Chủ tịch QH: 'Cần đưa vốn vào đúng những khu vực có dư địa tăng trưởng'

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, phải tìm cách gỡ điểm nghẽn, vốn của nền kinh tế phải được đưa vào đúng chỗ, làm sao khắc phục câu chuyện doanh nghiệp ngại vay trong khi ngân hàng cũng ngại cho vay.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên bế mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2022. Ảnh: Quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên bế mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2022. Ảnh: Quochoi.vn

Phát biểu bế mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022 với chủ đề "Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững'' diễn ra chiều 18/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sau một ngày làm việc sôi nổi, trách nhiệm và khẩn trương, Diễn đàn đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.

Điểm lại nội dung chính trao đổi tại Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội cho biết, diễn đàn lần này ghi nhận nhiều ý kiến, nhưng sự đánh giá tình hình thế giới và Việt Nam có sự đồng thuận cao. Theo đó hậu quả nặng nề cả về kinh tế - xã hội của đại dịch COVID-19 cơ bản kiểm soát và mở cửa trở lại trên đà phục hồi, nhưng cũng phát sinh những tình huống mới.

Đó là bối cảnh tăng trưởng giảm một nửa trong khi lạm phát tăng gấp đôi của các nền kinh tế lớn, nhiều trong số đó là đối tác lớn của Việt Nam, hay xung đột địa chính trị làm trầm trọng thêm những khó khăn phải đương đầu về đứt gãy chuỗi cung ứng, giá năng lượng và lương thực tăng cao.

Cùng với đó là biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan diễn biễn phức tạp. Công cuộc chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng trên thế giới diễn ra khẩn trương đặt ra nhiều cơ hội cũng như các thách thức cho Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nếu tính lạm phát lõi thì hiện tại Việt Nam chỉ khoảng 1,56%, cả năm nay dự báo khoảng 2-2,5%, vẫn là mức trong tầm kiểm soát mặc dù nền kinh tế có độ mở lớn. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm nay có thể lên đến 750 tỷ USD, tức gấp hơn hai lần GDP.

Ông cũng dẫn báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, tăng trưởng GDP năm nay có thể đạt trên 7%, còn lạm phát được kiềm chế dưới 4%.

Lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cùng các đại biểu tham dự diễn đàn. Ảnh: Quochoi.vn

Gói phục hồi kinh tế: Tỷ lệ thực hiện không chỉ là 16%

Đề cập rõ hơn về các chính sách, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trị giá 347 nghìn tỷ đồng ra đời có ý nghĩa tạo ra động lực của niềm tin, người dân và doanh nghiệp rất tin tưởng, đồng tình cao.

Quá trình xây dựng gói khá kỹ và khá toàn diện cả về tài khóa, tiền tệ, kỳ vọng tác động đến cả tổng cung và tổng cầu. Cộng thêm các gói của năm 2020-2021 thì tổng cộng hỗ trợ đã tính toán rơi vào khoảng 8,3% GDP năm 2020 của Việt Nam, tức là cao hơn mức bình quân 4,3% của các quốc gia có trình độ phát triển tương đương Việt Nam.

Về tiến độ triển khai, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá: "Gói hỗ trợ tiền thuê nhà, tháng trước báo cáo vẫn còn chậm, đến thời điểm hiện tại đã giải ngân trên 50%. Đặc biệt, trong 347 nghìn tỷ đồng trong Chương trình phục hồi, Việt Nam phải loại trừ 40.000 tỷ chi từ dự trữ ngoại hối để mua vaccine, nếu trừ đi thì tỷ lệ thực hiện không phải chỉ là 16%".

Song cũng theo Chủ tịch Quốc hội, việc triển khai nhiều gói trong chương trình vẫn còn độ trễ. Do đó, ghi nhận ý kiến đóng góp của các chuyên gia. Ông Vương Đình Huệ đề nghị:

Với chính sách tài khóa, cần cân đối dự toán thu chi ngân sách Nhà nước để không gian tài khóa chủ động hơn, tránh dự báo thu ngân sách quá thận trọng dẫn đến tự mình thu hẹp không gian tài khóa. Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan bộ ngành liên quan nghiên cứu thêm.

