Chủ tịch Lửa Việt Tour Nguyễn Văn Mỹ: 'Tôi tin vào lẽ phải và luật nhân quả'

Lăn lộn, xông xáo, quyết liệt, 'nếm mật nằm gai' cùng với sự phát triển của du lịch Việt Nam từ những ngày đầu đổi mới, ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tour 'chết tên' với biệt danh 'Mỹ Lửa Việt'.

Ông Nguyễn Văn Mỹ chụp ảnh tại Thác Bản Giốc, Cao Bằng vào năm 2008. Ảnh: LV.

Ông Nguyễn Văn Mỹ chụp ảnh tại Thác Bản Giốc, Cao Bằng vào năm 2008. Ảnh: LV.

Cái tên vận vào người, luôn hướng đến cái đẹp, bất bình trước cái xấu, con người lúc nào cũng hừng hực lửa chiến đấu ấy đã nỗ lực không ngừng nghỉ để góp phần xây dựng một hệ sinh thái bền vững và nhân văn cho du lịch Việt, thông qua cách làm cụ thể, cách chơi với bạn bè doanh nhân, cách phản biện thẳng thắn, không khoan nhượng trước những chính sách bất cập trong du lịch, những điều chướng tai, gai mắt trong xã hội… qua những bài viết trên báo chí, qua những tác phẩm đi, nghĩ, viết của mình.

Trước sự kiện Chính phủ cùng doanh nghiệp đang tham gia “vẽ” lại chiến lược phát triển du lịch miền sông nước Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, dưới góc nhìn cụ thể của người làm nghề, ông “Mỹ Lửa Việt” đã chia sẻ những suy nghĩ thẳng thắn đầy tâm huyết của mình. Đó cũng là “Đạo” làm nghề mà ông theo đuổi.

Ông đánh giá thế nào về những dự án khủng nhằm khai thác thế mạnh du lịch sinh thái Cần Thơ của các đại gia?

Ngoài ba dự án khủng của tập đoàn FLC, Cần Thơ đang giới thiệu 18 dự án liên quan đến du lịch với tổng vốn đầu tư 423 triệu USD.

Đáng lưu ý nhất là hai dự án tháp du lịch cao 170m ở cồn Cái Khế và cáp treo vượt sông Hậu qua cồn Sơn, cồn Khương. Vốn đầu tư cho hai dự án này là 3.000 tỷ đồng. Đọc thông tin, nhiều tỉnh bạn ganh tị. Thành phố trực thuộc Trung ương phải khác chứ. Lãnh đạo hồ hởi, người dân náo nức vì du lịch Cần Thơ đang chuẩn bị cất cánh.

Đặc thù của miền Tây là những cù lao xanh cây trái, ít nhiều giữ được nét chân quê, chưa bị đô thị hóa. Du khách tìm về miền Tây là về với cảnh quan sông nước, vườn cây; là không gian thoáng đãng, chứ không phải ngột ngạt nhà xây, tường kín.

Vậy theo ông, làm thế nào để biến Cần Thơ thành thủ phủ du lịch của miền Tây?

Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương duy nhất của cả miền Tây. Có sân bay quốc nội và quốc tế (dù lâu lâu mới có vài chuyến charter). Có hệ thống lưu trú tốt nhất. Là đầu mối của thủy trình từ Sài Gòn đi Phnom Penh. Cần Thơ là Tây Đô, là trung tâm của du lịch Tây Nam bộ, ai chẳng biết vậy.

Tôi đã từng tin như thế, cho đến khi thu thập số liệu về du lịch các tỉnh. Năm 2017, du lịch Cần Thơ đón 7.539.211 lượt khách (có 305.000 khách quốc tế), tăng 135% so với 2016. Doanh thu 2.987 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ.

Những con số quá ấn tượng. So với cả miền Tây, lượng khác đến Cần Thơ dẫn đầu, còn doanh thu xếp thứ 2 sau An Giang. Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh du lịch phải được tính chi tiêu trên đầu khách, sau đó mới đến doanh thu.

