Chủ tịch Quốc hội dự Lễ hội Bà Triệu năm 2018

Ngày 7/4, Lễ kỷ niệm 1.770 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh và Lễ hội Bà Triệu năm 2018 đã diễn ra tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Đền Bà Triệu (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tới tham dự và đánh trống khai hội Lễ hội Bà Triệu năm 2018.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã đánh trống khai hội

Lễ kỷ niệm 1770 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh và Lễ hội Bà Triệu năm 2018 diễn ra với các nghi thức truyền thống với các hoạt động tế lễ (lễ trình cáo, tế lễ, lễ yên vị) và dâng hương tại đền thờ, khu lăng mộ Bà Triệu, đình làng Phú Điền, rước kiệu Bà, trình tấu Chúc văn trên đền Bà… theo nghi thức cổ truyền.

Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu cùng nhân dân đã được thưởng thức chương trình nghệ thuật sân khấu hóa tái hiện hình tượng Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh trong cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược Đông Ngô, cùng những đóng góp của phụ nữ xứ Thanh nói riêng, phụ nữ Việt Nam nói chung trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và thực hiện nghi thức rước kiệu.

Theo sử sách, Bà Triệu sinh ngày 2 tháng 10 năm Bính Ngọ (năm 226), tại vùng đất Quan Yên, quận Cửu Chân (nay thuộc xã Định Tiến, huyện Yên Định). Thời kỳ đó, nhân dân xứ Giao Châu chịu sự bóc lột hà khắc, đàn áp dã man của giặc Đông Ngô, nhân dân ta phải sống cảnh lầm than, khổ cực, sục sôi ý chí nổi dậy chống lại sự thống trị tàn bạo của chính quyền phong kiến phương Bắc. Bà Triệu cùng anh là Triệu Quốc Đạt đã giương cao ngọn cờ tụ nghĩa, kêu gọi hào kiệt bốn phương, nhân dân khắp nơi đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm.

Sau khi anh trai mất, Bà Triệu đã cùng nghĩa quân từ quê nhà Quan Yên vượt sông Chu sang núi Nưa (thuộc xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn) luyện quân, tập trận và sau đó tiến xuống Bồ Điền (nay là xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc) cùng với nhân dân địa phương xây dựng căn cứ lâu dài cho công cuộc kháng chiến.

Từ căn cứ Bồ Điền, nghĩa quân đã tiến đánh các thành ấp của giặc Ngô khiến cho bọn quan quân địch, từ Thái thú đến Huyện lệnh, kẻ bị giết, kẻ phải tháo chạy trong cơn hoảng loạn… Hoảng sợ trước thanh thế và sức mạnh của khởi nghĩa Bà Triệu, nhà Ngô đã phái Lục Dận, một tên tướng khét tiếng tàn ác cùng 8 ngàn quân với nhiều chiến thuyền hùng hổ kéo sang đàn áp cuộc khởi nghĩa.

Bà Triệu và nghĩa quân đã giao tranh với địch bằng tinh thần quả cảm, bất khuất, ý chí và nghị lực phi thường. Song, do tương quan lực lượng quá chênh lệch cùng với sự tàn bạo và thủ đoạn thâm độc của kẻ thù, nghĩa quân của Bà Triệu gặp phải muôn vàn khó khăn, trong một trận giao tranh ác liệt vào ngày 22 tháng 2 năm Mậu Thìn 248, Bà Triệu đã tuẫn tiết, anh dũng hy sinh trên đỉnh núi Tùng trong sự tiếc thương và kính phục của nhân dân.

Bạch Dương (T/h)

Nguồn MT&CS: http://moitruong.net.vn/chu-tich-quoc-hoi-du-le-hoi-ba-trieu-nam-2018/