Chủ tịch PGBank: 'Sáp nhập với HDBank, những gì cần làm chúng tôi đã làm, còn lại phụ thuộc vào Ngân hàng Nhà nước'

'Có lẽ NHNN cần có những đánh giá, hướng xử lý cụ thể, và phải ưu tiên cho một số TCTD nên quá trình đánh giá này chậm lại', Chủ tịch PGBank nói về thời gian sáp nhập cụ thể giữa PGBank và HDBank.

Sáng nay (25/4). Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex - PG Bank tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2019.

Kế hoạch lợi nhuận 211 tỷ đồng, tăng trưởng 33%

Tại đại hội, Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng Quản trị PG Bank trình cổ đông kế hoạch tổng tài sản đến 31/12/2019 đạt 32,7 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 9%.

Tổng huy động đạt 29.197 tỷ, tăng 13%, trong đó huy động thị trường 1 đạt 28.547 tỷ đồng, tăng trưởng 11%. Dư nợ tín dụng dự kiến đạt 23.892 tỷ đồng, tăng trưởng 8,3% so với năm 2018.

Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 211 tỷ đồng, tăng trưởng 33% so với năm trước.

Về công tác xử lý và thu hồi nợ, lãnh đạo ngân hàng cho biết sẽ bổ sung đủ nguồn lực để thực hiện tốt công tác xử lý, thu hồi nợ. Dự kiến thu hồi tổng cộng 715 tỷ đồng; trong đó, nợ xấu là 228 tỷ, nợ bán cho VAMC là 424 tỷ, thu nợ đã sử dụng dự phòng rủi ro là 63 tỷ.

Sau sáp nhập, chia cổ tức 30% bằng cổ phiếu

Về phương án phân phối lợi nhuận, lãnh đạo PGBank cho biết, theo đề án sáp nhập, tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu PGBank và HDBank là 1: 0,621 đồng thời cam kết sẽ không chia bất kỳ các quỹ, lợi nhuận chưa phân phối với bất kỳ hình thức nào trừ các trường hợp thỏa thuận tại Hợp đồng sáp nhập.

Vì vậy, để đảm bảo các điều khoản đã ký kết cũng như không phải xác định lại tỷ lệ hoán đổi, PGBank dự kiến sẽ chia cổ tức 30% bằng cổ phiếu cho các cổ đông sau khi sáp nhập.

Thông tin tại đại hội, Chủ tịch PGBank cho biết, việc sáp nhập với HDBank kéo dài hơn dự kiến đã ảnh hưởng đến công tác phát triển kinh doanh chung cũng như tăng trưởng dư nợ của ngân hàng trong năm qua.

Theo đó, tính đến cuối năm 2018, dư nợ toàn ngân hàng đạt 22.052 tỷ đồng, tăng 3% so với cuối năm 2017; trong đó cho vay khách hàng doanh nghiệp bị giảm 3%.

Tổng nợ xấu của ngân hàng đến cuối năm 2018 là 675 tỷ đồng, giảm nhẹ 16 tỷ đồng so với năm trước. Tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối năm là 3,06%.

Về công tác quản lý nhân sự, lãnh đạo ngân hàng cho biết, do ảnh hưởng của thông tin sáp nhập, trong năm đã có 385 người, tương ứng với 23,88% nhân viên thôi việc.

Dù vậy, trong năm ngân hàng cũng đã tuyển thêm 284 người mới, nâng tổng số nhân sự đến cuối năm 2018 là 1.504 người.

Ngoài ra, ngân hàng cũng đang thực hiện các chương trình đào tạo để chuẩn bị cho quá trình chuyển giao sáp nhập với HDBank.

Về công tác sáp nhập với HDBank, lãnh đạo PGBank cho biết, ngân hàng đang tích cực triển khai phương án sáp nhập theo đúng Phương án đã trình và được ĐHĐCĐ bất thường thông qua ngày 21/4/2018.

Bên cạnh việc tập trung nguồn lực để phấn đấu hoàn tất việc bàn giao sáp nhập, PGBank sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động kinh doanh như bình thường.

Chưa bầu Ban lãnh đạo nhiệm kỳ mới

Theo kế hoạch thông tin trước đó, dự kiến tại đại hội lần này, PGBank dự kiến sẽ bầu thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban kiểm soát (BKS) nhiệm kỳ 2019 - 2020.

Theo đó, số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019 - 2020 dự kiến là 9 thành viên HĐQT (trong đó có 1 thành viên HĐQT độc lập), tăng 1 người so với hiện tại. Số lượng thành viên BKS vẫn là 3 người.

Tuy vậy, Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết, do vẫn chưa hoàn thành các thủ tục cần thiết nên tạm thời chưa thể tiến hành bầu lại tại cuộc họp này.

Chưa rõ thời gian sáp nhập

Trả lời câu hỏi của cổ đông liên quan đến thời gian sáp nhập cụ thể giữa PGBank và HDBank, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch ngân hàng cho biết, NHNN đã chấp thuận nguyên tắc đề án sáp nhập giữa hai ngân hàng.

“Về nguyên tắc, sau khi có chấp thuận về nguyên tắc thì sau 45 ngày sẽ có chấp thuận chính thức. Tuy nhiên, có lẽ NHNN cần có những đánh giá, hướng xử lý cụ thể, và phải ưu tiên cho một số TCTD nên quá trình đánh giá này chậm lại”, ông Bảo cho biết.

Chủ tịch PGBank cũng cho biết, hiện chưa rõ thời hạn cụ thể sáp nhập giữa hai ngân hàng.

“Việc ngày nào có thể thực hiện sáp nhập hoàn toàn phụ thuộc vào NHNN. Tất cả những thủ tục cần thiết chúng tôi đã hoàn thành. Còn lại quyết định cuối cùng là của NHNN”, Chủ tịch PGBank nói.

Cũng theo lãnh đạo ngân hàng, PGBank vốn là một trong những ngân hàng có nhiều tiềm năng phát triển. Sở dĩ có những lình xình về hướng đi trong vài năm gần đây xuất phát từ những thay đổi trong chính sách của Nhà nước.

“Đối với các hoạt động ngân hàng và các TCTD nói chung thì cần có sự định hướng trong vòng ít nhất 5,10 năm. PGBank từng có những điều kiện hết sức thuận lợi để đứng vị trí hàng đầu trong 1 số lĩnh vực lựa chọn.

Tuy nhiên, với cơ chế thoái vốn của DNNN, cổ đông lớn Petrolimex buộc phải cơ cấu lại hoạt động của ngân hàng theo chiều hướng thoái tỷ lệ chiếm giữ.

Theo đó, trong suốt 4 năm nay, Petrolimex chủ yếu tìm cách thoái vốn, tìm kiếm những đối tác, phương thức thoái vốn mà vẫn giữ nguyên được những giá trị cốt cõi của ngân hàng và cùng nhau khuếch trương những tiềm năng đó”, Chủ tịch PGBank nói.

Theo đó, điều này cũng đã ảnh hưởng lớn đến định hướng của ngân hàng trong thời gian qua.

TRẦN THÚY

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/ngan-hang/chu-tich-pgbank-sap-nhap-voi-hdbank-nhung-gi-can-lam-chung-toi-da-lam-con-lai-phu-thuoc-vao-ngan-hang-nha-nuoc-3503922.html