Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá - ông là ai?

Bóng đá Việt Nam sau thành công vang dội của tuyển U.23 lại đang chờ một vị Chủ tịch mới. Đại hội Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) lần thứ VIII đã sẵn sàng tổ chức vào tháng 4 năm nay nhưng có vẻ ghế Chủ tịch VFF thì chưa. Mặc dù, tin từ hậu trường cho thấy, cuộc chạy đua cũng đến hồi… quyết liệt.

Thành công của bóng đá Việt cần một Chủ tịch có bản lĩnh, không vụ lợi và hết mình vì sự phát triển chung.Ảnh: THỦY ĐẶNG

Tiêu chí cho Chủ tịch VFF - một tiêu chí… tù mù

Làm Chủ tịch VFF dễ hay khó? Nó còn tùy cách tiếp cận. Đôi khi không cần là “dân bóng đá” cũng có thể làm được Chủ tịch VFF như ông Đoàn Xê - vị Chủ tịch đầu tiên - thực ra là lãnh đạo ngành… đường sắt. Hay một chủ tịch khác, hồi khóa 3, cách đây gần 20 năm là nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, nguyên Trưởng ban Tổ chức T.Ư Hồ Đức Việt, hay sau đó là ông Mai Liêm Trực - lãnh đạo ngành truyền thông.

Thậm chí, vị chủ tịch hai khóa liền là Nguyễn Trọng Hỷ thực chất là dân… bóng chuyền dù từng giữ chức Thứ trưởng Bộ VHTTDL. Hoặc người đang giữ chức Chủ tịch VFF hiện nay, ông Lê Hùng Dũng, lại là một doanh nhân, từng là Chủ tịch HĐQT ngân hàng Eximbank.

Vậy thì để làm Chủ tịch VFF thì cần những yếu tố nào? Bây giờ, khi chọn chủ tịch, VFF đã đưa ra một loạt các tiêu chí để các CLB căn cứ vào đó đề cử:

Tiêu chí thứ nhất: Có phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết với sự phát triển của bóng đá Việt Nam.

Tiêu chí thứ hai: Am hiểu sâu sắc về bóng đá, có tư duy ở tầm chiến lược, có tư tưởng cải cách, đổi mới hoạt động bóng đá, phù hợp với tình hình mới, có kinh nghiệm trong lĩnh vực đối ngoại, trình độ cử nhân trở lên.

Tiêu chí thứ ba: Là cán bộ cấp cao, hoặc có kinh nghiệm quản lý, chỉ đạo tổ chức điều hành các cơ quan, tổ chức lớn.

Tiêu chí thứ tư: Có uy tín cao trong xã hội và giới chuyên môn, những người hoạt động về nghề nghiệp bóng đá để có thể tập hợp, phát huy năng lực của ủy viên BCH, các tổ chức thành viên, huy động được đông đảo các lực lượng xã hội tham gia, hỗ trợ phát triển bóng đá Việt Nam bền vững.

Thoạt nghe thì tưởng rằng các tiêu chí này rất đầy đủ. Thực tế thì quá tù mù, bởi đa số là định tính, không hề có định lượng. Đánh giá một con người vào một chức vụ được cả xã hội quan tâm mà quá ít chỉ số định lượng nào, đá số cảm tính thì sẽ cho ra hai trường hợp: Hoặc là ai cũng có thể làm Chủ tịch VFF, hoặc là… không ai cả!

Chuyên môn cao, doanh nhân hay nhà chính trị?

Hầu hết các cuộc tuyển chọn lãnh đạo VFF đều bị lấn cấn bởi câu chuyện là vị chủ tịch sẽ thuộc về lĩnh vực nào: Chuyên môn cao, doanh nhân hay nhà chính trị.

Rất khó tìm ra được nhân tố đáp ứng đủ cả, trong khi nếu chỉ “định vị” ở một yếu tố thì không đủ. Tuy nhiên, ngay cả các tổ chức bóng đá uy tín trên thế giới, họ cũng phải chọn theo xu thế riêng.

Chẳng hạn, ông Chủ tịch FIFA Gianni Infantino xuất thân là một luật sư và cũng là người Thụy Sĩ như người tiền nhiệm Sepp Blatter. Lợi thế của Gianni Infantino cũng “y hệt” như Blatter là có thời gian dài làm Tổng Thư ký FIFA, một dạng CEO bóng đá. Yếu tố có phần mang tính chuyên môn này giúp ông đánh bại được các ứng viên Sheikh Salman (Bahrain), Ali bin al-Hussein (Jordan) dòng dõi hoàng gia có yếu tố doanh nhân và Tokyo Sexwale - nhà chính trị người Nam Phi.

Rõ ràng hơn, tính chuyên môn thể hiện ở Chủ tịch FIFA Platini - một cầu thủ huyền thoại của Pháp.

Nhưng điều hành một tổ chức xuyên biên giới như FIFA hay UEFA khác với điều hành bóng đá một quốc gia - nơi bị tác động với yếu tố chính trị, kinh tế trước khi tác động đến chuyên môn.

