Chủ tịch nước: Cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu là tinh thần chiến đấu vì đạo lý làm người

Tối 30/6, tỉnh Bến Tre tổ chức lễ kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và 30 năm Ngày hội truyền thống văn hóa tỉnh Bến Tre, tại xã An Đức, huyện Ba Tri.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. - Ảnh: Hòa Hội

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. - Ảnh: Hòa Hội

Tới dự lễ kỷ niệm có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu đã gắn bó với tỉnh Bến Tre 26 năm cuối đời. Gần 200 năm qua, người dân Bến Tre luôn xác định Nguyễn Đình Chiểu là biểu tượng của vùng đất ba dãy cù lao. Lịch sử và tâm thức người dân Bến Tre luôn khắc ghi tư tưởng và nhân cách của Nguyễn Đình Chiểu. Tinh thần yêu nước, ý chí vượt khó vươn lên; đoàn kết vượt qua bao gian khổ hy sinh của ông đã truyền cảm hứng cho cuộc Đồng Khởi thần kỳ năm 1960, góp phần hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và giành nhiều thành tựu quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh có những cải thiện tích cực, không ngừng khởi sắc, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên.

Ông Nguyễn Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre phát biểu

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, những năm qua, dù còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, nhưng Đảng bộ và Nhân dân Bến Tre luôn thực hiện những công việc có ý nghĩa thể hiện lòng biết ơn, tri ân nhà thơ, nhà văn hóa lớn Nguyễn Đình Chiểu từ trùng tu khu mộ, nhà lưu niệm, xây dựng trạm vệ tinh của ngân hàng dữ liệu di sản các dân tộc Việt Nam đến xuất bản tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu, các công trình nghiên cứu, sáng tác về Nguyễn Đình Chiểu, tổ chức hội nghị khoa học quốc gia lần đầu tiên về Nguyễn Đình Chiểu cách nay 40 năm, tổ chức ngày hội truyền thống văn hóa Bến Tre trong tuần lễ đầu tháng 7 từ năm 1992 đến nay.

Ngài Christian Manhart - Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam phát biểu

Ngài Christian Manhart - Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam khẳng định, Nguyễn Đình Chiểu là một người có tính cách phi thường và là một trong những nhà thơ Việt Nam nổi tiếng nhất, tác phẩm của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng. Những lý tưởng về hòa bình, tình yêu thương con người và lòng khoan dung của ông hoàn toàn phù hợp với lý tưởng và mục tiêu của UNESCO. Ông cũng là một nhà giáo xuất sắc đã cống hiến cả đời mình để truyền bá kiến thức, nhiệm vụ chính của UNESCO: Giáo dục. Ông cũng là một thầy thuốc vĩ đại với tầm nhìn sâu rộng trong việc cứu người. Câu chuyện cuộc đời của ông là nguồn cảm hứng không chỉ cho người Việt Nam mà cho toàn nhân loại.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu, nhất là truyện thơ Lục Vân Tiên đã gắn bó với đời sống nhân dân cả nước, đặc biệt, đối với người dân Nam bộ nói chung và Bến Tre nói riêng, từ thành thị đến vùng nông thôn, vượt qua biên giới đến với kiều bào nước ngoài và bạn bè quốc tế. Nhiều câu thơ của Nguyễn Đình Chiểu trở thành triết lý nhân sinh sâu sắc về cuộc đời, về con người, đề cao lòng yêu nước, đã lay động trái tim bao thế hệ người Việt Nam.

Đến nay, truyện thơ Lục Vân Tiên đã được dịch ra 4 thứ tiếng (Anh, Pháp, Nhật, Hàn) với 11 bản dịch, trở thành biểu tượng tinh hoa của văn hóa được kết tinh từ cội nguồn dân tộc Việt Nam. Qua đó, giúp cho bạn bè quốc tế am hiểu sâu hơn về đất nước, con người Việt Nam với khát vọng hòa bình, hữu nghị, hướng tới tương lai.

Theo Chủ tịch nước, điều chúng ta lĩnh hội, thấm sâu nhất qua cuộc đời và tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu là tinh thần yêu nước, thương dân, tinh thần chiến đấu không biết mệt mỏi vì đạo lý làm người, tinh thần vượt khó, sáng tạo nghệ thuật. Đó là sự thể hiện của một nhân cách văn hóa của một nhà văn hóa lớn. “Trước mắt chúng ta, Nguyễn Đình Chiểu là hình ảnh con thuyền “chở đạo” - “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm” và một nhà thơ - chiến sĩ đầy khí phách “Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Nguyễn Đình Chiểu và di sản của ông không chỉ được người Việt Nam mãi mãi tôn vinh, tự hào, mà còn được bạn bè quốc tế biết đến và ngưỡng mộ”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch nước đánh giá, những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Bến Tre đã thực hiện nhiều công việc có ý nghĩa sâu sắc nhằm bảo vệ, phát huy giá trị di sản mà Nguyễn Đình Chiểu để lại cho thế hệ hiện tại và mai sau.

Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu

Về lại quê hương Bến Tre - Đồ Chiểu, quê hương Đồng Khởi anh hùng, giàu truyền thống văn hóa và cách mạng, Chủ tịch nước vui mừng nhận thấy sự đổi thay, phát triển vượt bậc về kinh tế, xã hội. Nhất là thời gian gần đây Đảng bộ có nhiều nỗ lực, vượt qua khó khăn huy động nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển. Nhiều công trình, dự án đang được đầu tư xây dựng: Công trình cầu Rạch Miễu 2, các công trình Điện gió.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham quan sách thư pháp Nguyễn Đình Chiểu. - Ảnh: Hòa Hội

Bên cạnh đó, phong trào thi đua Đồng Khởi mới, thi đua xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh, truyền thống văn hóa tiếp tục được bảo tồn, phát huy; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao. Những kết quả đó đã góp phần vào thành tựu chung của đất nước và đã thể hiện bản sắc văn hóa, bản lĩnh, trí tuệ, khát vọng vươn lên của Đảng bộ, dân và quân tỉnh nhà, mở ra một thời kỳ phát triển mới đầy triển vọng, xây dựng quê hương Bến Tre - Đồ Chiểu trở thành tỉnh khá trong khu vực vào năm 2025 và của cả nước vào năm 2030, phát triển vùng nông thôn ngày càng giàu đẹp, văn minh, đời sống Nhân dân ngày càng ấm no hạnh phúc.

Hòa Hội

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chu-tich-nuoc-cuoc-doi-nguyen-dinh-chieu-la-tinh-than-chien-dau-vi-dao-ly-lam-nguoi-post1450075.tpo