Theo bảng số liệu du lịch Tây Nam Bộ, Cần Thơ dẫn đầu về lượng khách, xếp thứ 3 (sau Kiên Giang và An Giang) về doanh thu nhưng gần đội sổ về chi tiêu bình quân đầu khách. Thứ tự là Bến Tre, Bạc Liêu, Kiên Giang, Anh Giang, Sóc Trăng, Tiền Giang, Cần Thơ. Chỉ hơn được Đồng Tháp. Các tỉnh Trà Vinh, Hậu Giang, Long An chưa có số liệu. Cao nhất của cả nước về chi tiêu trên mỗi khách là Khánh Hòa và TP.HCM.

Theo ông, cần làm thế nào để tăng doanh thu và hiệu quả cho du lịch Cần Thơ?

Mỗi khách đến Cần Thơ chi tiêu 386.000 đồng, trong khi mỗi khách đến các homestay trong hệ thống CBT như A Chu (người H’ Mong ở Hua Tạt, Vân Hồ, Sơn La); Minh Thơ (người Thái ở Mai Hịch, Mai Châu, Hòa Bình)… đều chi bình quân trên 500.000 đồng khi lưu trú qua đêm. Khách đều đặn quanh năm, công suất chỗ ngủ hơn 70%.

Bà con dân tộc nghèo và ít học hơn dân Nam bộ nhưng đã làm rất tốt vì địa phương chọn đúng nhà tư vấn thực tiễn, có bảo hành và hỗ trợ tìm nguồn khách. Đầu tư ít mà hiệu quả, dù đó là những vùng sâu, lâu nay ít ai nghe biết, nói chi làm du lịch.

6 thánh đầu năm 2018, homestay Hoa Ếch (Sa Đéc, Đồng Tháp) dù mới đi vào hoạt động đã đón 1.300 khách lưu trú, doanh thu 520 triệu. Dự kiến năm 2018 đón 3.000 lượt khách (chi tiêu mỗi người 400.000 đồng). Đồng Tháp cần hàng chục homestay có quy chuẩn như vậy.

Mục tiêu của kinh doanh là làm giàu chính đáng, hiệu quả được đo bằng lợi nhuận theo những quy luật tự nhiên.

Bài toán của Cần Thơ nói riêng và du lịch miền Tây nói chung là sản phẩm mới và tăng thời gian lưu trú. Tránh trùng lắp và bắt chước một cách máy móc. Con đường tương đối dễ nhất và có thể làm ngay là tập trung hỗ trợ người dân phát triển du lịch cộng đồng để làm giàu chính đáng. Nguồn vốn từ trong dân còn rất lớn. Nếu được tư vấn đúng cách và hiệu quả, cả nguồn vốn lẫn nguồn nhân lực đều không khó như các chuyên gia phòng lạnh than vãn.

Phải chuyển hướng mạnh mẽ, đoạn tuyệt tư duy lễ hội hào nhoáng và những tổng kết cuối năm hả hê, phấn khởi với số liệu nhảy múa. Phải thật sự quan tâm đến hiệu quả doanh thu trên mỗi đầu khách, trên mỗi ngày lưu trú và đặc biệt là số lần khách quay trở lại.

Ông Mỹ trên đường vào rừng U Minh Thượng, Kiên Giang. Ảnh chụp năm 2018.

Là người đang tư vấn cho chính quyền Đồng Tháp để phát triển du lịch, theo ông, làm thế nào để biến sản phẩm du lịch của Đồng Tháp thành hấp dẫn, mang tính bản địa mạnh hơn?