Việc các chính trị gia tham dự vào bóng đá không phải là ít nhưng coi chừng bị FIFA “tuýt còi” khi vi phạm nguyên tắc chính quyền không tham gia vào điều hành bóng đá, nhất là khi chủ tịch liên đoàn, vừa là nhà chính trị.

Vậy thì sẽ chọn ai? Một số người làm bóng đá thì quy định ngắn gọn: “Ai cũng được, miễn là… hiền và biết kiếm tiền!”.

Hóa ra, “hiền” cũng nên là một tiêu chí và kiếm tiền, tất nhiên, quá cần thiết bởi bóng đá chuyên nghiệp hóa phải trở thành một ngành công nghiệp giải trí kiếm ra tiền. Không kiếm được tiền cho bóng đá là một thất bại. Nhưng kiếm tiền chỉ là giải pháp mang tính “con cá”, bóng đá Việt Nam cần cái “cần câu”. Vậy thì yếu tố “biết kiếm tiền” phải bao gồm có đủ khả năng kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia tài trợ cho nền bóng đá, có chiến lược để bóng đá từ cấp CLB trở lên đều có lợi nhuận.

Tất nhiên, với đặc thù Việt Nam thì cần có những yếu tố: Có uy tín để loại trừ tiêu cực trong bóng đá; Có ảnh hưởng tới AFF, AFC; Có “tiếng nói” với các CLB.

Thành công của bóng đá Việt cần một chủ tịch có bản lĩnh, không vụ lợi và hết mình vì sự phát triển chung. Ảnh: T.Đ

Tại sao không tổ chức “thi tuyển” Chủ tịch VFF?

Trong một thời gian dài, khi đi tìm vị trí Chủ tịch VFF, bóng đá Việt Nam dùng “mệnh lệnh hành chính”, nghĩa là chọn một người rồi “thả dù” vào chức vụ chủ tịch. Nói như nhà báo Nguyễn Lưu: “Tôi nghĩ việc bầu Chủ tịch VFF suốt bảy nhiệm kỳ qua chúng ta thực hiện kiểu chỉ định thầu chứ không phải đấu thầu công khai”.

Hoặc ở một trạng thái khác là có phần dễ dãi: Cho phép… hứa, cứ làm đi rồi không làm được cũng… không sao. Đó là trường hợp Chủ tịch VFF đương nhiệm Lê Hùng Dũng. Ngay sau khi nhận chức Chủ tịch VFF khóa 7 cách đây tròn 4 năm, ông Lê Hùng Dũng đã đưa ra mục tiêu của mình trong năm đầu tiên là sẽ giúp cho VFF mỗi năm kiếm về số tiền lên đến 383 tỉ đồng, tương đương với 18,2 triệu USD. Thế nhưng 4 năm trôi qua, cũng chẳng ai ngồi đếm là cả nhiệm kỳ VFF kiếm được bao nhiêu trong số 383 tỉ đồng kia hay chỉ là nói “cho vui”.

Vậy với “ghế chủ tịch”, VFF không mạnh dạn “thi tuyển”. Các địa phương hiện nay đang thi tuyển lãnh đạo cấp sở rầm rộ, các cơ quan Trung ương cũng đã thi tuyển ở cấp vụ. Tại sao bóng đá lại không?

Đề thi cũng không phải là quá khó, nó chính là bản “Chương trình hành động” của ứng viên Chủ tịch VFF phải được công khai trước đại hội, có các bộ phận chức năng thẩm định, đánh giá tính khả thi và khả năng phát triển. Bên cạnh đó, ứng viên phải có cam kết về những chỉ số về tiền, về sự phát triển, về các mục tiêu trong chương trình hành động, cứ mỗi năm đánh giá lại, nếu không hoàn thành thì thay thế!

Hiện nay, theo một số thông tin thì ứng cử chủ tịch có 4 người: Cấn Văn Nghĩa - nguyên Giám đốc Khu LHTTQG Mỹ Đình, Trần Quốc Tuấn - đương kim PCT Thường trực VFF, Nguyễn Công Khế - nguyên TBT Báo Thanh Niên và ông Lê Quý Phượng - Giám đốc Trung tâm TDTT 2.

Vị trí phó chủ tịch phụ trách truyền thông có: ông Xuân Gụ - đương kim PCT VFF, ông Nguyễn Lân Trung - nguyên PCT VFF phụ trách truyền thông, ông Nguyễn Văn Phú - TBT Báo Bóng Đá và Cao Văn Chóng - nguyên TGĐ VPF.

Những cái tên đã có, nhưng tính thuyết phục chưa cao. Cần thi tuyển để ứng viên không được chọn cũng “tâm phục khẩu phục”.

Tất nhiên, có dám làm không lại phụ thuộc vào bản lĩnh VFF dù một trong những tiêu chí của họ là “có tư tưởng cải cách, đổi mới hoạt động bóng đá, phù hợp với tình hình mới”.

VFF - mạnh mẽ lên.

MINH BẰNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-thao/chu-tich-lien-doan-bong-da-ong-la-ai-592711.ldo