Chủ tịch Quốc hội: Hoan nghênh Bộ Công an đổi mới mạnh mẽ trong quản lý cư trú

'Tôi hoan nghênh Bộ Công an đã có tư tưởng, quan điểm mới mạnh mẽ trong cải cách hành chính. Thế giới đã có số định danh cá nhân từ lâu rồi. Quyền tự do cư trú, tự do đi lại đã được Hiến pháp quy định nên việc cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho nhân dân là rất cần thiết. Tôi ủng hộ xây dựng dữ liệu Quốc gia về dân cư, sử dụng thẻ định danh cá nhân để quản lý con người.' – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Sáng 10/8, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về các nội dung còn ý kiến khác nhau của của Dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc thay đổi phương thức quản lý cư trú mới và đề xuất của Ủy ban Pháp luật.

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Chính phủ, Bộ Công an khẳng định đủ thời gian thưc hiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ngay khi Luật có hiệu lực thì cần ủng hộ, tin tưởng. Nếu trong quá trình thực hiện, có vướng mắc thì Quốc hội có thể ra nghị quyết gia hạn thêm thời gian thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấm mạnh, việc đưa ra mốc thời gian cụ thể để Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cố gắng phấn đấu thực hiện mục tiêu đề ra, bởi thực tế, hiện cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia cũng đang được triển khai.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

Chủ tịch Quốc hội cũng thống nhất với đề xuất của Chính phủ về thời điểm có hiệu lực là từ ngày 1/7/2021. Trong quá trình thẩm tra, thảo luận còn một số ý kiến khác nhau, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ủy ban Pháp luật và Ban soạn thảo tiếp tục trình Quốc hội những vấn đề còn ý kiến khác nhau trong kỳ họp tới.

“Tôi hoan nghênh Bộ Công an đã có tư tưởng, quan điểm mới mạnh mẽ trong cải cách hành chính. Thế giới đã có số định danh cá nhân từ lâu rồi. Quyền tự do cư trú, tự do đi lại đã được Hiến pháp quy định nên việc cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho nhân dân là rất cần thiết. Tôi ủng hộ xây dựng dữ liệu Quốc gia về dân cư, sử dụng thẻ định danh cá nhân để quản lý con người.” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ mình từng bị mất hộ khẩu, mặc dù được tạo điều kiện để làm lại nhưng cũng rất vất vả, mất thời gian, khai tới khai lui mới làm được. Chính vì vậy, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc bỏ sổ hộ khẩu giấy là rất cần thiết. Về các ý kiến cho rằng cần tiếp tục sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thêm một thời gian sau khi Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực, tức là phải có thời gian chuyển tiếp từ quản lý bằng hộ khẩu giấy sang mã số định danh cá nhân, Chủ tịch Quốc hội cho rằng: “Những thủ tục liên quan đến sổ hộ khẩu đều do chúng ta đặt ra. Vậy thì chúng ta bỏ đi, cải cách, đổi mới đi. Tại sao cứ bám những cái mình không quản được? Giảm bớt thủ tục cho dân nhờ. Cái gì tiến bộ, hiện đại tốt cho dân thì phải làm chứ”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên họp

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng hoan nghênh hai cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra ngay sau Kỳ họp 9 đã khẩn trương phối hợp hoàn thiện báo cáo giải trình ý kiến của đại biểu thảo luận, đặc biệt Ủy ban Pháp luật đã nghiên cứu, rà soát đồng bộ với các quy định của các luật có liên quan.

Cho ý kiến về điều kiện tạm trú, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng cần cố gắng tạo điều kiện thông thoáng nhất, thuận lợi nhất cho người dân về chỗ ở nhưng công tác quản lý của cơ quan nhà nước vẫn hiệu quả. Đây là yêu cầu cao, nhằm đảm bảo điều kiện sinh sống của người dân, đảm bảo quyền học tập, thực hiện các chính sách cứu trợ, thảm họa, các chính sách an sinh xã hội.

Để phù hợp với yêu cầu mới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu tiếp tục tăng cường quản lý theo hướng giảm thủ tục hành chính, giảm các điều kiện giấy tờ không cần thiết; không thể lấy điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú để ngăn chặn tình trạng người dân ở nông thôn di chuyển vào các thành phố lớn sinh sống và làm việc.

Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy phát biểu tại phiên họp

Đồng quan điểm với Chủ tịch Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu của Quốc hội Trần Văn Túy cho biết: “Tôi rất bất ngờ với những quy định của dự thảo Luật Cư trú do Bộ Công an soạn thảo. Tôi cứ nghĩ khi sửa Luật thì Bộ Công an sẽ quy định khắt khe hơn để dễ quản lý hơn, nhưng các quy định lại rất thông thoáng, cởi mở, tạo điều kiện hết mức cho người dân, tôn trọng quyền công dân, bám sát Hiến pháp của nước ta”.

