Chủ tịch Hà Nội: Thành phố không thờ ơ với người dân vùng lũ

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, không có chuyện TP thờ ơ với người dân vùng lũ, hiện TP ưu tiên tập trung nguồn lực khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định đời sống người dân các xã bị lũ lụt; đặc biệt là các xã của huyện Chương Mỹ...

Ngày 31.7, tại hội nghị giao ban công tác tháng 7.2018 của UBND TP.Hà Nội về tình hình kinh tế-xã hội tháng 7, báo cáo về tình hình ngập, lụt, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP.Hà Nội cho biết, do mưa lớn ở các huyện Lương Sơn, Kim Bôi (tỉnh Hòa Bình) nên mực nước sông Bùi, sông Tích lên nhanh, tràn toàn bộ hệ thống đê Bùi, một phần đê tả Tích, đê bao sông Tích cũng bị tràn.

Đặc biệt, vào cuối tháng 7, khu vực Hà Nội tiếp tục có mưa lớn kéo dài khiến mực nước sông Bùi, sông Tích tiếp tục dâng cao, mực nước đã cao hơn năm 2008 (cao nhất ngày 30.7 tại sông Bùi là 7,52m, cao hơn báo động số 3 là 1m) và mực nước tràn qua đê tả Bùi, tả Tích.

Với tình hình cấp bách, đêm 30.7, Sở NN&PTNT Hà Nội đã cung cấp 10.000 bao cát để 500 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Thủ đô đắp đê chống tràn ở đê tả Bùi.

Đến sáng 31.7, mực nước tại khu vực tả Bùi đã ổn định (7,42m), xuống được 10cm nước, nhưng vẫn đáng lo ngại vì nước xuống rất chậm.

Mực nước đê tả Bùi đã giảm, nhưng nước rút chậm nên người dân vẫn lo lắng. Ảnh: Thành An

Hiện, Sở này tiếp tục khảo sát toàn bộ đê hữu Bùi, hữu Tích và đê bao thuộc các xã của huyện Quốc Oai, Thạch Thất, nếu nước lên cao sẽ báo cáo TP phương án xả nguồn nước sông Bùi, sông Tích để không ngập vào nội đô cũng như cứu trợ, đảm bảo cuộc sống của người dân.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, các giải pháp để người dân sống chung với lũ từ việc thiết kế về nhà cửa, hệ thống cung cấp nước, hạ tầng giao thông chưa được quan tâm, mặc dù TP đã chủ động.

Theo Chủ tịch UBND Hà Nội, không có chuyện TP.Hà Nội thờ ơ với người dân. Đây là khu vực nằm trong quy hoạch vùng thoát lũ. Do đó, mặc dù TP đã chủ động ứng phó nhưng do lượng mưa lớn nên ngập úng vẫn xảy ra.

“Trong thời gian tới, các giải pháp để người dân sống chung với lũ như hệ thống cấp nước, nhà cửa, hạ tầng đi lại sẽ được TP quan tâm hơn" - ông Nguyễn Đức Chung cho hay.

Hà Nội đang tập trung lực lượng khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định đời sống người dân. Ảnh: Thành An

Để đối phó với tình trạng hiện nay, Chủ tịch UBND Hà Nội đề nghị các đơn vị tập trung ứng phó với diễn biến thời tiết khi có mưa lớn, bão lũ. Giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Bộ Tư lệnh Thủ đô, Công an TP tiếp tục tổ chức ứng trực, cung cấp nước sạch cho người dân, không để tái diễn việc đuối nước.

Sở Y tế phối hợp với các huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Phúc Thọ tổ chức vệ sinh sạch sẽ, không để dịch bệnh cho người và súc vật, chuẩn bị cơ sở vật chất để chuẩn bị cho học sinh nhập học năm học mới.

Sở Thông tin - Truyền thông chủ động tuyên truyền việc Hà Nội chăm lo cho người dân vùng lũ không bị đói, thiếu nước và ổn định sinh hoạt.

Sang tháng 8, các đơn vị tập trung tiếp tục tổ chức tập trung công tác phòng chống bão lụt, thiên tai, vì diễn biến thời tiết còn phức tạp.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND Hà Nội đề nghị Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở GTVT, các quận huyện có địa bàn dọc các tuyến sông thành lập các đoàn kiểm tra các phương án phòng chống bão lụt, toàn bộ vật tư, phương tiện phục vụ công tác sẵn sàng ứng phó với diễn biến bão lụt, cứu hộ cứu nạn với tinh thần “4 tại chỗ”.

Theo thống kê, hiện huyện Chương Mỹ còn 4 xã, với khoảng 1.000 hộ dân bị ngập sâu trong nước. Ảnh: Thành An

Liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết, Sở đã cử đoàn công tác cùng với Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ, Trung tâm Y tế dự phòng, Bệnh viện Da liễu, Bệnh viện Mắt Hà Đông tổ chức tuyên truyền, đồng thời, tăng cường hóa chất cho khu vực lũ; phối hợp khám chữa bệnh cho người dân vùng lũ với mục tiêu "nước rút đến đâu thì triển khai phòng, chống dịch và vệ sinh môi trường đến đó".

Thông tin về đời sống người dân vùng ngập, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Khuất Văn Thành cho biết, hiện huyện Chương Mỹ còn 2.408 hộ; hơn 1.900ha hoa màu, hơn 555ha thủy sản bị ngập úng. Huyện Chương Mỹ và các xã đã chủ động thực hiện cứu trợ hơn 6.300 nghìn thùng mì ăn liền, hơn 4.900 thùng nước; 20 tấn gạo và nến. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân cũng tích cực hỗ trợ nhu yếu phẩm, nước, lương khô... cho bà con vùng ngập lụt. Mặc dù huyện Chương Mỹ đang chủ động hỗ trợ cho người dân, nhưng Sở này đề xuất TP cung cấp thêm nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân như nước uống, gạo, nến... để bảo đảm cuộc sống người dân vùng ngập lụt.

Thành An

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/chu-tich-ha-noi-thanh-pho-khong-tho-o-voi-nguoi-dan-vung-lu-899904.html