Cái quý nhất của Đồng Tháp là con người. Không địa phương nào có cặp bài trùng “song kiếm hữu bích” lãnh đạo (bí thư và chủ tịch) như Đồng Tháp: bình dị, quyết đoán và sắc sảo. Cả hai đi làm bằng xe gắn máy, để gần dân hơn. Xe gắn máy có thể chạy khắp đường quê, vào tận nhà từng người dân tìm hiểu, thăm hỏi. Cả hai đề có thể làm hướng dẫn viên du lịch cho tỉnh ngon lành.

Tôi và anh Dương Minh Bình, tác giả của những homestay có quy chuẩn và cực kỳ hiệu quả ở phía Bắc chọn Đồng Tháp để tư vấn vì ở đó có “minh quân”. Thành phố Cao Lãnh, thủ phủ Đồng Tháp, có đền thờ chủ chợ duy nhất trong cả nước. Đền thờ đẹp, trang trọng, thờ cả ông lẫn bà. Khác với nhiều nơi; các đền, miễu ở Đồng Tháp đều thờ cả ông lẫn bà như vậy.

Các địa danh như làng Hoa tự nhiên Tân Quy Đông rộng gần 600ha với hơn 2.000 loài, làng Bột với thương hiệu Bích Chi một thời lừng lẫy ở Sa Đéc. Thủy đạo thép Xẻo Quít – cứ địa của lòng dân trong chiến tranh và sân chim Gáo Giồng lớn nhất Nam bộ ở huyện Cao Lãnh.

Vương quốc Tràm và Chim, nơi có thể xem chim đi kiếm ăn duy nhất cả nước ở Tam Nông. Vườn Quít hồng và Nam chua ở Lai Vung. Làng chiếu Định yên với chợ Chiếu Âm phủ, Rạch Bà Đài - làng đóng thuyền lớn nhất miền Tây và Nam Phương Linh Từ – nơi duy nhất thờ tất cả danh nhân có công mỡ cõi phương Nam, kể cả những người lâu nay bị thành kiến ở Lấp Vò.

Lấp Vò còn có đền thờ Thái tổ Cao Hoàng đế Gia Long gần cả trăm năm. Gò Tháp, di tích quốc gia đặc biệt về nên văn minh Óc Eo ở Tháp Mười; cồn Phú Mũy, làng thân thiện Nam bộ ở Thành Bình; làng Lò Gạch hoang ở Châu Thành…

Nhờ đê bao và phù sa mới, trái cây Đồng Tháp dồi dào và chất lượng ăn đứt nhiều nơi. Ẩm thực thì khỏi chê. Hủ tíu Bà Sẩm, mặt tiền đường Trần Hưng Đạo, Sa Đéc ngon và rẻ nhất thế giới. Tô thường 6.000 đồng, tô đặc biệt 10.000 đồng.

Tôi thích hình ảnh chú Bé Sen, biểu tượng của vùng đất Sen Hồng. Sen Đồng Tháp không chê bùn hôi mà khẳng định là “Nhờ bùn nuôi dưỡng, ngát thơm hương đời” (NVM).

Đồng Tháp là địa phương duy nhất xem du lịch là ngành kinh tế quan trọng (như các nước phát triển) và có Bộ Quy tắc hành xử nơi công công chung. Nếu làm riêng cho du khách như các nơi, khi có người cắc cớ hỏi “Bộ người địa phương không cần ứng xử văn minh hả?" là cà lăm.

Tiềm năng như vậy, lãnh đạo như vậy, nếu thật sự quyết tâm và biết hợp lực; tham vọng vươn lên thành “Thủ phủ du lịch miền Tây” trong 10 năm tới của Đồng Tháp rất khả thi.

Xâu chuỗi lại bức tranh của du lịch miền sông nước, theo ông chúng ta còn thiếu những yếu tố cơ bản nào?

