Chủ tịch HĐQT Công ty Hoa Tháng Năm không đồng ý với cáo trạng

Chiều 16-9, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ sai phạm trong giao đất, cho thuê đất tại khu 'đất vàng' 8-12 đường Lê Duẩn (quận 1 TPHCM) tiếp tục phần thẩm vấn. Trả lời câu hỏi của hội đồng xét xử, bị cáo Lê Thị Thanh Thúy (Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm) cho biết có đủ khả năng tài chính tham gia đầu tư vào dự án tại khu đất 8-12 đường Lê Duẩn. Sau khi được UBND TPHCM chấp thuận cho tham gia dự án, bà và gia đình đã nộp gần 650 tỷ đồng – là tiền thuê đất tại mặt bằng trên theo giá được UBND TPHCM phê duyệt.

Bị cáo Thúy trình bày thêm, trước đó bị cáo gặp ông Lê Hoàng Quân (vào thời điểm đó là Chủ tịch UBND TPHCM) nêu nguyện vọng xây dựng khách sạn 5 sao tại TPHCM. Ông Quân nói bị cáo có thể gặp bà Nguyễn Thị Thu Thủy (nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV quản lý kinh doanh nhà TPHCM, đã bỏ trốn, hiện đang bị truy nã) xem có dự án nào hay không. Khi gặp bà Thủy, bị cáo được giới thiệu dự án trên.

- Hội đồng xét xử đặt câu hỏi: Theo bị cáo, Công ty Hoa Tháng Năm có được tham gia vào dự án không?

- Bị cáo Thúy trả lời: Công ty Hoa Tháng Năm có thể mua cổ phần công ty khác, tham gia cùng thực hiện dự án.

Bị cáo Thúy khai rằng không rành về thủ tục pháp lý liên quan đến triển khai dự án, vì vậy khi gặp bà Thủy, thấy bà Thủy giỏi nên bị cao rất tin tưởng và phụ thuộc vào các hướng dẫn của bà Thủy.

Về mối quan hệ với bị cáo Nguyễn Thành Tài, bị cáo Thúy khai: “Ông Tài có mối quan hệ khá thân thiết với các thành viên trong gia đình bị cáo”.

Từ những lời trình bày, bị cáo Thúy không đồng ý với nội dung quy kết của cáo trạng.

Bị cáo Lê Thị Thanh Thúy tại phiên tòa. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Bị cáo Lê Thị Thanh Thúy tại phiên tòa. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Cáo trạng của Viện KSND Tối cao xác định: trên cơ sở chỉ đạo của bị cáo Nguyễn Thành Tài (nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM), bị cáo Trương Văn Út (nguyên Phó Trưởng Phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM) dự thảo Tờ trình để bị cáo Nguyễn Hoài Nam (nguyên Bí thư Quận ủy quận 2, vào thời điểm xảy ra vụ án giữ chức Trưởng Phòng Quy hoạch sử dụng đất, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM) duyệt, trình bị cáo Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM) ký ban hành Công văn số 3426/TNMT-QHSDĐ ngày 10-6-2011. Theo công văn này, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đề xuất cho Công ty Lavenue được áp dụng hai hình thức giao đất và cho thuê đất chỉ định, không qua đấu giá quyền sử dụng đất đối với khu nhà đất số 8-12 đường Lê Duẩn.

Các bị cáo nghe tòa công bố cáo trạng (ảnh chụp qua màn hình). Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Đề xuất này trái với quy định tại điểm a khoản 3 và khoản 4 Điều 1 Quyết định số 140/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; điểm d khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai năm 2003, kèm theo dự thảo Quyết định về việc giao đất và cho thuê đất tại khu đất số 8-12 đường Lê Duẩn (dự thảo Quyết định số 3030/QĐ-UBND ngày 14-6-2011). Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của hội đồng xét xử, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho rằng đề xuất này phù hợp với quy định của Luật Đất đai, với lời lý giải: khu đất 8-12 Lê Duẩn gồm hai mảnh đất có diện tích khác nhau nên có thể áp dụng hai hình thức giao đất, cho thuê đất trong cùng một dự án.

Đối với câu hỏi “Theo quy định, Công ty Lavenue có được tham gia dự án?”, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM xác nhận: nếu xét theo đúng quy định thì không được. Tương tự, đại diện Ban Chỉ đạo sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước tại TPHCM (Ban chỉ đạo 09) cũng thừa nhận việc UBND TPHCM cho Công ty Lavenue tham gia thực hiện dự án không đúng với Quyết định 09/2007/QĐ-TTg ngày 19-1-2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước.

Theo cáo trạng, trên cơ sở chấp thuận của bị cáo Nguyễn Thành Tài, ngày 10-9-2010, Công ty Lavenue được thành lập, vốn điều lệ 100 tỷ đồng, người đại diện theo pháp luật là Lê Thị Thanh Thúy, Chủ tịch HĐQT; các cổ đông gồm Công ty Quản lý kinh doanh nhà góp 20% vốn, Công ty Hoa Tháng Năm góp 30%, 4 công ty thuê đất góp 50% (mỗi công ty góp 12,5%). Ngày 29-10-2010, 4 công ty thuê đất chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Công ty Lavenue cho Công ty Kido với tổng trị giá 250 tỷ đồng. Hội đồng xét xử hỏi đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM về việc cấp giấy phép đăng ký kinh doanh lần 1 cho Công ty Lavenue, và việc 4 công ty thuê đất chuyển nhượng cổ phần (tương đương 50% vốn tại Công ty Lavenue) cho Công ty Kido căn cứ vào đâu. Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM trả lời: theo quy định, doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, trung thực, chính xác, cơ quan cấp giấy phép đăng ký kinh doanh không được yêu cầu doanh nghiệp nộp thêm giấy tờ gì.

Về việc cơ quan điều tra kê biên một số tài sản của các bị cáo, bị cáo Thúy cho biết không đồng ý với việc kê biên 2 nhà đất của mình ở phường An Phú, quận 2. Bà Nguyễn Ngọc Huệ (vợ bị cáo Đào Anh Kiệt), bà Bùi Ngọc Bạch Phương (vợ bị cáo Nguyễn Hoài Nam) và bà Lê Thị Phương Linh (vợ bị cáo Trương Văn Út) cho biết không đồng ý với việc kê biên trên vì có những nhà đất, căn hộ là tài sản chung của vợ chồng.

Phiên tòa đang tiếp tục phần thẩm vấn.

ÁI CHÂN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/chu-tich-hdqt-cong-ty-hoa-thang-nam-khong-dong-y-voi-cao-trang-685657.html