Chủ tịch Minh Phú hiến kế lập khu phức hợp thủy sản 'đáng sống, đáng đầu tư nhất Việt Nam'

Phát biểu tại Hội nghị thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp được tổ chức vào sáng nay tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đề nghị các cơ quan ban ngành liên quan xem xét phê duyệt khu phức hợp nông nghiệp công nghệ cao 10.000 hecta tại Kiên Giang.

Ông Quang cho biết, khu vực tứ giác Long Xuyên (trên địa phận của ba tỉnh thành Kiên Giang, An Giang và Cần Thơ) có khoảng 10.000 hecta nhiễm phèn nặng. Diện tích này không thể trồng cây nào phù hợp ngoài việc nuôi tôm.

Minh Phú đã lên ý tưởng thành lập khu nuôi tôm công nghệ cao 10.000 hecta, khu công nghiệp chế biến 500 hecta và khu đô thị phức hợp khoảng 2.000 hecta. Ông Quang ước tính, khu nông nghiệp công nghệ cao này cần trên 10.000 công nhân nuôi trồng và khoảng 70.000 công nhân chế biến.

“Chúng tôi luôn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nguồn nhân lực chất lượng cao. Và muốn thu hút họ về, phải phải xây dựng đô thị với đầy đủ tiện ích ,làm nơi đáng sống nhất để trở về đây lập nghiệp”, ông Quang lý giải. Dù vậy, ông thừa nhận chỉ có sở trường về đầu tư nuôi và chế biến tôm, trong khi các ngành phụ trợ liên quan thì chưa thể thực hiện. Do đó, khu đô thị cần hướng đến việc trở thành “khu phức hợp đáng sống, đáng đầu tư nhất”.

Được biết, kế hoạch này đang được Minh Phú xúc tiến với hàng loạt Quỹ đầu tư, ngân hàng trong và ngoài nước cũng như Cargill, Microsoft,..trong việc hình thành công nghệ nuôi tôm thông minh, có thể theo dõi các chỉ tiêu nước trong ao nuôi cũng như lắp đặt hệ thống máy cho ăn thông minh có thể tương tác và xác định cho tôm ăn khi đói.

“Chúng tôi đề xuất tỉnh Kiên Giang có thể sớm phê duyệt, để sớm trình lên Chính phủ cũng như các Bộ ngành liên quan như Ngân hàng Ngân hàng Nhà nước trong việc hỗ trợ vốn”, Chủ tịch Minh Phú nói.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Bagico đề xuất có thể Chính phủ xem xét thành lập khu trung tâm kinh tế nông nghiệp quy mô từ vài trăm đến hàng nghìn hecta. Đây đầu mối giao thương mọi sản phẩm liên quan trong chuỗi từ giống, vật tư,…đến thỏa thuận các hợp tác xuất, nhập khẩu sản phẩm giữa cả nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trung tâm cũng cần được áp dụng các công nghệ mới nhất, hiệu quả nhất cho việc nghiên cứu, bám sát thị trường.

“Start-up, nông dân, các doanh nghiệp siêu nhỏ như chúng tôi vô cùng tâm huyết, chăm chỉ, quay quắt kiếm kế sinh nhai, sẳn sàng vay nợ trả góp nhưng cũng không ít người đổ nợ. Nguyên nhân là thiếu và không tiếp cận được các thông tin chính thống. Nếu Chính phủ tốn 1.000 đồng cho cán bộ đi tham quan mô hình học hỏi thì nông dân hay doanh nghiệp như chúng tôi phải mất 1 triệu đồng để làm được việc đó”, bà Thành Thực phát biểu.

Tự nhận doanh nghiệp mình chỉ là “thương lái”, nhưng đại diện này còn đưa ra trách nhiệm trong việc tìm kiếm sản phẩm mà thị trường yêu cầu đặc biệt. Ví dụ trường hợp giới thượng lưu người Trung Quốc có nhu cầu và đặt mua các sản phẩm đặc trưng bản địa như lúa đen, dù muốn gieo trồng nhưng bà Thực cho rằng gặp khó khăn khi chưa thể tiếp cận nguồn gien của quốc gia.

“Nhà nước hãy mở cửa các nguồn gien quý để doanh nghiệp được phép đi vào và được đi vào cửa trước”, bà Thực nói.

Hồng Phúc

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/chu-tich-minh-phu-hien-ke-lap-khu-phuc-hop-thuy-san-dang-song-dang-dau-tu-nhat-viet-nam-d85539.html