Bức tranh chung của du lịch Việt Nam, chứ không riêng gì du lịch miền Tây, thậm chí của cả nền kinh tế nước nhà là con người cụ thể. Cơ chế trì trệ làm lãng phí nhân tài. Phổ biến là tư duy nhiệm kỳ, chạy theo thành tích ảo và tự sướng, làm việc đối phó và dối trá. Tất cả mọi yếu kém, từ quản lý, qui hoạch đến thực hiện cụ thể, giải quyết các vấn nạn đều do con người. Đó là nguyên nhân của mọi nguyên nhân.

Theo ông cần làm thế nào để giữ được vẻ đẹp nguyên sơ, văn hóa bản địa và con người thuần khiết... để bắt kịp xu hướng du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm mà thế giới đang ưa chuộng?

Quyết định là ở lãnh đạo. Sự trì trệ và mọi cản trở là ở đây. Xin đừng đổ cho dân, cho các doanh nghiệp hay tại trời, đất hoặc do “biến đổi khí hậu”.

Đáng mừng là gần đây, xu thế du lịch trải nghiệm văn hóa bản địa và phát triển bền vững đã được nhiều địa phương xây dựng, nhất là các tỉnh phía Bắc. Từ Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, Yên Bái, Thái Nguyên cho đến Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và mới nhất là Quảng Ngãi. Các tỉnh Nam bộ chậm, kể cả Đồng Tháp, “trên thông mà dưới tắc”. Tiền Giang, Sóc Trăng, Long An đang chuẩn bị.

Các làng du lịch cộng đồng với những homestay có quy chuẩn như A Chu (người H’ Mong ở Hua Tat, Vân Hồ, Sơn La, Minh Thơ (người Thái ở Mai HỊch, Mai châu, Hòa Bình) tấp nập các đoàn đêến tham quan học tập.

Những mô hình này không chỉ xóa đói giảm nghèo mà còn làm giàu chính đáng, doanh thu hàng năm phải tính tiền tỷ.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì có mô hình Pu Luong Retreat (Thành Lâm, Bá Thước, Thanh Hóa).

Các địa danh trên đề ở vùng sâu, đi lại khó khăn, ít ai biết đến, nói chi làm du lịch.

Vấn đề là được tư vấn thực tiễn, tư vấn có bảo hành và hỗ trợ tìm nguồn khách. Những mô hình này không chỉ được Tổng cục Du lịch mà còn được Tổ chức Du lịch Thế giới thừa nhận là hiệu quả.

Điều mà đa số khách về miền Tây (trong đó có tôi) cần là không gian vườn cây, ao cá, ruộng lúa; là cảnh quan và văn hóa thật chứ không phải giam lỏng trong bốn bức tường hoặc những cảnh giả tạo như tát mương bắt cá hay ca nhạc ỏm tỏi.

Ông Mỹ trong một lần du lịch trải nghiệm tại Hà Giang năm 2010.

Việc các đại gia trong ngành du lịch bất động sản đang "vẽ" lại bản đồ du lịch vùng sông nước Cửu Long theo anh có những bất cập gì? Liệu có phá vỡ kết cấu du lịch nông nghiệp vốn là thế mạnh của Việt Nam?

“Buôn có bạn, bán có phường”. Vấn đề là quy hoạch. Du lịch có nhiều phân khúc theo thị trường địa lý và tài chính. Càng nhiều đại gia tham gia càng tốt, người dân càng có thêm việc làm và du khách có nhiều chọn lựa.

Du khách đến với các phức hợp du lịch hoành tráng 4 – 5 sao, thế nào cũng dành vài ngày trải nghiệm và hòa mình với văn hóa bản địa. Tôi cho đó là tín hiệu tốt, là cơ hội để các homestay có quy chuẩn (chứ không phải tự phát hoặc được tư vấn bởi các chuyên gia phòng lạnh như lâu nay) quảng bá và phát triển.

Vừa làm kinh doanh du lịch, vừa có những bài viết phản biện quyết liệt về chính sách , những bất cập trong ngành và ngoài xã hội, có bao giờ ông bị làm khó, ảnh hưởng đến kinh doanh riêng?

