Chủ tịch Hà Nội đối thoại trực tiếp với người dân Đồng Tâm

Sáng nay (22.4), Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung trực tiếp xuống xã Đồng Tâm (Mỹ Đức) làm việc và đối thoại với bà con.

Quang cảnh cuộc đối thoại giữa Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung và người dân xã Đồng Tâm.

Clip Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại cuộc đối thoại.

Sáng sớm hôm nay, ghi nhận của PV, mọi hoạt động ở thôn Hoành (Đồng Tâm) vẫn diễn ra bình thường.

Từ 8h sáng, loa phát thanh xã Đồng Tâm phát đi thông báo: “Thực hiện chỉ đạo của chủ tịch UBND TP.Hà Nội, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của nhân dân xã Đồng Tâm, nhằm sớm ổn định tình hình, an ninh, ổn định xã hội, UBND huyện Mỹ Đức trân trọng mời các đồng chí dự họp, trao đổi của đồng chí Chủ tịch với đại diện công dân.

Theo thông báo của UBND huyện Mỹ Đức, dự kiến 10h sáng nay, tại trụ sở UBND xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức sẽ diễn ra cuộc đối thoại giữa Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung với đại diện người dân xã Đồng Tâm. Ngoài Chủ tịch TP, đoàn công tác còn có đại diện Thanh tra Chính phủ, Giám đốc Công an Hà Nôi Đoàn Duy Khương cùng đại diện các ban ngành TP và huyện Mỹ Đức".

Trụ sở UBND xã Đồng Tâm.

Ghi nhận của PV lúc 9h30 sáng nay, đường chính vào làng đã được dọn dẹp các chướng ngại vật. Sau đó, loa phát thanh của UBND xã Đồng Tâm thông báo mời 50 người dân đại diện đến dự hội nghị đối thoại vì hội trường UBND không đủ diện tích.

Loa phát thanh của UBND xã Đồng Tâm thông báo sẽ truyền thanh trực tiếp qua hệ thống truyền thanh của xã buổi đối thoại.

Khoảng 10h20 cùng ngày, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã vào hội trường UBND xã Đồng Tâm.

Ông Nguyễn Đức Chung bắt tay người dân.

Sau đó, bắt đầu diễn ra cuộc đối thoại giữa Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung và người dân xã Đồng Tâm.

Bà Nguyễn Thị Lan, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm đã đọc tâm thư của người dân gồm 7 điều.

Nội dung tâm thư viết: Thứ nhất: Nhân dân Đồng Tâm đã kiểm điểm và nhận thấy có rất nhiều sai sót do không hiểu biết pháp luật nên đã vi phạm pháp luật. Vì vậy, nhân dân mong muốn ông Chủ tịch giang tay cứu giúp và tha thứ, không truy cứu hình sự.

Thứ hai: UBND huyện không tuyên truyền trên loa đài của huyện về đất đồng Sênh là đất quốc phòng khi chưa làm rõ trắng đen để nhân dân không bức xúc.

Thứ ba: Công an huyện, công an thành phố không về trấn áp làm nhân dân bức xúc.

Thứ tư: Đề nghị tập đoàn Viettel không xây dựng gì trên đất đồng Sênh khi chưa có kết luận và giải quyết cuối cùng.

Thứ năm: Nhân dân đã chăm sóc, đối xử, bảo vệ tốt đối với các cán bộ chiến sĩ, đề nghị ông Chủ tịch ghi nhận.

Thứ sáu: Đề nghị xác minh điều tra những người đã làm sai trong việc bắt người dân và gây thương tích cho cụ Lê Đình Kình trong thời gian vừa qua.

Thứ bảy: Ông Chủ tịch quan tâm trực tiếp chỉ đạo và xử lý toàn diện vụ việc.

Ông Bùi Viết Hiểu phát biểu tại cuộc đối thoại.

