Giá dầu hạ nhiệt nhưng không lơ là các giải pháp kiểm soát lạm phát

Giá dầu quốc tế đã hạ nhiệt, nhưng giá dầu trong nước sẽ được điều chỉnh như thế nào sẽ phụ thuộc vào nguyên tắc điều chỉnh giá hiện hành và tình hình nhập khẩu các doanh nghiệp. Ngoài ra, việc giảm giá dầu thế giới cũng còn chưa thể hiện rõ xu hướng với những diễn biến còn khó lường thời gian tới, nên những giải pháp đảm bảo nguồn cung và kiểm soát lạm phát sẽ vẫn cần sát sao và cẩn trọng.

Dầu hạ nhiệt, “áp lực” giải tỏa ít nhiều

Trong những ngày gần đây, giá dầu thế giới đã phần nào hạ nhiệt sau chu kỳ tăng nóng diễn ra từ đầu năm đến đầu tháng 3. Sáng ngày 17/3 (theo giờ Việt Nam), dầu thô WTI của Mỹ giao tháng 4 được giao dịch ở mức 96,15 USD/thùng; giá dầu thô Brent giao tháng 5 được giao dịch ở mức xuống 98,02 USD/thùng. Động thái này tiếp tục xu hướng giảm của giá dầu thế giới trong tuần giữa tháng 3.

Các nhà bình luận quốc tế cho biết, giá dầu tiếp tục giảm khi các nhà giao dịch hy vọng các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine sẽ đạt được tiến triển khả quan và thông tin về quy mô dầu khá lớn trong kho dự trữ dầu quốc gia của Mỹ. Ngoài ra, số ca mắc Covid-19 gia tăng ở Trung Quốc khiến quốc gia này tiếp tục phong tỏa nhiều thành phố, khu vực sản xuất... cũng là một trong những yếu tố được dự đoán sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu giảm.

Quy định về các mốc thời gian điều chỉnh giá xăng dầu
trong nước

Hiện nay, Nghị định 95/2021/NĐ-CP quy định thời gian điều hành giá xăng dầu vào các ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng. Đối với các kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định của nhà nước, thời gian điều hành được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ. Đối với kỳ điều hành trùng vào dịp Tết Nguyên đán, thời gian điều hành được lùi sang kỳ điều hành tiếp theo. Trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu cho phù hợp.

Như vậy, kể từ khi đạt đỉnh vào ngày 7/3, giá dầu Brent đã tuột mất khoảng 40 USD và dầu WTI mất hơn 30 USD trong vòng gần 10 ngày qua. Trước đó, giá dầu thế giới trong tuần đầu tiên của tháng 3/2022 đã lên mức cao nhất kể từ năm 2008. Thời điểm đó, giá dầu Brent và giá dầu thô WTI đều có thời điểm đạt mức cao nhất kể từ tháng 7/2008, với dầu Brent đạt 139,13 USD/thùng và WTI là 130,50 USD/thùng. Áp lực của giá thế giới cũng ảnh hưởng trực tiếp đến giá trong nước, nhất là khi giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng từ hôm 11/3 vừa qua. Theo đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã chính thức đưa giá xăng RON95-V lên gần chạm mốc 30.000 đồng/lít.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, giá dầu trong nước phụ thuộc vào giá thế giới nên tín hiệu giảm nhiệt của giá dầu thế giới mấy ngày gần đây sớm muộn cũng sẽ tác động tích cực đối với giá dầu trong nước trong tương lai. Tuy nhiên, việc “hạ nhiệt” này đáng mừng ở mức độ nào cũng còn phải nhìn vào nhiều yếu tố tác động khác, cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Vẫn cần cẩn trọng với lạm phát

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc giảm giá dầu thế giới thời gian qua dù sao cũng là tín hiệu tốt, ít nhiều giảm bớt áp lực đối với kinh tế trong nước. Tuy nhiên, việc giảm giá đó là xu hướng hay chỉ là một động thái ngắn hạn cũng chưa thể đánh giá, phán đoán đầy đủ.

