Chủ tịch nước yêu cầu kiểm tra vụ án Đặng Văn Hiến

Chủ tịch nước Trần Đại Quang yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp với Bộ Công an chỉ đạo, kiểm tra việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án Đặng Văn Hiến và báo cáo Chủ tịch nước

Bị cáo Đặng Văn Hiến tại phiên xét xử phúc thẩm. Ảnh SGGP

Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh vừa kết thúc xét xử phúc thẩm vụ án Đặng Văn Hiến và đồng phạm liên quan đến hành vi nổ súng làm 3 người chết, 13 người bị thương tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông vào ngày 23/10/2016; tuyên y án sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông trước đó, phạt bị cáo Đặng Văn Hiến mức án tử hình về tội giết người.

Sau phiên tòa, còn có nhiều ý kiến khác nhau và nhiều đơn thư gửi đến Chủ tịch nước về bản án mà Hội đồng xét xử đã tuyên.

Theo TTXVN, ngày 17/7/2018, Văn phòng Chủ tịch nước đã có công văn số 847/VPCTN-PL thông báo ý kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp với Bộ Công an chỉ đạo, kiểm tra việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án và báo cáo Chủ tịch nước.

Theo cáo trạng, năm 2008, UBND tỉnh Đắk Nông đã cho Công ty Long Sơn thuê 1.079 ha đất rừng để thực hiện dự án sản xuất nông lâm nghiệp. Quá trình thực hiện dự án, một số hộ dân xâm canh trồng điều, cà phê và cao su và bán cho các hộ dân khác. Tháng 6/2013, ông Sửu và vợ nhận chuyển nhượng công ty này.

Đến ngày 23/10/2016, ông Sửu cùng hơn 30 nhân viên Công ty Long Sơn vào sản ủi, phá hủy cây điều, cà phê của gia đình Hiến, ông Hoàng Văn Thắng và ông Triệu Phụ Cao.

Thấy nhân viên của Công ty Long Sơn bao vây nhà, Hiến đã dùng súng bắn chỉ thiên nhưng bị tấn công lại nên Hiến vào nhà rồi bắn về phía người của công ty. Trong quá trình chống trả bằng súng Hiến được Trường tiếp đạn để tiếp tục bắn. Khi được Bình cầm súng đến hỗ trợ, cả hai đã đi khu vực san ủi rồi bắn nhiều phát về phía người của Công ty Long Sơn. Hậu quả, Hiến và Bình đã bắn chết tại chỗ 3 người và gây thương tích cho 13 người phía Công ty Long Sơn.

Sau khi gây án, Hiến đã xuống tỉnh Bình Phước và gặp Diện và nhờ người này mang sim điện thoại đến khu vực khác gọi điện nhằm đánh lạc hướng điều tra. Sau đó, Hiến đến cơ quan công an đầu thú.

Trước đó, trong phiên tòa sơ thẩm, ngày 3/1, TAND tỉnh Đắk Nông đã tuyên phạt Đặng Văn Hiến mức án tử hình về tội Giết người; bị cáo Ninh Viết Bình (36 tuổi, trú xã Quảng Trực) 20 năm tù; bị cáo Hà Văn Trường (33 tuổi, trú xã Quảng Trực) 12 năm tù cùng về tội danh trên. Bị cáo Đoàn Văn Diện (38 tuổi, ngụ huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) bị tuyên phạt 9 tháng tù về tội che giấu tội phạm.

Ngoài ra, tòa cũng tuyên phạt, Nghiêm Xuân Thiên Sửu (55 tuổi, Phó Giám đốc công ty Long Sơn) 6 năm tù về tội Hủy hoại tài sản và Phạm Công Thiện (40 tuổi, Trưởng quản lý công ty Long Sơn) 4 năm tù về tội Cố ý làm hư hỏng tài sản.

Cho rằng bản án sơ thẩm quá nặng, nên các bị cáo Hiến, Bình và Trường đã làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Trong phiên xét xử phúc thẩm ngày 12/7, các luật sư bào chữa cho các bị cáo Hiến, Bình, Trường đều cho rằng, các bị cáo gây án trong tình trạng kích động mạnh, xuất phát từ việc đàn áp từ Công ty Long Sơn nên đã gây ra vụ việc. Do đó, Hội đồng xét xử cần xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Gần 1 ngày xét xử, sau khi xem xét hành vi, mức độ phạm tội, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân cấp cao tại TPHCM đã thống nhất giảm hình phạt đối với các bị cáo liên quan đến vụ án. Cụ thể, bị cáo Ninh Viết Bình được giảm từ 20 năm tù xuống còn 18 năm tù; bị cáo Hà Văn Trường được giảm từ 12 năm tù xuống còn 9 năm tù; bị cáo Đoàn Văn Diện được giảm từ 9 tháng tù giam xuống còn 9 tháng tù treo. Riêng bị cáo Đặng Văn Hiến tòa quyết định giữ nguyên mức án tử hình./.

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/phap-luat/chu-tich-nuoc-yeu-cau-kiem-tra-vu-an-dang-van-hien/341608.vgp