Chiều 21.4, đại diện người dân xã Đồng Tâm đã gửi đơn đề nghị tới Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Đơn đề nghị được lấy ý kiến và chữ ký của đông đảo người dân trước khi gửi đi.

Trong đơn, người dân Đồng Tâm thừa nhận việc giữ những cán bộ huyện Mỹ Đức cũng như các cán bộ, chiến sĩ công an của TP là sai do không hiểu biết pháp luật nên đã vi phạm pháp luật. Người dân nêu ra 8 điểm, trong đó có đề nghị Chủ tịch UBND TP trực tiếp chỉ đạo xử lý và giải quyết toàn bộ sự việc. Họ khẳng định không có việc côn đồ, “đầu gấu” tấn công dân cũng như không có việc người dân đổ xăng vào người để đe dọa cán bộ, chiến sĩ.

Theo tài liệu của UBND huyện Mỹ Đức, từ năm 2002 đến năm 2014, nhiều cán bộ xã Đồng Tâm đã sai phạm trong cấp quyền sử dụng đất, tự cấp đất cho riêng mình, ký xác nhận nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất sai...

Cụ thể, năm 2002, nhiều cán bộ là Thường trực Đảng ủy, HĐND, UBND xã Đồng Tâm đã thống nhất cấp quyền sử dụng đất ở khu vực Rặng Chúc cho 10 người là cán bộ xã, trong đó cũng tự nhận suất cho riêng mình. Năm 2009, ông Nguyễn Văn Minh – Đảng ủy viên, Trưởng Công an xã Đồng Tâm còn cùng với ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND xã và ông Nguyễn Xuân Trường - nguyên cán bộ địa chính – xây dựng xã, đã bán 1 suất đất cho ông Nguyễn Văn Mạnh, thu 140 triệu đồng nhưng không nộp vào ngân sách xã. Năm 2007, ông Bùi Văn Hồng - Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã còn tự ý lấn chiếm 140m2 đất công ích, đến năm 2009 xây dựng nhà kiên cố trái pháp luật.

Còn ông Nguyễn Văn Sơn - nguyên Bí thư Đảng ủy xã, ngoài việc sai phạm trong cấp quyền sử dụng đất năm 2002 như đã nói ở trên, năm 2003 còn cùng tập thể UBND xã họp bàn, thống nhất cấp, bán 27 suất đất không đúng đối tượng…

Người dân xã Đồng Tâm đã từng khiếu nại về những sai phạm của ông Sơn. Theo lời người dân, thửa đất của gia đình ông Nguyễn Văn Sơn - Bí thư xã Đồng Tâm sở hữu rộng hơn 3.000m2, có mặt tiền giáp tỉnh lộ 429 rộng vài chục mét, chạy sâu cả trăm mét. Ông Sơn dựng một căn nhà sàn, xung quanh trồng cây cảnh… để làm khu nghỉ dưỡng cho gia đình. Tuy nhiên, sau khi người dân phản ánh, ông Sơn cho dỡ ngôi nhà sàn, nhưng lại tiếp tục cho một doanh nghiệp chuyên đúc bê-tông thuê làm nhà xưởng. Doanh nghiệp xây nhà kiên cố trên đất nông nghiệp khiến người dân rất bức xúc...

Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 15.4 người dân xã Đồng Tâm đã giữ 38 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát sau khi cơ quan chức năng Hà Nội bắt tạm giam 4 người dân trong xã để điều tra hành vi gây rối trật tự công cộng.

Tối 17.4, cơ quan chức năng cho biết người dân đã trao trả lại 15 người, còn 3 người khác tự giải thoát được.

Tiếp đó, ngày 21.4 ông Đào Văn Cảnh - Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Mỹ Đức - được trao thả. Đại diện người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm đã lên tiếng nhận sai khi giữ người trái phép.

Nhóm PV

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/chu-tich-ha-noi-doi-thoai-truc-tiep-voi-nguoi-dan-dong-tam-763901.html