Chủ tịch HAWA: Công nghệ chế biến gỗ đã 'chạm' đến trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây

Hội thảo chuyên ngành Tư duy lại quy trình sản xuất do Hội Thủ công mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA)phối hợp cùng Công ty Yorkers tổ chức sáng 10.9. Đây là sự kiện đón đầu cho VietnamWood 2019 sẽ diễn ra từ ngày 18 đến 21.9.2019 tại TP.HCM. Chủ tịch HAWA Nguyễn Quốc Khanh đã có tham luận chia sẻ, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố vai trò công nghệ trong sản xuất tạo ra giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Doanh nghiệp đã nhận thấy bức xúc về mặt ứng dụng công nghệ nhưng bài toán đầu tư phải bắt đầu từ đâu? Người Đô Thị Onlne giới thiệu góc nhìn của ông Khanh về xu hướng đang rất thời sự này.

Cách đây 15 năm, tôi có dịp sang Đan Mạch, thăm nhà máy Fritz Hanzen với mẫu ghế nổi tiếng ANT. Chỉ với năm công nhân nhưng có thể sản xuất hơn 2.000 chiếc ghế/ngày. Để làm được điều đó, người điều hành doanh nghiệp (DN) phải tính toán rất kỹ mọi chi phí, nguyên liệu… Đặc biệt là đầu tư một dây chuyền máy móc thiết bị tối ưu, khai thác tối đa khả năng của máy. Tuy nhiên, khi đặt vấn đề, nếu một ngày nào đó, thị trường không đặt hàng sản xuất ghế ấy nữa, nhà máy sẽ ra sao? Câu trả lời là: Đóng cửa!

Chủ tịch HAWA Nguyễn Quốc Khanh cho rằng: "Doanh nghiệp phải giữ thế chủ động trong cuộc chơi công nghệ, không đầu tư theo phong trào. Câu chuyện đầu tư phải bắt đầu từ nhu cầu của chính mình". Ảnh: Quý Hòa

Chủ tịch HAWA Nguyễn Quốc Khanh cho rằng: "Doanh nghiệp phải giữ thế chủ động trong cuộc chơi công nghệ, không đầu tư theo phong trào. Câu chuyện đầu tư phải bắt đầu từ nhu cầu của chính mình". Ảnh: Quý Hòa

Đó là hai mặt của vấn đề. Một, DN đầu tư rất sát với thực tế, khai thác hết toàn bộ nguồn đầu tư. Nhưng mặt còn lại, là khoảng trống trong dự liệu tương lai. Với một thị trường liên tục thay đổi về thị hiếu, đối thủ cạnh cạnh tranh, kinh tế chính trị… nếu không chuẩn bị để có thể linh hoạt thích ứng, khoản đầu tư hiện tại hoàn toàn có thể làm khó DN trong tương lai. Câu chuyện của DN ấy chứa trong nó những thách thức mà hiện nay DN Việt Nam đang gặp phải.

Trong 5 tháng đầu năm 2019, tổng số vốn FDI đầu tư tăng gấp gần 1,2 lần so với đầu tư FDI của cả năm 2018. Trong đó, số dự án FDI mới đầu tư vào ngành gỗ là 49, tương đương 73% số dự án FDI của cả năm 2018. Đặc biệt, chiếm trên 60% trong tổng số dự án đầu tư vào ngành gỗ tại Việt Nam là 32 công ty hoạt động trong mảng chế biến gỗ. Con số này cho thấy thực trạng cạnh tranh trong tương lai rất gần mà DN chế biến gỗ Việt Nam phải đối mặt. Nếu chỉ dừng lại ở mức duy trì khả năng hiện tại thì cũng đã là bàn thua trong những ngày phía trước.

Vừa phải giải quyết những vấn đề nội tại để đảm bảo chất lượng, đáp ứng đơn hàng đang có, vừa phải gia tăng năng suất, chất xám... để có thể giữ và đón khách hàng mới; lại phải linh hoạt để đón đầu những thay đổi trong tương lai, bài toán mà DN chế biến gỗ Việt Nam đang đối mặt không phải là chuyện ngày một ngày hai. Do đó, DN cần có một chiến lược nghiêm túc và hiệu quả. Trước thách thức này, cần có một tầm nhìn mới, một tư duy sâu, trong đó chìa khóa để cùng lúc giải hai bài toán ấy chỉ có thể là đầu tư công nghệ.

