cơ chế hợp tác đa phương.

Ngọc Mai

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/thoi-su/chu-tich-quoc-hoi-ket-thuc-tot-dep-chuyen-tham-maroc-phap-va-tham-du-ipu-140-293822.html