Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP

'Hiệp định CPTPP khi đi vào triển khai sẽ góp phần tăng cường sự đan xen lợi ích, làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa ta với các nước thành viên CPTPP, đặc biệt là các nước thành viên có quan hệ đối tác chiến lược với ta', Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng trình bày Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Sáng 2.11, tiếp tục kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đọc tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Trình bày tại Quốc hội, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, việc tham gia và sớm phê chuẩn Hiệp định CPTTPP giúp ta thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như Châu Á - Thái Bình Dương, thực sự nâng cao vị thế của nước ta và trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.

Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường, tham gia CPTTPP vừa giúp ta có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh. Hiệp định CPTPP khi đi vào triển khai sẽ góp phần tăng cường sự đan xen lợi ích, làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa ta với các nước thành viên CPTPP, đặc biệt là các nước thành viên có quan hệ đối tác chiến lược với ta.

Bên cạnh những thuận lợi, tham gia CPTPP cũng đặt ra những thách thức về kinh tế - xã hội, thu ngân sách, hoàn thiện khung khổ pháp luật, thê chế... Việc mở cửa các hoạt động kinh tế, đi kèm với các quy định về lao động, minh bạch hóa, chống tham nhũng.... đòi hỏi chúng ta cần chủ động, nỗ lực đổi mới, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật, thiết lập các cơ chế quản lý để vừa phù hợp với điều ước quốc tế nhưng cũng bảo đảm vững chắc sự ổn định về chính trị - xã hội của ta.

Chủ tịch Nước cũng kiến nghị về việc phê chuẩn, thời điểm phê chuẩn, nội dung bảo lưu, chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài, cụ thể:

Hiệp định CPTPP sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày mà ít nhất 6 nước ký kết hoặc ít nhất 50% số nước ký kết của Hiệp định thông báo bằng văn bản với Cơ quan lưu chiều (New Zealand) về việc đã hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết của nước đó. Các thỏa thuận song phương cũng sẽ có hiệu lực củng thời điểm với Hiệp định CPTPP.

Đối với các nước đã ký Hiệp định nhưng chưa phê chuẩn vào thời điểm Hiệp định có hiệu lực với 6 nước đầu tiên đã hoàn tất việc phê chuẩn thì Hiệp định sẽ có hiệu lực với nước đó sau 60 ngày kể từ ngày thông báo bằng văn bản cho Cơ quan lưu chiểu về việc đã hoàn thành các thủ tục nội bộ.

Về tình hình phê chuẩn: Đến nay, đã có 4 nước hoàn thành thủ tục pháp lý về việc phê chuẩn (Mexico, Nhật Bản, Singapore, Australia), các nước còn lại đang tiến hành thủ tục nội bộ để phê chuẩn Hiệp định.

Ngoài các nước đã ký Hiệp định, hiện có một số nước khác cũng quan tâm đến việc gia nhập Hiệp định CPTPP khi Hiệp định có hiệu lực. Hiệp định CPTPP quy định có thể kết nạp thành viên mới tham gia trên cơ sở được tất cả các nước chấp nhận.

Đối với Việt Nam, Chính phủ đề xuất Hiệp định CPTPP và các văn kiện kèm theo được phê chuẩn tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Chính phủ không có kiến nghị bảo lưu bất kỳ nội dung nào của Hiệp định.

Nguyên - Hùng - Trung

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/chu-tich-nuoc-nguyen-phu-trong-trinh-de-nghi-quoc-hoi-phe-chuan-hiep-dinh-cptpp-639341.ldo