Chủ tịch Nguyễn Đức Chung: Phải rõ tiêu chuẩn, đối tượng mua nhà ở xã hội

Ngày 6/3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì phiên họp tập thể UBND TP tháng 3/2018. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu; các Phó Chủ tịch UBND TP: Nguyễn Doãn Toản, Nguyễn Quốc Hùng cùng dự.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì phiên họp tập thể UBND TP tháng 3/2018

Tại hội nghị, tập thể UBND TP xem xét, biểu quyết thông qua nghị quyết về 9 nội dung thuộc thẩm quyền của UBND TP. Cụ thể, nghị quyết về phê duyệt ban hành quy định chi tiết một số nội dung thuộc thẩm quyền của UBND TP về quản lý, sử dụng nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội; phê duyệt Quyết định ban hành Quy định quản lý bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn TP Hà Nội; phê duyệt Quyết định về sử đổi, bổ sung một số điều của quy định ban hành kèm theo Quyết định số 20/2016/QĐ-UBND ngày 24/6/2016 của UBND TP ban hành quy định chi tiết một số nội dung cấp phép xây dựng trên địa bàn TP.

Tập thể UBND TP biểu quyết thông qua Nghị quyết về phương án cân đối nguồn lực đầu tư các dự án đoạn tuyến đường sắt đô thị Hà Nội ưu tiên đầu tư giai đoạn đến năm 2025; Đề án đầu tư, xây dựng huyện Hoài Đức thành quận vào năm 2020; phê duyệt quyết định ban hành Quy định về hoạt động của các phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn TP thay thế Quyết định số 06/2013/QĐ-UBND ngày 25/1/2013 của UBND TP; ban hành quy định về quản lý, khai thác và bảo trì hệ thống đường đô thị trên địa bàn TP Hà Nội; ban hành giá dịch vụ sử dụng đò, phà ngang sông trên địa bàn TP Hà Nội; Đề án thí điểm đào tạo song bằng tú tài A-Levels tại trường THPT Chu Văn An.

Tại phiên họp, trước khi tập thể UBND TP biểu quyết thông qua từng nội dung nghị quyết, về Quy định quản lý bán, cho thuê, mua nhà ở xã hội trên địa bàn TP, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản lưu ý cần phải có sự phản biện của MTTQ TP trong 10 điểm ưu tiên về đối tượng mua và thuê nhà ở xã hội.

Về vấn đề thu hồi nhà, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu nên có quy định cụ thể, nếu người mua nhà không về ở sau 3 tháng bàn giao nhà thì sẽ thu hồi, còn đối với các đối tượng có lý do chính đáng thì phải có quy định cụ thể.

Phát biểu về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, các quy định hiện nay về quản lý bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn TP còn đang lỏng lẻo, đối tượng chưa được xác định rõ nên cần phải được ban hành chặt chẽ hơn.

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục báo cáo về dự thảo quy định quản lý bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn TP Hà Nội

Chủ tịch UBND TP cho rằng phải xác định rõ tiêu chuẩn các đối tượng được mua nhà ở xã hội phải là những người không có điều kiện mua nhà ở thuộc phân khúc nhà ở thương mại có giá trị cao. Đồng thời, lưu ý quy định này chỉ được áp dụng với một đối tượng trong gia đình, tránh trường hợp cả vợ cả chồng ở hai cơ quan khác nhau đều nộp hồ sơ xin mua nhà ở xã hội.

Chủ tịch UBND TP đề nghị TP phải xây dựng cổng thông tin điện tử để người mua nhà đăng ký “xếp hàng” mua công khai và phải chịu trách nhiệm trước đăng ký của mình; đồng thời, các tiêu chuẩn cũng phải được công khai trên mạng, nếu hồ sơ mua nhà không đủ tiêu chuẩn sẽ bị loại.

Về phương án cân đối nguồn lực đầu tư các dự án đoạn tuyến đường sắt đô thị Hà Nội ưu tiên đầu tư giai đoạn đến năm 2025, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, sắp tới, TP sẽ báo cáo Chính phủ và tại kỳ họp Quốc tới, TP sẽ báo cáo Quốc hội xin ý kiến chủ trương đầu tư về các dự án này.

Tại phiên họp, tập thể UBND TP cũng biểu quyết thông qua 7 danh mục nguồn lực để đầu tư dự án, trong số các nguồn lực trên, không có nguồn lực vốn ODA.

Về đề án đầu tư, xây dựng huyện Hoài Đức thành quận vào năm 2020, Chủ tịch UBND TP giao cho sở Nội vụ chủ trì và phối hợp với huyện, các sở liên quan để thực hiện. Trong đó, Chủ tịch lưu ý, quan trọng nhất là xây dựng quy hoạch kiến trúc tổng thể cho huyện Hoài Đức thành quận.

Chủ tịch UBND TP cũng lưu ý việc xây dựng mô hình thể chế tổ chức chính quyền, đào tạo nguồn nhân lực. Ưu tiên các dự án án kết nối đô thị, hạ tầng và đặc biệt là giữ gìn các thể chế văn hóa. “Phát triển đô thị nhưng không được đánh mất bản sắc văn hóa xứ Đoài” – Chủ tịch nhấn mạnh.

Về đề án thí điểm chương trình đào tạo song bằng THCS của Việt Nam và Chương trình phổ thông Cambridge tại các trường THCS trên địa bàn TP mà Sở GD&ĐT báo cáo, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho rằng cần phải nghiên cứu để có chương trình mở rộng ngay và tập trung phân tích sự cần thiết của nó bởi nhu cầu học chứng chỉ này đang rất lớn, do nhu cầu của đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tăng lên.

Trong thời kỳ hội nhập thì các tiêu chuẩn giáo dục cũng phải “hội nhập” theo tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, về mặt kinh tế, lợi ích mà chương trình này đem lại cũng đáng kể. “Nếu không có bằng tú tài thì khi học sinh đi du học nước ngoài phải mất từ 1 đến 2 năm học dự bị, tốn kém rất nhiều. Trong khi đó, nếu học sinh được đào tạo chứng chỉ này ngay từ trong nước thì sẽ được tuyển thẳng vào các trường đại học của các nước trên thế giới, giảm chi phí rất nhiều”, Chủ tịch cho hay. Đồng thời, giao cho sở GD&ĐT khẩn trương hoàn thiện đề án mở rộng chương trình này.

A. Quý - T. Tiên - C. Thọ

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ha-noi-hop-tap-the-ubnd-tp-thang-32018-xem-xet-nhieu-van-de-quan-trong-311235.html