Chủ tịch Hồ Chí Minh và những di sản mãi mãi vẹn nguyên

Nghị quyết của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) đã khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập, dân chủ, tiến bộ xã hội và có những đóng góp quan trọng về nhiều mặt trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, nghệ thuật.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với thiếu nhi Liên Xô tại Trại hè Quốc tế Artek bên bờ Biển Đen, trên bán đảo Crimea, ngày 23/8/1957. (Ảnh: TASS/TTXVN)

Chủ tịch Hồ Chí Minh với thiếu nhi Liên Xô tại Trại hè Quốc tế Artek bên bờ Biển Đen, trên bán đảo Crimea, ngày 23/8/1957. (Ảnh: TASS/TTXVN)

Ảnh hưởng của Người vượt ra khỏi biên giới đất nước

Năm 1987, Đại hội đồng UNESCO đã thông qua Nghị quyết số 24C/18.65 về kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôn vinh Người là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”. Nghị quyết khẳng định Người “là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau”.

Tại Lễ kỷ niệm 35 năm UNESCO ra Nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, diễn ra tháng 9/2022, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay gọi việc UNESCO thông qua Nghị quyết số 24C/18.65 là “quyết định lịch sử” của tổ chức này. Theo Tổng Giám đốc UNESCO, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người khai sinh ra nước Việt Nam trong thời kỳ đầu độc lập mà ảnh hưởng của Người còn vượt ra xa khỏi biên giới đất nước.

Trong suốt cuộc đời, Người đã duy trì mối quan hệ rất chặt chẽ, kết nối với nhiều nền văn hóa khắp nơi trên thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa giáo dục, văn hóa - những giá trị nền tảng của UNESCO, trở thành trọng tâm trong cuộc đời cũng như sự nghiệp chính trị của mình.

Nhấn mạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh có một tầm nhìn sâu rộng và đúng đắn về văn hóa, giáo dục, bình đẳng giới…, bà Azoulay khẳng định, những di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh chắc chắn đã đóng góp vào một Việt Nam hiện đại, rất coi trọng văn hóa, giáo dục trong những chính sách phát triển ngày nay.

Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên là người đã trực tiếp chỉ đạo và tham gia vào quá trình xây dựng, đệ trình để UNESCO thông qua nghị quyết vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại Hội thảo quốc tế “Di sản Hồ Chí Minh đối với nhân loại”, nhà ngoại giao kỳ cựu kể lại: năm 1987, ông được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng giao trọng trách làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, được chỉ định là Trưởng đoàn Việt Nam đi dự khóa họp lần thứ 24 của Đại hội đồng UNESCO (diễn ra từ ngày 20/10 đến ngày 20/11/1987).

“Khi nhận nhiệm vụ trước các Lãnh đạo cấp cao, chúng tôi quyết tâm phải làm sao để Chủ tịch Hồ Chí Minh được UNESCO tôn vinh với đa số tuyệt đối. Quyết tâm như vậy nhưng thực sự trong lòng rất lo, không biết có thể làm được hay không vì vào thời điểm năm 1987, Việt Nam đang trong giai đoạn hết sức khó khăn”, ông Nguyễn Dy Niên nhớ lại.

Kho báu thể hiện sự giàu có và trí tuệ của dân tộc Việt Nam

Tại Paris, ông Nguyễn Dy Niên đã gặp Tổng Giám đốc UNESCO lúc bấy giờ là ông Amadou-Mahtar M'Bow - nguyên Thủ tướng Sénégal, một người rất có cảm tình với Việt Nam. “Khi gặp nhau, nhìn thấy vẻ tư lự, lo nghĩ của tôi, ông ấy nói ngay rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh không những là lãnh tụ của Việt Nam mà còn là lãnh tụ của nhân dân các nước đang đấu tranh cho hòa bình và chiến đấu cho độc lập, tự do. Cho nên, ông đừng lo, các nước Á, Phi, Mỹ Latinh sẽ ủng hộ Việt Nam”, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên bồi hồi nhớ lại.

Lời động viên, cổ vũ đó của Tổng Giám đốc UNESCO đã khiến ông Nguyễn Dy Niên rất phấn chấn. Đúng như lời ông Tổng Giám đốc M'Bow nói, các nước hết sức có cảm tình với Việt Nam và đặc biệt rất tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Một đại biểu đến từ châu Phi nói với tôi rằng chúng tôi phải cảm ơn Việt Nam, cảm ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vì nếu các bạn không chiến đấu thắng lợi thì chúng tôi hôm nay không thể ngồi cùng với các nước tại diễn đàn này. Câu nói đó làm chúng tôi hết sức xúc động và tin tưởng vào sự ủng hộ rất mạnh mẽ tại hội nghị”, nguyên Trưởng đoàn Việt Nam dự khóa họp lần thứ 24 của Đại hội đồng UNESCO cho hay.

Kết quả là, Nghị quyết 24C/18.65 tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh được đưa ra đã được tuyệt đại đa số đại biểu ủng hộ, không có phiếu chống, không có phiếu trắng. Ông Nguyễn Dy Niên khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một di sản vô cùng to lớn và sự mến mộ đặc biệt của nhân dân thế giới. “Di sản Hồ Chí Minh là kho báu để chúng ta thể hiện sự giàu có và trí tuệ của dân tộc Việt Nam và của cả nhân loại”, ông nói.

Năm 2022, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật đã ra mắt cuốn sách song ngữ Việt - Anh có tên “Tình cảm của nhân dân thế giới với Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết lời tựa cho cuốn sách. Trong đó, Tổng Bí thư khẳng định, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Người là kết tinh rạng ngời của đạo đức, trí tuệ, khí phách, lương tri và phẩm giá con người của dân tộc và thời đại.

“Rất hiếm người trở thành một huyền thoại ngay từ lúc còn sống như Chủ tịch Hồ Chí Minh và khi Bác Hồ đã ra đi, tên tuổi và sự nghiệp của Người trường tồn với non sông đất nước, sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam và trong trái tim nhân loại. Người để lại một di sản tư tưởng vô cùng quý báu, mãi mãi nguyên vẹn những giá trị to lớn mang tính thời đại, một tấm gương đạo đức, phong cách, lối sống sáng ngời”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ.

Hà Dung

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/chu-tich-ho-chi-minh-va-nhung-di-san-mai-mai-ven-nguyen-post475655.html