Theo ông Ngô Trí Long, việc giảm giá dầu thế giới vừa qua một phần nhờ động thái của Mỹ đã tung dự trữ dầu quốc gia của họ ra để tăng nguồn cung dầu. Tuy nhiên, việc điều tiết giá dầu dựa vào nguồn dự trữ dầu cũng chỉ là giải pháp tạm thời, không thể sử dụng về mặt lâu dài vì nguồn dự trữ có giới hạn. Trong khi đó, nhiều yếu tố khác vẫn chưa thể đo lường hết sức ảnh hưởng đến giá dầu trong tương lai, đặc biệt là diễn biến chiến sự Nga - Ukraine, động thái của UAE trong việc thực hiện cam kết đảm bảo nguồn cung…

Ngoài ra, việc giá dầu thế giới có thể đã hạ nhiệt trong một số ngày thì giá dầu trong nước tạm thời chưa thể giảm ngay do khoảng trễ của các hợp đồng nhập khẩu của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Theo Petrolimex, việc điều chỉnh giá xăng dầu các chu kỳ tính giá thực hiện theo các nguyên tắc xác định giá bán tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 kinh doanh xăng dầu và các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định 95/2021/NĐ-CP.

Với bối cảnh giá xăng dầu thế giới dù có một số ngày hạ nhiệt, nhưng vẫn còn rất bấp bênh, các chuyên gia cho rằng, việc tiếp tục cảnh giác, chủ động nguồn cung xăng dầu trong nước là biện pháp không thể lơ là để ổn định thị trường xăng dầu trong nước nói riêng và hạn chế sự ảnh hưởng từ xăng dầu đối với các mặt hàng khác nói chung.

Trong nội dung chia sẻ mới đây tại Ủy ban thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công thương cũng vẫn đang tiếp tục yêu cầu các đơn vị đầu mối có chức năng nhập khẩu kinh doanh xăng dầu phải nhập đủ sản lượng do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn thiếu hụt để đảm bảo đủ nguồn cung trong nước, có kế hoạch nhập khẩu vượt sản lượng nhập khẩu bình thường. Cụ thể, thông thường trước đây mỗi tháng nhập khẩu 500 nghìn mét khối xăng dầu, nhưng thời điểm hiện nay có thể nhập khẩu gấp 2 lần khối lượng như trên, tương đương khoảng trên 1 triệu mét khối mỗi tháng. Đó là về nguồn cung, còn về giá thì thực tế biên độ thế giới biến động khoảng 40 - 60%, nhưng biên độ giá trong nước chỉ khoảng 29 - 40%, tức chỉ ở mức cận dưới so với biến động giá của thế giới.

Có thể tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại thực hiện một số giải pháp của ngành ngân hàng nhằm bảo đảm vốn hỗ trợ nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.

Theo đó, văn bản của Thống đốc yêu cầu các ngân hàng chủ động cân đối nguồn vốn, xem xét tạo điều kiện tăng thêm hạn mức tín dụng cấp cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, nhất là các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu được Bộ Công thương phân giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm. Giải pháp này nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp có đủ nguồn vốn để kịp thời nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức nhập khẩu góp phần đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các ngân hàng đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, rút ngắn thời gian xét duyệt cấp tín dụng; đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng phù hợp đảm bảo an toàn và tuân thủ các quy định pháp luật.

Văn bản của Ngân hàng Nhà nước nêu rõ, việc xem xét, thẩm định và quyết định cấp tín dụng, tăng thêm hạn mức tín dụng đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nêu trên thực hiện theo cơ chế tín dụng hiện hành. Trong trường hợp phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện, các ngân hàng thương mại kịp thời báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước để được xem xét xử lý.

Thống đốc cũng yêu cầu Chủ tịch Hội đồng quản trị/Tổng giám đốc các ngân hàng thương mại chỉ đạo sát sao trong toàn hệ thống; tăng cường công tác lãnh đạo, kiểm tra, giám sát, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu có đủ điều kiện theo quy định; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, thiếu trách nhiệm trong công tác tín dụng.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/gia-dau-ha-nhiet-nhung-khong-lo-la-cac-giai-phap-kiem-soat-lam-phat-102000.html