Với chính sách tiền tệ, ông khẳng định phải kiên trì giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô, không thể nóng vội. “Câu chuyện không chỉ là vấn đề tổng mức tín dụng, mà còn là cơ cấu tín dụng, không chỉ năm nay mà còn các năm sau nữa”, Chủ tịch Quốc hội nói thêm.

Riêng với gói hỗ trợ lãi suất 2%, Chủ tịch Quốc hội đồng tình không hạ chuẩn tín dụng, nhưng yêu cầu tìm cách gỡ điểm nghẽn, đưa vốn ra những cái khu vực kinh tế thực, những khu vực có cái dư địa tăng trưởng.

"Ngành xây dựng đóng góp 12% GDP, mà trên 10% đã là ngành kinh tế mũi nhọn rồi… Vốn phải đưa vào đúng chỗ, làm sao khắc phục câu chuyện doanh nghiệp ngại vay, mà ngân hàng này cũng ngại cho vay", ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Các thị trường huyết mạch: Khắc phục khuyết tật, nhưng cũng phải tạo điều kiện phát triển

Về các thị trường như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chính phủ, bất động sản… Chủ tịch Quốc hội nêu rõ các loại thị trường đều là mạch máu của nền kinh tế. Do đó cần bảo đảm lưu thông lành mạnh bền vững, tiếp tục hoàn thiện thể chế khơi thông nguồn lực, khắc phục khiếm khuyết và tạo điều kiện phát triển các loại thị trường, thông suốt thị trường trong nước và kết nối với quốc tế.

Muốn vậy, phải tiếp tục hoàn thiện thể chế để khơi thông các nguồn lực, khơi thông các cái loại thị trường. Chúng ta khắc phục những cái khuyết tật, những cái khiếm khuyết của các thị trường nhưng song song phải tạo điều kiện cho nó phát triển. Việt Nam phải tiếp tục tạo điều kiện cho các loại thị trường thông suốt và kết nối với thị trường quốc tế. "Qua đó mới tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong, ngoài nước, kể cả doanh nghiệp FDI làm ăn", Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Tập trung hoàn thiện quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng

Cuối cùng, liên quan đến vấn đề quy hoạch, Chủ tịch Quốc hội lưu ý đặc biệt đến quy hoạch tổng thể quốc gia, trước khi triển khai các quy hoạch tiếp theo về vùng và tỉnh.

Chủ tịch Quốc hội thông tin, 6 vùng kinh tế thì kỳ vừa rồi Bộ Chính trị đã họp thông qua hai nghị quyết vùng và chuẩn bị sẽ ban hành trong thời gian tới đây là vùng Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ. Còn hai vùng nữa là đang tích cực, khẩn trương triển khai là vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Nam Trung Bộ.

Chủ tịch Quốc hội nêu quyết tâm từ nay đến cuối năm còn 4 Hội nghị vùng nữa, phải quyết tâm đẩy nhanh bằng được tiến độ ban hành và triển khai dự án. Đề cập thêm về vấn đề này, ông cũng cho rằng, quy hoạch tổng thể quốc gia là công việc rất mới, chưa từng có trong tiền lệ, cần có tầm nhìn xa nhất là khi bối cảnh quốc tế có những thay đổi phức tạp.

Do đó cần lưu ý những yếu tố quan trọng liên quan đến phát triển tổng thể của nền kinh tế. Nhiều vùng, nhiều địa phương có những điểm bất lợi đang dần chuyển thành lợi thế dưới tác động của hội nhập quốc tế, của biến động tình hình thế giới. Nhất là trong bối cảnh biến động thế giới và khu vực sẽ làm xuất hiện những lợi thế mới của đất nước.

Kiều Chinh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/chu-tich-qh-can-dua-von-vao-dung-nhung-khu-vuc-co-du-dia-tang-truong-post11506.html