Trưởng ban công tác đại biểu cũng cho biết, nhiều người lo ngại việc bỏ quy định về thường trú ở các thành phố lớn sẽ dẫn đến việc di dân từ nông thôn vào thành phố, gây quá tải cho cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội. “Tôi cho rằng, việc di dân từ nông thôn về thành phố là quy luật của cả thế giới. Vấn đề là làm sao để điều kiện sống của nông thôn tốt hơn chứ không thể ngăn chặn bằng biện pháp hành chính. Tôi ủng hộ Bộ Công an tạo điều kiện cho người dân và quyết tâm thực hiện bằng được Cơ sở dữ liệu về cư trú từ 1/7/2021” – ông Trần Văn Túy nhấn mạnh.

Về giải thích từ ngữ liên quan đến cư trú, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng trong Luật Xử lý vi phạm hành chính có quy định nơi cư trú và nơi cư trú không ổn định nhưng trong Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) lại không có khái niệm này. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo làm rõ các khái niệm nơi cư trú có phải là chỗ ở hợp pháp và khái niệm nơi cư trú ổn định và nơi cư trú không ổn định được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, cư trú có nhiều khái niệm như cư trú hợp pháp và bất hợp pháp. Nơi thường trú và nơi tạm trú để quản lý dân cư. Để đăng ký thường trú hoặc tạm trú thì cần có chỗ ở hợp pháp. Vậy đâu là chỗ ở hợp pháp, điều này đang còn nhiều vướng mắc và ý kiến khác nhau.

Bộ trưởng Tô Lâm nêu ví dụ, thời gian qua người dân ở khu vực Tây Bắc di chuyển vào Tây Nguyên để xây dựng nhà ở nhưng không đăng ký hộ khẩu được do nguồn gốc đất không hợp pháp… Đây là thực tế đang tồn tại, khiến công tác quản lý dân cư gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, sắp tới, ban soạn thảo sẽ rà soát lại những tồn tại, vướng mắc này để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình ý kiến đại biểu nêu

Về các ý kiến về quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, bằng thường trú, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, trên cơ sở tổng kết thực tiễn, nếu quản lý bằng cách thức này thực tế là không quản lý được, việc thực hiện Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư còn giúp các địa phương có chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. “Tôi lấy ví dự như Bình Dương, dân số chính thức có hộ khẩu khoảng 1 triệu dân. Nhưng người nơi khác đến đang sinh sống trên địa bàn là hơn 1 triệu người, đông hơn dân sở tại. Nếu lấy con số 1 triệu dân theo hộ khẩu để để định hướng phát triển kinh tế, văn xã hội hoàn hoàn khác với định hướng phát triển cho tỉnh hơn 2 triệu dân.” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho biết, thẻ CCCD hiện nay mới có mấy chục trường dữ liệu quản lý, đang bỏ trống một số trường để tích hợp sau như dữ liệu về bảo hiểm, y tế, GPLX.... “Quản lý bằng gắn chíp điện tử hay quản lý bằng QR theo sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, chúng tôi cũng sẽ để trống để khi cần thiết có thể áp dụng. Dữ liệu cá nhân cố định, đã có sẵn, cần tích hợp dữ liệu gì vào thì chỉ cần bổ sung” – Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.

Phát biểu kết luận nội dung cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của Luật Cư trú (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định: Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoan nghênh, đánh giá cao cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã nghiêm túc thiếp thu, chỉnh lý dự án luật. Về 4 vấn đề nêu trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Thường vụ thống nhất về nội dung giải thích từ ngữ, quy định tại Điều 2 của dự thảo Luật.

Cụ thể: Về điều kiện đăng ký thường trú, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với dự thảo Luật. Trong đó, dự thảo Luật có giao Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định diện tích chỗ ở hợp pháp tối thiểu được đăng ký thường trú. Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này, vì hiện nay Hội đồng nhân dân ở các địa phương khác nhau lại có quy định khác nhau, có thể là rào cản mới trong đăng ký thường trú. Tuy nhiên, theo giải trình của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đây là quy định diện tích tối thiểu nhà ở đối với nhà cho thuê, nhà được mượn thì bắt buộc cần có diện tích tối thiểu.

Về xóa đăng ký thường trú và xóa đăng ký tạm trú, các đại biểu nhất trí với quy định trong dự thảo luật tuy nhiên cần quy định cụ thể hơn điều kiện xóa thường trú, tạm trú, nhằm đảm bảo yêu cầu đăng ký nhưng cũng đề cao trách nhiệm của công dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết luận.

Về thời điểm có hiệu lực pháp luật và quy định chuyển tiếp là vấn đề có ý kiến khác nhau giữa Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng nếu quy định hiệu lực luật này là mục tiêu cuối cùng là giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho người dân, đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước nên nếu kéo dài thời gian chuyển tiếp thì không phù hợp.

“Vấn đề đặt ra là Chính phủ, Bộ Công an, chính quyền địa phương các cấp cần có các biện pháp chỉ đạo, tổ chức quyết liệt để xây dựng số định danh cá nhân, cơ sở dữ liệu dân cư; đồng thời đẩy nhanh việc đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực thực hiện nhiệm vụ này” - Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu yêu cầu.

Phương Thủy

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/chu-tich-quoc-hoi-hoan-nghenh-bo-cong-an-doi-moi-manh-me-trong-quan-ly-cu-tru-606671/