Chủ tịch Quốc hội: Công tác nhân sự phải kỹ lưỡng, đạt đồng thuận cao

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, công tác nhân sự khóa mới phải kỹ lưỡng, đúng quy trình và đạt được sự đồng thuận cao của đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu

Sáng nay (15/3), phiên họp 54 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc để xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng. Đây là phiên họp cuối cùng để chuẩn bị cho Kỳ họp 11, Quốc hội khóa XIV.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Quốc hội sẽ dành thời gian khá quan trọng của phiên họp 54 để thực hiện công tác nhân sự để tới đây sẽ kiện toàn một số chức danh Nhà nước.

"Công tác nhân sự phải kỹ lưỡng, thận trọng, chặt chẽ, đúng quy trình, đảm bảo thủ tục và đạt được sự đồng thuận cao của đại biểu Quốc hội", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Công tác nhân sự được xem xét, tiến hành chặt chẽ, thận trọng, đúng quy trình, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nhận được sự đồng thuận cao. Việc xem xét, quyết định thành lập, nhập, điều chỉnh địa giới và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã góp phần triển khai có hiệu quả chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về tinh gọn tổ chức bộ máy, phát huy tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Ngay sau phát biểu khai mạc, UBTVQH đã nghe Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Quốc hội. Báo cáo sẽ được UBTVQH góp ý, hoàn thiện tại phiên họp này để Chủ tịch Quốc hội trình bày tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

Báo cáo nêu nhận định khái quát, nhìn lại chặng đường 5 năm qua, Quốc hội khóa XIV luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, cố gắng cao nhất để hoàn thành trọng trách mà cử tri và nhân dân giao phó. Tuy còn có điểm chưa hoàn toàn đáp ứng được như mong muốn của cử tri, nhưng hoạt động của Quốc hội luôn xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc, từ yêu cầu phát triển của đất nước.

Kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực từ lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước đến các hoạt động trong ngoại giao nghị viện đã góp phần đưa đất nước vững bước vượt qua khó khăn, tạo ra những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, đóng góp lớn vào những thành tựu vô cùng ý nghĩa của công cuộc gần 35 năm đổi mới, làm giàu thêm truyền thống 75 năm vẻ vang của Quốc hội.

Quốc hội khóa XIV đã tập trung ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và tiếp tục cụ thể hóa, đưa Hiến pháp năm 2013 vào đời sống. Quốc hội đã thông qua 72 luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật, tác động lớn, toàn diện, sâu sắc đến đời sống kinh tế - xã hội, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.

Việc giám sát của Quốc hội khóa XIV tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả rõ nét, lựa chọn trúng và đúng vấn đề mà cử tri quan tâm. Quốc hội đã giám sát tối cao 7 chuyên đề liên quan mật thiết đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân. Chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục có nhiều đổi mới. Quốc hội đã 2 lần tiến hành xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ, thể hiện thái độ, trách nhiệm của Quốc hội trong việc đi đến cùng vấn đề được giám sát.

Quốc hội khóa XIV đã quyết định chủ trương đầu tư những dự án, công trình quan trọng quốc gia, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, các dự án thành phần của dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành; quyết định dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận...

Liên quan công tác nhân sự, tại Hội nghị Trung ương 2, khóa XIII vừa qua, Trung ương đã bỏ phiếu giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội là những chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước với số phiếu tập trung cao.

Bộ Chính trị đã báo cáo xin ý kiến Trung ương trước khi chính thức giới thiệu nhân sự đối với các chức danh khác để Quốc hội xem xét, bầu hoặc phê chuẩn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Phùng Đô

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/chu-tich-quoc-hoi-cong-tac-nhan-su-phai-ky-luong-dat-dong-thuan-cao-d499108.html