Chủ tịch Hồ Chí Minh với kiều bào

Trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc, đặc biệt đối với kiều bào, những người con của Tổ quốc phải sống xa quê hương, tình cảm của Bác Hồ vô cùng sâu đậm, thân thương.

Bác Hồ với kiều bào Thái Lan. Ảnh: Tư liệu

Đầu năm 1946, trong thư chúc Tết kiều bào, Bác đã đánh giá rất cao tấm lòng của kiều bào tuy ở nơi đất khách, quê người nhưng vẫn yêu mến cố hương, luôn hướng về Tổ quốc. Bác khẳng định: “Tổ quốc và Chính phủ cũng luôn luôn nhớ thương các đồng bào, như bố mẹ thương nhớ những người con đi vắng. Đó là nhân tâm thiên lý, đó là tình nghĩa một nhà”.

Sự quan tâm của Bác với kiều bào không chỉ thể hiện ở những định hướng lớn của Người về việc tổ chức, xây dựng phong trào yêu nước của kiều bào những ngày đầu cách mạng mà cả trong những công việc cụ thể, thường xuyên và liên tục trong suốt quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam. Với bà con xa xứ, Bác sử dụng 2 chữ “kiều bào” - theo bà con - “nghe sao mang nặng ân tình”. Tư tưởng của Bác, câu nói của Bác với bà con kiều bào khơi dậy trong lòng mọi người một niềm tin mãnh liệt về Tổ quốc ta sẽ tươi sáng hơn, tốt đẹp hơn. Với người xa xứ, dù ở bất cứ nơi nào, trong huyết quản của họ cũng vĩnh viễn là dòng máu đỏ, da vàng nước Việt.

Không quên lễ nghĩa, phong tục xưa, nhưng Bác Hồ lại tìm cách làm cho phong tục xưa đó phù hợp cuộc sống hiện đại chứ không nệ cổ. Bác đã sáng tạo nên tục lệ mới như năm nào cũng có thư và thơ chúc Tết đồng bào, bắt đầu từ năm 1946, Tết Bính Tuất - khi Bác là Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nhà viết kịch Học Phi kể lại: Đêm giao thừa năm ấy, tại nhà bác sĩ Nguyễn Văn Luyện, một số trí thức Việt kiều ở Pháp về họp mặt đón Xuân. Tiếng còi thành phố vang lên, pháo nổ giòn giã, bác sĩ Luyện mở radio “nghe cụ Hồ Chí Minh chúc Tết”. Giọng nói ấm áp của Bác đã đọc thư chúc Tết tới đồng bào trong nước và kiều bào ở nước ngoài. Bức thư kết thúc bằng 2 câu thơ lục bát: “Tết này ta tạm xa nhau/Chắc rằng ta sẽ Tết sau sum vầy”. Bác sĩ Luyện nói: “Từ khi biết làm người, chưa bao giờ tôi được nghe một vị nguyên thủ quốc gia chúc Tết dân…”.

Từ đó, vào dịp Tết, Bác luôn có kế hoạch đi thăm và chúc Tết một số gia đình đồng bào ở Hà Nội. Năm 1963, gia đình ông Phạm Văn Công - Việt kiều mới về nước năm 1961 đã được Bác Hồ tới thăm chúc Tết nhân dịp Tết Quý Mão. Đây là bất ngờ lớn đối với gia đình ông. Chiều 30 Tết, gia đình quét dọn, treo ảnh Bác, trang trí nhà cửa để đón giao thừa. Sau bữa cơm chiều, tiếng ô tô đỗ ngoài đường và tiếng nhiều người nói lao xao, tiếng chân bước đi vào ngõ rồi “Bác Hồ thật” tươi cười, nhanh nhẹn bước vào. Bà Công bàng hoàng thốt ra lời nói mộc mạc “Ối giời ơi! Có phải là Bác Hồ không? Bao nhiêu năm chúng con mong mỏi Bác mà…”. Bác hiền từ, chậm rãi nói một cách bình dị như để xóa bớt đi nỗi xúc động, ngỡ ngàng trong lòng ông bà Công. Bác hỏi thăm đã đi đâu, chuẩn bị Tết ra sao, có bánh chưng không, hỏi chuyện bà con Việt kiều về nước… Không khí buổi gặp vị Chủ tịch nước ấm cúng như trong gia đình.

Đối với kiều bào Việt Nam, dù xa cách bao lâu, dù ở đâu, mọi người vẫn luôn hướng về Tổ quốc, mong được trở về góp phần tham gia xây dựng đất nước. Vì điều đặc biệt đó, nên sự quan tâm sâu đậm của Bác với kiều bào đã đặt cơ sở cho việc hình thành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với kiều bào trong nửa thế kỷ qua.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tại chương trình “Xuân quê hương 2018” đã đánh giá “đóng góp của kiều bào ta là vô cùng lớn và không thể đong đếm được”. Kiều bào ta ngày càng có xu hướng trở về nước, không những vì mục đích thăm thân nhân mà còn là đầu tư kinh doanh, góp rất nhiều vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Ông Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài nhận định: “Bản thân sự lớn mạnh của cộng đồng ta ở nước ngoài, cùng với sự phát triển trong nước đã khuyến khích, khơi dậy lòng tự tôn, tự hào dân tộc để trở về quê hương” của kiều bào.

Hiện nay có gần 3.000 DN của người Việt Nam ở nước ngoài đang đầu tư trên cả nước, với tổng số vốn khoảng 4 tỷ USD. Lượng kiều hối gửi về nước năm 2018 là 15,9 tỷ USD, tương đương 6,6% GDP cả nước. Số chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động và công tác ở Việt Nam duy trì ở mức 300 lượt người/năm. Nhiều kiều bào là doanh nhân, nhà khoa học đã đem lại sự mới mẻ, đột phá cho Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.

Chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, như lời dạy của Bác Hồ: Bà con người Việt ở nước ngoài là bộ phận máu thịt không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam; luôn mơ ước mọi người dân Việt Nam có cuộc sống tốt đẹp hơn, luôn song hành cùng các quốc gia giàu mạnh trên thế giới.

ĐỖ NGUYỆT HƯƠNG

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/chinh-tri/201901/chu-tich-ho-chi-minh-voi-kieu-bao-837361/