Với sự tiến bộ của kỹ thuật sản xuất chính xác, kết hợp các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, robot... công nghệ chế biến gỗ đang tiến đến những bước phát triển đáng ngạc nhiên, mang lại cho DN rất nhiều cơ hội cải tiến chất lượng, kiểm soát tốt tiến độ, giảm sự lệ thuộc vào lao động, bùng nổ sản xuất. Khối DN sản xuất, đặc biệt là DN chế biến gỗ đã nhận thấy bức xúc về mặt ứng dụng công nghệ. Nhưng, bài toán đầu tư, phải bắt đầu từ đâu?

Thứ nhất, DN sẽ phải giữ thế chủ động trong cuộc chơi công nghệ, không đầu tư theo phong trào. Câu chuyện đầu tư phải bắt đầu từ nhu cầu của chính mình. Để hiểu được nhu cầu thực sự, việc nghiêm túc trong công tác nghiên cứu là điều không thể bỏ qua. Nghiên cứu nội tại lẫn nghiên cứu các giải pháp đang có trên thị trường. Công tác tư vấn từ phía nhà cung cấp thiết bị, các đơn vị phân phối cũng như những đơn vị tư vấn chuyên nghiệp đều là nguồn tham khảo đáng quý trước khi quyết định đầu tư. Càng có nhiều thông tin, càng hiểu rõ nhu cầu phát triển của DN trong những năm tới, họ sẽ giải được bài toán đầu tư một cách hiệu quả nhất.

Doanh nghiệp nắm công nghệ càng tốt, dự tính được xa cho quyết định đầu tư của mình thì đó sẽ là lợi thế trong tương lai. Ảnh minh họa.

Bởi dây chuyền sản xuất là một phần của hệ thống, càng kết nối chặt chẽ với nhau, DN càng khai thác thêm được nhiều giá trị. Và năng suất của cả nhà máy sẽ phụ thuộc vào khâu có năng suất thấp nhất. Do đó, quyết định đầu tư thiết bị cần có tư duy cả hệ thống từ kinh doanh, thiết kế, vận hành quản trị, rồi mới ra dây chuyền và trong chuyền cần có sự cân bằng giữa thiết bị mới và cũ. Mua như thế nào để thiết bị mới phù hợp với tổng thể thay vì chỉ một vài đơn vị máy rất tiên tiến về công nghệ nhưng lại không được khai thác tốt công suất.

Tất nhiên, không thể phủ định, đón đầu được công nghệ là một nguồn lực lớn. DN nắm công nghệ càng tốt, dự tính được xa cho quyết định đầu tư của mình thì đó sẽ là lợi thế trong tương lai. Khoảng cách dự đoán này, nếu đi trước 3 đến 4 năm thì nguồn kinh phí đầu tư hiệu quả. Tuy nhiên, DN cũng cần phải tính toán được những rủi ro phát sinh. Và quan trọng hơn cả vẫn là bài toán cân bằng.

Việt Nam hướng đến con số 20 tỷ USD doanh thu xuất khẩu vào năm 2025. Đầu tư cho ngành gỗ là ngành sản xuất hàng loạt, DN phải có những tính toán chính xác ngay từ đầu. Thấu hiểu tính chất quan trọng của những quyết định đầu tư, DN cần nguồn thông tin tham khảo và tương tác với các chuyên gia trong ngành, đồng hành cùng Yorkers, HAWA cùng các hiệp hội DN khác giới thiệu đến DN trong ngành VietnamWood, một triển lãm thiết bị công nghệ phục vụ chuyên ngành chế biến gỗ. Triển lãm là một bức tranh toàn cảnh về khả năng tối ưu hóa sản xuất mà DN có thể tham khảo để từ đó có được những quyết sách đúng đắn nhất cho mình.

Nguyễn Quốc Khanh

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/chu-tich-hawa-cong-nghe-che-bien-go-da-cham-den-tri-tue-nhan-tao-dien-toan-dam-may-20429.html