Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhậm chức

Chiều 23/10, sau khi công bố kết quả kiểm phiếu, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước và Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016 – 2021 Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhậm chức.

Tân Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thực hiện nghi thức tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: VGP.

Theo đó, 99,79% đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2020.

Sau khi Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo nghị quyết bầu Chủ tịch nước, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết bầu Chủ tịch nước.

Tân Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thực hiện nghi thức tuyên thệ nhậm chức. Ông nói: Trước cờ đỏ thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, đồng bào và cử tri cả nước, tôi, Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực làm hết sức mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Trước đó, sáng 23/10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, tiến hành bỏ phiếu bầu Chủ tịch nước.

Đầu giờ sáng, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tại Đoàn về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch nước. Quốc hội đã thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước bằng hệ thống biểu quyết điện tử.

Các đại biểu bỏ phiếu bầu Chủ tịch nước. Ảnh: VGP.

Bên lề phiên họp Quốc hội, các đại biểu thể hiện sự nhất trí cao với việc Quốc hội giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước tại kỳ họp lần này.

Các đại biểu Quốc hội cho rằng, đây là việc làm cần thiết, tạo thuận lợi cho quan hệ ngoại giao và trong công tác điều hành đất nước.

Tại Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) vừa qua, Trung ương đã thống nhất rất cao (100%) giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước. Sự tín nhiệm của Trung ương Đảng thể hiện kỳ vọng, sự đồng tình ủng hộ của người dân cả nước.

Tiểu sử tóm tắt của đồng chí Nguyễn Phú Trọng

- Họ và tên: Nguyễn Phú Trọng

- Ngày sinh: 14/4/1944

- Dân tộc: Kinh

- Quê quán: Xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội

- Nơi ở hiện nay: Số 5 phố Thiền Quang, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

- Thành phần gia đình: Bần nông

- Nghề nghiệp khi được tuyển dụng: Học sinh

- Ngày được tuyển dụng làm cán bộ, công chức, viên chức: 5/12/1967

- Ngày vào Đảng: 19/12/1967. Ngày chính thức: 19/12/1968

- Trình độ được đào tạo: + Giáo dục phổ thông: Tốt nghiệp hệ 10 năm

+ Chuyên môn nghiệp vụ: Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội (hệ 4 năm)

+ Học hàm, học vị: Giáo sư, Tiến sĩ Chính trị học (chuyên ngành xây dựng Đảng)

+ Lý luận chính trị: Cao cấp

+ Ngoại ngữ: Tiếng Nga

- Khen thưởng: Huy chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa, Huy chương Vì sự nghiệp báo chí, Huy chương Vì sự nghiệp thế hệ trẻ, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Tạp chí Lý luận của Đảng,...

- Kỷ luật: Không

- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa VII, VIII, IX, X, XI, XII.

- Ủy viên Bộ Chính trị các khóa VIII, IX, X, XI, XII; tham gia Thường trực Bộ Chính trị khóa VIII.

- Đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII, XIII, XIV.

Tóm tắt quá trình công tác

1957- 1963: :Học trường phổ thông cấp II, cấp III Nguyễn Gia Thiều, Gia Lâm, Hà Nội.

1963-1967: Sinh viên Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

12/1967-7/1968: Cán bộ Phòng Tư liệu Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản).

7/1968-8/1973: Cán bộ biên tập Ban Xây dựng Đảng Tạp chí Cộng sản. Đi thực tập ở huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (1971). Bí thư Chi đoàn Cơ quan Tạp chí Cộng sản (1969-1973).

8/1973-4/1976: Nghiên cứu sinh Khoa Kinh tế-Chính trị tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), Chi ủy viên.

5/1976-8/1980: Cán bộ biên tập Ban Xây dựng Đảng, Tạp chí Cộng sản, Phó Bí thư chi bộ.

9/1980-8/1981: Học Nga văn tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc.

9/1981-7/1983: Thực tập sinh và bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ (nay là Tiến sĩ) Khoa Xây dựng Đảng thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Liên Xô.

8/1983-2/1989: Phó ban Xây dựng Đảng (10/1983), Trưởng Ban Xây dựng Đảng, Tạp chí Cộng sản (9/1987); Phó Bí thư Đảng ủy (7/1985-12/1988) rồi Bí thư Đảng ủy Cơ quan Tạp chí Cộng sản (12/1988-12/1991).

3/1989-4/1990: Ủy viên Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản.

5/1990-7/1991: Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.

8/1991-8/1996: Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.

01/1994 đến nay: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa VII, VIII, IX, X, XI, XII.

8/1996-02/1998: Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, kiêm Trưởng Ban cán sự Đại học và trực tiếp phụ trách Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội.

12/1997 đến nay: Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa VIII, IX, X, XI, XII.

2/1998-1/2000: Phụ trách công tác tư tưởng-văn hóa và khoa giáo của Đảng.

8/1999-4/2001: Tham gia Thường trực Bộ Chính trị.

3/1998-8/2006: Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương (3/1998-11/2001); Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, phụ trách công tác lý luận của Đảng (11/2001-8/2006).

1/2000-6/2006: Bí thư Thành ủy Hà Nội các khóa XII, XIII, XIV.

5/2002 đến nay: Đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII, XIII, XIV.

6/2006-7/2011: Chủ tịch Quốc hội khóa XI, XII, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh.

1/2011 đến nay: Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, XII, Bí thư Quân ủy Trung ương.

2/2013 đến nay: Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

8/2016 đến nay: Tham gia Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương nhiệm kỳ 2015-2020.

10/2018 : Tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV, được bầu giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021.

Nhật Minh

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/chinh-tri-thoi-su/chu-tich-nuoc-nguyen-phu-trong-tuyen-the-nham-chuc-3799.html