Tôi chưa thấy. Cũng có thể có mà tôi không biết? Vợ tôi, một số bạn bè cũng khuyên tôi bớt gay gắt, nhẹ nhàng hơn. Các nhân viên cũng "năn nỉ" tôi cứ viết du lịch một chiều, bớt đa đoan thời sự, đụng chạm thì khổ cả đám. Tôi có điều chỉnh liều lượng, bớt phát biểu hoặc tránh nêu tên. Khổ cái, báo chí cứ muốn nêu tên thì phát biểu mới có trọng lượng hơn!

Trong số lãnh đạo các công ty du lịch, tôi còn là hướng dẫn viên nên đi nhiều nhất. Tháng 6 vừa rồi, tôi đi tour, khảo sát tour hết 24 ngày. Đi nhiều, gặp nhiều lại hay quan sát, để ý những chuyện khác người nên biết lắm chuyện thực tế.

Gần đây, tôi viết sâu hơn, nhiều khi dưới góc độ tư vấn góp ý hoặc dự báo về quản lý chứ không chỉ là khách du lịch. Rất nhiều bài viết phản biện, tôi ký tên khác, dù tòa soạn không thích. Biết làm sao được. Nếu tôi viết hời hợt, một chiều, hoặc thiếu lửa thì tôi sẽ không còn là tôi.

Điều gì đã thôi thúc ông viết với cái nhìn quyết liệt, không khoan nhượng như thế trước cái ác, cái xấu?

Trước hết đó là trách nhiệm công dân. Biết cái ác, cái xấu mà không dám nói hoặc viết là có tội. Vấn đề là nói và viết thế nào, không ba phải hoặc cực đoan. Tôi từng là cán bộ Thành Đoàn (1974 - 1999), từng cầm súng chiến đấu. Tôi từng bị hành hung ở Campuchia và không ít lần bị hăm dọa. Nhưng cũng rất nhiều lần được bảo vệ bởi những người tốt bụng, dù không quen biết.

Tôi viết bằng cả tâm huyết và nhiệt huyết, mong muốn góp phần thay đổi tích cực. Viết bằng cả niềm tin là mọi việc rồi sẽ tốt đẹp hơn nếu nhiều người cùng góp sức theo cách của mình. Tôi luôn tin vào lẽ phải dù không ít lần thất vọng, nhưng chỉ là tạm thời. Thật khủng khiếp, nếu sống mà không có niềm tin. Tôi tin vào lẽ phải và luật nhân quả. Cha mẹ sinh ra mình tính cách như vậy, muốn đổi cũng không được và tôi cũng chưa bao giờ có ý định thay đổi.

Ông Mỹ chụp ảnh trên đỉnh Thới Lới, Lý Sơn, Quảng Ngãi trong một chuyến đi vào năm 2006.

Đi nhiều, thấy nhiều, điều ông lo âu nhất là gì khi nghĩ về những giá trị sống, giá trị kinh doanh, tình người, tình bè bạn...?

Càng đi, càng học được nhiều thứ, càng băn khoăn và thương dân nghèo. Biết nhiều cũng khổ. Cái khổ tâm nó vận vào bản chất, thành cá tính. Chán quá thì nghêu ngao: “Tôi ơi ! đừng tuyệt vọng” (Trịnh Công Sơn).

Tôi làm du lịch nhưng lo nhất là giáo dục. Có lẽ tại tôi cũng là giáo viên thỉnh giảng thực tế về du lịch. Giáo dục là nền tảng của xã hội, là máy cái đào tạo mọi nguồn lực.

“Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi” (Nelson Maldela). Câu nói này được viết trang trọng trước trường đại học Nam Phi…

Mọi giá trị cuộc sống từ tình bạn, tình yêu, tình người, lòng hiếu thảo, đạo đức kinh doanh… đều do nhà trường tạo nên. Nhìn vào giáo dục Việt Nam không chỉ lo mà còn hoảng!

