Chủ tịch quốc hội: đề nghị phân tích thêm về chất lượng tăng trưởng

Tại phiên thảo luận tại tổ số 03 gồm đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Bắc Giang, Kon Tum, Tp.Cần Thơ và Trà Vinh về tình hình kinh tế xã hội, sáng 24/10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao tình hình phát triển kinh tế xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, đồng thời đề nghị cần có thêm các đánh giá thực chất chất lượng của tăng trưởng.

Phiên thảo luận tại tổ số 03 về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước

Về kinh tế - xã hội năm 2018, Chủ tịch Quốc hội cho biết, nhìn chung mục tiêu tổng quát mà Quốc hội đề ra trong Nghị quyết cơ bản đạt được. Tình hình có nhiều chuyển biến tích cực kinh tế vĩ mô ổn định và kiểm soát được lạm phát tốt. Đây là năm thứ 3 kiếm chế được lạm phát dưới 4% còn những cân đối lớn của nền kinh tế là bảo đảm. Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, các tổ chức tài chính quốc tế đều có đánh giá tốt về triển vọng và điều hành kinh tế của nước ta.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, lần này các báo cáo đều có đánh giá về vai trò, sự đổi mới và hoạt động hiệu quả của Quốc hội trên cả 3 chức năng ban hành chính sách pháp luật, giám sát tối cao, giám sát chuyên đề và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Từ đó phát hiện được tồn tại cần khắc phục những ưu điểm cần phát huy, đưa ra được các kiến nghị.

Lưu ý năm 2018 còn có gần 1 quý nữa để thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra nhưng những rủi ro về tác động của kinh tế thế giới, chiến tranh thương mại giữa các nước lớn, giá dầu thế giới tăng cao tác động tới đầu tư và xuất nhập khẩu của nước ta vì vậy không thể chủ quan về kiểm soát lạm phát điều hành tỉ giá.

Cùng với đó cũng phải lưu ý đến những rào cản về thủ tục hành chính, công tác chỉ đạo điều hành cũng làm chậm tiến độ thực hiện nhiệm vụ thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh. Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng như việc dừng thực hiện BT nhưng với những nhà đầu tư có hợp đồng với nhà nước đang triển khai thì giải quyết như thế nào cho thấy việc ra quyết sách nhưng không giải quyết những hậu quả gây phản ứng không tốt hay như việc xúc tiến đầu tư nhưng có những dự án mất 3 năm 5năm hay 10 năm chưa triển khai được cho thấy trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước cũng cần phải rà soát lại.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần phải phân tích rõ một số chỉ tiêu trong báo cáo, trong đó thu ngân sách ở cả 3 khu vực không đạt dự toán, giải ngân đầu tư công chậm, năng suất lao động thấp hơn năm 2017 trong khi tăng trưởng GDP cao hơn…để có định hướng những tháng cuối năm sẽ làm gì. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, kết quả tăng trưởng nhìn chung là tốt, đáng mừng nhưng không được chủ quan mà cần phân tích thêm về chất lượng tăng trưởng.

Về đánh giá 3 năm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2016-2020, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, điều đáng mừng là quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng, tăng trưởng năm sau khá hơn năm trước chuyển dịch cơ cấu kinh tế tích cực, năng lực cạnh tranh tăng, lạm phát, bội chi, nợ công đều được kiểm soát trong ngưỡng cho phép.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Bên cạnh đó, các báo cáo cũng cần làm rõ một số vấn đề như chất lượng kinh tế tăng trưởng nhưng so với yêu cầu thì mức độ cao, thấp, bền vững như nào cần có đánh giá và so với khu vực chúng ta đang ở mức nào; thu ngân sách đạt và vượt nhưng đạt và vượt ở chỗ nào; hệ số ICOR còn cao trong khi năng suất lao động thấp nhưng không rõ thấp ở mức nào…những điểm này cần phải tự đánh giá, tự so sánh.

Vấn đề đầu tư công chậm, như hai dự án trọng điểm quốc gia là Càng hàng không quốc tế Long Thành và đường cao tốc Bắc –Nam. Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, đầu tư công chậm nhưng không hẳn nguyên nhân là do luật mà theo báo cáo tóm tắt về đánh giá giữa kì kế hoạch đầu tư công trung hạn chỉ ra 6 hạn chế nhưng đều do khâu tổ chức thực thi luật. Đầu tư công chậm thì sẽ ảnh hướng đến chất lượng tăng trưởng. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, vốn đầu tư thời gian qua mà giải ngân tốt, giao vốn nhanh thì chắc chắn tăng trưởng sẽ cao hơn nữa.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho hay, về chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới cơ bản đạt kết quả tích cực tuy nhiên qua báo cáo của Hội đồng Dân tộc cho thấy nếu đánh giá từng vùng thì số liệu sẽ khác, sự phát triển không đồng đều giữa các vùng nên Hội đồng Dân tộc đề nghị xem lại có sự phân tích qua đó có chính sách ưu tiên nguồn lực cho vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam, những vùng khó khăn.

Về chương trình giảm nghèo, bình quân cả nước giảm gần 1,6%/năm số hộ nghèo là vượt mục tiêu của Nghị quyết Quốc hội đề ra. Tình trạng tái nghèo còn diễn ra nhưng không nhiều và phổ biến như trước đây cho thấy tính bền vững của giảm nghèo được nâng lên. Tuy nhiên, giảm nghèo cũng chưa đồng đều vì thế phải ưu tiên phân bổ nguồn lực cho những nơi khó khăn

Về chính sách dân tộc miền núi, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, lần đầu tiên theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện báo cáo riêng để hệ thống đánh giá lại tất cả các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Qua đó mới thấy được chính sách rất nhiều nhưng nguồn lực phân tán và chưa đáp ứng được yêu cầu với 118 chính sách nằm rải rác ở tất cả các bộ, các lĩnh vực, có chính sách trùng lặp, chồng chéo. Nhiều chương trình nhưng chương trình nào cũng có đào tạo, truyền thông, giám sát đánh giá… Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, tại sao tất cả những nội dung đó không làm lại và chương trình phải phù hợp với từng khu vực, từng vùng và từng dân tộc.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là sự đổi mới của Quốc hội, lần đầu tiên có một báo cáo riêng, đầy đủ, sâu về vấn đề này. Nội dung các báo cáo rất hay, đặc biệt báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc rất chất lượng chỉ ra được nhiều tồn tại hạn chế thực chất. Trên cơ sở đó, Quốc hội phải có tiếng nói và phải có quyết định trong phân bổ nguồn lực ngay từ 2019 và yêu cầu Chính phủ phải rà soát và sắp xếp lại, hệ thống hóa và có những chương trình tập trung, bỏ những trùng lắp và không phân tán nguồn lực để cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giải quyết được những khó khăn trước mắt và lâu dài.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=37839