Chủ tịch Huawei bảo vệ Apple: Apple là thầy giáo của tôi

CEO Huawei Nhậm Chính Phi sẽ phản đối Bắc Kinh trả đòn Mỹ, cấm Apple ở Trung Quốc.

Người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi mới trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg, trong đó đề cập đến khả năng Trung Quốc sẽ áp lệnh cấm đối với sản phẩm công nghệ hàng đầu của Mỹ là Apple, hòng trả đũa vụ Washington ra lệnh cấm Huawei ở Mỹ và các nước đồng minh Mỹ.

CEO Huawei Nhậm Chính Phi.

CEO Huawei Nhậm Chính Phi.

Theo đó, vị CEO Nhậm Chính Phi đã ví von Apple là "người thầy" của Huawei và nếu Chính phủ Trung Quốc có ý định đáp trả gã khổng lồ công nghệ Apple, dù điều đó rất khó xảy ra, thì Huawei cũng là người đầu tiên phản đối ý định này.

“Trước hết, điều đó sẽ không xảy ra. Thứ hai, nếu nó xảy ra, tôi sẽ là người phản đối đầu tiên.

Apple là công ty đi đầu thế giới. Nếu không có Apple, sẽ không có internet di động. Nếu không có Apple giúp chúng ta nhìn thế giới, chúng ta sẽ không thấy vẻ đẹp của thế giới này.

Apple là thầy giáo của tôi. Họ đi trước chúng tôi. Là một học sinh, làm sao tôi lại phản đối thầy giáo của mình? Tôi sẽ không bao giờ làm việc đó” – ông Nhậm Chính Phi nói trong bài phỏng vấn.

Ông Nhậm thừa nhận rằng việc kiềm chế xuất khẩu từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thay đổi vị trí dẫn đầu do Huawei xây dựng suốt 2 năm qua. Nhưng hiện nay, Huawei vẫn đang tăng cường cung cấp chip hoặc tìm kiếm giải pháp thay thế cho điện thoại di động thông minh và thiết bị mạng 5G.

Cách CEO của Huawei phản ứng về khả năng Trung Quốc trả đũa Mỹ khá khôn khéo. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn tỏ thái độ kiềm chế với hàng loạt động thái gây hấn của Washington, bao gồm cả lệnh cấm sản phẩm của Huawei xuất hiện tại Mỹ, đồng thời lôi kéo đồng minh từ chối các dự án hạ tầng 5G của Huawei.

Cho đến nay, các quan chức cấp cao của Trung Quốc vẫn kiềm chế đưa ra những phát ngôn mang tính đối đầu với Mỹ trước công chúng. Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải ngày 21/5 chia sẻ với Fox News rằng Bắc Kinh vẫn để ngỏ khả năng đối thoại với Washington.

Nhà ngoại giao Trung Quốc tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Pakistan đăng bức ảnh logo của Huawei được xếp từ quả táo (Apple) kèm một con dao sắc, ẩn ý mối quan hệ phụ thuộc của Apple và Huawei.

Dẫu vậy, khả năng hai bên tiến hành đối thoại trở lại là rất khó đoán. Trung Quốc vừa công bố bản dự luật an ninh mạng trực tuyến để lấy ý kiến người dân cho đến hết 24/6, theo South China Morning Post.

Dự luật mới của Trung Quốc nhấn mạnh, công nghệ cần “an toàn và có thể kiểm soát” trong các cơ sở hạ tầng dữ liệu quan trọng của đất nước.

Trong tài liệu dự thảo Giải pháp An ninh Mạng nói trên, Cơ quan quản lý an ninh mạng Trung Quốc quy định các nhà điều hành cơ sở hạ tầng thông tin trọng yếu quốc gia, bao gồm các mạng viễn thông lớn và dịch vụ cung cấp tài chính, cần phải đánh giá kỹ lưỡng các nguy cơ về mặt an ninh quốc gia khi mua các sản phẩm và dịch vụ của nước ngoài.

Động thái này từ Bắc Kinh làm dấy lên đồn đoán luật này có thể được sử dụng như một “công cụ trả đũa” cấm các công ty công nghệ của Mỹ với lý do liên quan đến an ninh quốc gia.

Mối lo an ninh quốc gia luôn là cái cớ để Washington chỉ trích Huawei. Các nhà lập pháp nước này luôn cáo buộc Huawei có mối quan hệ mờ ám với Chính phủ Trung Quốc và các sản phẩm của công ty có thể được dùng với mục đích gián điệp.

Sắc lệnh được Tổng thống Mỹ ký thông qua hồi đầu tháng 5 yêu cầu các cơ quan liên bang của Chính phủ Mỹ không được mua các sản phẩm của công ty này do lo ngại về an ninh quốc gia.

Mỹ cũng đưa Huawei vào "danh sách đen" trừng phạt, ngăn cho các công ty Mỹ và các tập đoàn sử dụng công nghệ Mỹ cung cấp linh kiện cho đối tác Trung Quốc.

Sau khi ban hành thông báo, hàng loạt công ty lớn tại Mỹ như Google, Qualcomm, Intel… tuyên bố chấm dứt hoạt động chuyển giao linh kiện và giấy phép hợp tác cho Huawei.

Mới đây, Công ty thông tin di động đa quốc gia của Anh- UK Vodafone đã dừng giới thiệu sản phẩm mới của Huawei, Tập đoàn Panasonic của Nhật Bản thông báo sẽ xem xét lại quan hệ với Huawei trong khi Amazon Nhật Bản cũng ngừng bán điện thoại di động, máy tính bảng của Huawei.

Các động thái đáp trả của Trung Quốc đối với Apple có thể khiến doanh thu của hãng công nghệ hàng đầu nước Mỹ mất đi 1/3 doanh thu bởi thị trường Trung Quốc là thị trường chiến lược của hãng này.

Chuyên gia phân tích Rod Hall của Goldman Sachs cho hay, thị trường Trung Quốc chiếm tới 17% tổng doanh thu của Apple. Trong đó với phân khúc các thiết bị cao cấp với lợi nhuận cao, bao gồm cả các thiết bị iPhone thì thị trường Trung Quốc chiếm tới 29% tổng lợi nhuận.

Một khi Trung Quốc áp đặt lệnh cấm với Apple tương tự như cách Mỹ ra lệnh cấm với Huawei, Apple sẽ mất đi 15 tỷ USD lợi nhuận mỗi năm tới từ thị trường tỉ dân.

Kim Hoa

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/chu-tich-huawei-bao-ve-apple-apple-la-thay-giao-cua-toi-3380796/