Có bao giờ ông rơi vào tâm trạng bất lực, đổ vỡ, muốn buông xuôi? Làm thế nào để ông vượt lên, và thổi vào đội ngũ ngọn lửa lúc nào cũng hừng hực?

Tôi cũng là con người bình thường, lắm lúc yếu đuối đến khó hiểu. Mỗi lúc như vậy, tôi lại nghĩ tới những bạn bè đã vĩnh viễn nằm xuống trong chiến đấu.

Tôi từng là quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia. Họ đã chết cho tôi được sống thì phải sống đàng hoàng. Mỗi lần đi đám ma, ra nghĩa địa, tôi càng thấy cuộc sống phù du, bớt sân si và cố gắng làm được nhiều việc tốt.

Trước mỗi trận đánh, tôi cứ nghĩ “Biết đâu, trận này mình không về?” Còn bây giờ thì nghĩ “Biết đâu hôm nay là ngày cuối” nên phải sống và làm việc nghiêm túc. Hình như cái tên Lửa Việt cũng vận vào máu thịt. Nói và làm gì cũng hừng hực lửa. Lãnh đạo thì phải nêu gương. Ở Lửa Việt, tất cả lãnh đạo và nhân viên đều có thể làm hướng dẫn viên.

Với Lửa Việt, để giữ ngọn lửa bền chí trước bao cách kinh doanh du lịch trái đạo lý với ông có khó khăn nhiều không?

Logo Lửa Việt có hình thoi gồm 4 chữ T, bên trong có ngọn lửa khát vọng.

Trong lễ chào cờ mỗi sáng thứ Hai đầu tuần, tất cả nhân viên Lửa Việt để tay phải lên ngực trái, sau khi hát quốc ca, cùng dành 1 phút suy ngẫm và tiếp nhận: “Trước anh linh tổ tiên và có đất trời chứng giám, các thành viên trong đại gia đình Lửa Việt tâm nguyện tận trung với tổ quốc; tận hiếu với gia đình; tận tâm với cuộc sống; tận lực với công việc. Chúng tôi tự nguyện đồng tâm hiệp lực, xây dựng và phát triển thương hiệu Lửa Việt theo các giá trị 'tiên phong, tự chủ, chính trực, quyết thắng'".

Nghĩ về nghề, nghĩ về đạo kinh doanh, ông có thể chia sẻ điều gì với lớp doanh nhân đang ở … “giữa muôn trùng vây” ?

Tôi làm du lịch bằng cả đam mê, như một thứ tôn giáo nghề nghiệp. Quá yêu nên khó khăn, vất vả chẳng nề. Đạo kinh doanh, trước hết là đạo làm người. Làm gì cũng phải nghĩ “Kỷ sở bất dục vật thư ư nhân” (Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác).

Muốn nhân viên trung thực và cả trung thành với công ty, trước hết công ty phải trung thực và trung thành với khách hàng, với nhà nước. Gặp khó khăn thì nghĩ “Họa hề phúc chi sở ý. Phúc hề họa chi sở phục” (Trong họa có phước, trong phước có họa). Thất bại thì làm lại, chuẩn bị tốt hơn chứ không bỏ cuộc.

Các bạn trẻ bây giờ cực giỏi, được học hành và đào tạo bài bản, lại được tiếp cận phong cách quản lý của các nước tiên tiến nên ăn đứt lớp đàn anh như tôi.

Từ 2013, Lửa Việt đã chuyển giao thế hệ, từ giữa 5X cho đầu 8X. Từ 1995 – 1998 là hoạt động thể nghiệm. Từ 1999 - 2013 là khẳng định thương hiệu. Từ 2014 là tăng tốc phát triển.

KIM YẾN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/nhan-vat/bizstory-chu-tich-lua-viet-tour-nguyen-van-my-toi-tin-vao-le-phai-va-luat-nhan-qua-3465235.html