Chủ tịch Hồ Chí Minh với Hội nhập kinh tế quốc tế: Tầm nhìn xa của bậc vĩ nhân thế kỷ

Đã tròn 50 năm (1969 - 2019) ngày Hồ Chủ tịch đi xa. Song, đọc lại những di cảo của Người vẫn nóng hổi tính thời sự cả ở những lĩnh vực mà nhiều người không ngờ tới. Đó là tinh thần hội nhập kinh tế quốc tế của Danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh.

Có thể nói, ngay từ những ngày đầu tham gia Quốc tế Cộng sản, Nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc đã nêu cao tinh thần hữu nghị và hòa hợp. Người mong muốn làm bạn với tất cả các quốc gia trên thế giới bởi Người xác định: "Xét về nguyên tắc, tiến bộ chung phụ thuộc vào việc phát triển chủ nghĩa quốc tế và văn minh chỉ có lợi khi các quan hệ quốc tế được mở rộng và tăng cường".

Người hiểu sâu sắc rằng, Việt Nam không thể không cần đến sự giúp đỡ của các cường quốc khoa học, kỹ thuật và kinh tế. Muốn "diệt giặc đói", "diệt giặc ngoại xâm" thì phải "diệt giặc dốt".

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Ba Lan (1957) Ảnh: Tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Ba Lan (1957) Ảnh: Tư liệu

Vì thế, ngày 1-11-1945, Hồ Chủ tịch đã gửi thư tới Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ đề nghị Hoa Kỳ tiếp nhận 50 thanh niên Việt Nam sang học tập; một mặt tranh thủ sự ủng hộ của nước này, một mặt, xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác với niềm "tha thiết mong muốn tạo được mối quan hệ với nhân dân Mỹ là những người mà lập trường cao quý đối với những ý tưởng cao thượng về công lý và nhân bản quốc tế và những thành tựu kỹ thuật hiện đại của họ đã có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với giới trí thức Việt Nam". Cũng vào thời điểm này, khi trả lời các nhà báo về vấn đề mở cửa hợp tác kinh tế của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Hồ Chủ tịch khẳng định: "Có thể rằng: chúng ta hoan nghênh những người Pháp muốn đem tư bản vào xứ ta khai thác những nguồn nguyên liệu chưa có ai khai thác. Có thể rằng: chúng ta sẽ mời những nhà chuyên môn Pháp, cũng như Mỹ, Nga hay Tàu, đến đây giúp việc cho chúng ta trong cuộc kiến thiết quốc gia".

Năm 1946, trong thư gửi Liên Hợp quốc, Người "sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực như đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình. Mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế. Chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên Hợp quốc".

Trong công cuộc chấn hưng đất nước và xây dựng đất nước, Người chủ trương: "Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình".

Năm 1955, sau chuyến thăm Liên Xô, Trung Quốc và Mông Cổ, Hồ Chủ tịch tiếp tục khẳng định: "Các nước bạn giúp ta để hàn gắn mau chóng những vết thương chiến tranh; để tăng gia sản xuất về nông nghiệp, công nghiệp và để phát triển thương nghiệp; để khôi phục và phát triển kinh tế và văn hóa; để ta dần dần nâng cao đời sống của nhân dân ta". 4 năm sau (1959), trả lời báo chí về quan hệ của Việt Nam với các nước tư bản, trong đó có Nhật Bản, Hồ Chí Minh tiếp tục nhấn mạnh: "Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc cần mở rộng công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp để nâng cao sức sản xuất và cải thiện đời sống của nhân dân. Chúng tôi cần nhiều dụng cụ, máy móc và hàng hóa của các nước, trong đó tất nhiên kể cả nước Nhật Bản. Và chúng tôi có thể cung cấp cho những nước ấy lương thực, cây công nghiệp và khoáng sản. Quan hệ buôn bán giữa nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Nhật Bản, nếu được cải thiện, có nhiều triển vọng tốt đẹp, có lợi cho nhân dân cả hai nước".

Chỉ bấy nhiêu thôi đã thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng, hướng tới tương lai của một bậc vĩ nhân có tầm nhìn thế kỷ.

Đã 50 năm ngày Hồ Chủ tịch đi xa, song di huấn của Người về tinh thần hội nhập kinh tế quốc tế vẫn còn nóng bỏng tính thời sự của hôm nay.

Từ rất nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã và đang nỗ lực hết sức để thực hiện di huấn của Người.

Việt Nam giờ đây là bạn của tất cả các nền kinh tế mà không có bất cứ sự phân biệt nào. Chúng ta cũng đã và sẵn sàng tham gia tất cả các tổ chức kinh tế thế giới trên tinh thần "Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi" như lời Người căn dặn.

(Tài liệu sử dụng được trích từ Hồ Chí Minh toàn tập)

Bùi Hoàng Tám

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chu-tich-ho-chi-minh-voi-hoi-nhap-kinh-te-quoc-te-tam-nhin-xa-cua-bac-vi-nhan-the-ky-115284.html