Chủ tịch Hà Nội: Bệnh viện Bạch Mai là vùng dịch hay ổ dịch để có giải pháp triệt để?

Phát biểu tại phiên họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 chiều tối 27/3, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đề cập đến tình hình dịch bệnh ở Bệnh viện Bạch Mai.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung

Tại cuộc họp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Dương Đức Hùng cho biết, khi xuất hiện bệnh nhân số 133, Bệnh viện Bạch Mai đã cho xét nghiệm ngay lập tức những người có liên quan. Kết quả là bệnh nhân 161 (88 tuổi, Văn Lâm, Hưng Yên, nằm cùng giường bệnh với bệnh nhân 133) dương tính ngay với SARS-COV-2. Trong khi đó, người con dâu của bệnh nhân 161 (bệnh nhân 162, 63 tuổi, Thượng Thanh, Long Biên) phải "làm đi, làm lại mới thấy dương tính" như lời ông Hùng.

Ông Hùng cũng cho biết, giả thiết với trường hợp bệnh nhân 162 là lượng virus thấp nên chưa đủ để kết quả dương tính lên nhanh.

“Một là do mới nhiễm, hai là đã nhiễm trong giai đoạn thoái triển. Chúng tôi cho làm định lượng về kháng thể thì dương tính với kháng thể rất rõ rệt, tức là nhiễm đã lâu”, ông Hùng khẳng định.

Ông Hùng thông tin, đã rà lại lịch trình thời gian bệnh nhân vào viện ngày 17/3, ra viện ngày 22/3, tiếp xúc với nhau 5 ngày.

“Rõ ràng Bệnh viện Bạch Mai có 2 ổ, một ổ là 2 cô điều dưỡng. Ổ còn lại là 3 bệnh nhân này nằm ở cùng phòng, sơ đồ dịch tễ hình dung là cô con dâu (63 tuổi) nhiễm bệnh, sau đó bà mẹ của người này (88 tuổi) nằm cùng giường với bệnh nhân ở Lai Châu nên thành ra cả 3 người đều nhiễm virus”, ông Hùng thông tin.

Ông Hùng cho rằng, chưa thể khẳng định có nhiễm chéo trong bệnh viện.

“Với thời gian nhiễm khi chưa vào viện của cô con dâu này, rõ ràng trong cộng đồng có, nhưng chưa sàng lọc được bằng xét nghiệm. Cô này không có biểu hiện lâm sàng, vì có liên quan đến bệnh nhân dương tính thì mới làm xét nghiệm, kết quả cho thấy đang ở giai đoạn thoái triển. Như vậy cô này đã nhiễm trong cộng đồng. Chắc là trong cộng đồng có nhiều người như vậy, không có triệu chứng lâm sàng. Qua tính toán thời gian thì không phải nhiễm ở Bệnh viện Bạch Mai”, ông Hùng giải thích.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu quận Ba Đình báo cáo về kinh nghiệm khoanh vùng Bệnh viện Hồng Ngọc liên quan đến bệnh nhân 17, đồng thời đề nghị lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cũng nghiên cứu cách làm.

Theo ông Chung, những người đi từ vùng dịch về thì cấm. Vậy những người ở Bạch Mai đi ra có được coi là vùng dịch không. Đề nghị trao đổi với T.Ư để thông tin rõ hơn. Ông Chung cũng cho biết, cần làm rõ định nghĩa giữa ổ dịch và vùng dịch.

“Về mặt cơ học tôi hiểu thế này. Bệnh nhân 86 lây từ phía Nam về, lây sang cho bệnh nhân 87 và bệnh nhân 86 về nhà lây cho con. Thế tức là lây nhiễm chéo trong Bệnh viện rồi. Và bệnh nhân đi từ Khoa Thần kinh về Lai Châu. Lai Châu phát hiện dương tính, rồi từ đó chúng ta phát hiện thêm 2 trường hợp ở cùng phòng”, ông Chung nói.

Về vấn đề lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai nêu thông tin cho rằng bệnh nhân ở Thượng Thanh (Long Biên) đem bệnh ngoài xã hội vào bệnh viện, ông Chung cho rằng, cá nhân ông thấy ở Bệnh viện Bạch Mai có một số cái chung như số học sinh đang thực tập, khoa xét nghiệm, chụp chiếu hình ảnh, bãi trông giữ xe. “Các điểm chung này có phải là điểm kết nối không, đề nghị Bệnh viện Bạch Mai làm rõ”, ông Chung nói.

Ông Chung cũng phân tích thêm, trường hợp bệnh nhân 86 đi về ngày 8/3 và đi làm từ ngày 9/3 đến ngày 14/3. Bệnh nhân 87 gặp bệnh nhân 86 có 2 thời điểm là trưa mùng 9/3 ngồi ăn bánh với nhau tại khoa của bệnh nhân 86. Sau đó đến ngày 16/3 nằm ở Khoa Tim mạch thì bác sỹ, công đoàn đến thăm, nhưng tối vẫn về nhà nên mới lây sang con. “Liệu quá trình đi lại có lây sang ai nữa không đề nghị các đồng chí làm rõ để chúng tôi có biện pháp phòng ngừa. Như Bộ đã thông báo đây là ổ dịch thì cũng làm rõ khái niệm ổ dịch với vùng dịch để cảnh báo cho người dân yên tâm”, ông Chung nói.

Trong các phần việc liên quan trong thời gian tới, ông Chung yêu cầu tất cả các trường hợp theo danh sách Bệnh viện Bạch Mai cung cấp (1.592 bệnh nhân điều trị ngoại trú và đến điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 10/3) phải yêu cầu cách ly tại nhà.

“Đây là số người bệnh, còn các trường hợp vào trông nom các trường hợp này, ngủ tại bệnh viện cũng phải tổ chức cách ly tại nhà. Sau đó phải tiến hành khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm”, ông Chung chỉ đạo.

Theo ông Chung, ở bệnh viện cũng có trường hợp học sinh đến đây học, đào tạo, đã được bệnh viện cho nghỉ từ ngày 20 – 21, đề nghị cần thông tin cho các tỉnh, thành phố.

“Như trên báo đăng là ở Hải Phòng cũng có các trường hợp như thế này. Có nghĩa là các tỉnh đều có các trường hợp là y tá, bác sĩ được gửi đến đây học. Rồi bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai đi các bệnh viện khác, rồi khám chữa bệnh ngoài giờ cũng cần phải báo cáo”, ông Chung nêu.

Chủ tịch Hà Nội cũng lưu ý những người ra người vào, trông xe, lái xe taxi ra vào viện, người cung ứng lương thực thực phẩm cho bệnh viện, cả những người cung ứng thuốc, vận chuyển thuốc, những đám tang trong bệnh viện từ 10 – 25/3. “Phải cảnh báo đến mọi người, ý thức cứ làm triệt để. Nếu làm triệt để ở đây thì có thể nói là thành công, còn nếu lơ là thì nguy cơ lây nhiễm cao”, ông Chung nói thêm.

Trường Phong

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/chu-tich-ha-noi-benh-vien-bach-mai-la-vung-dich-hay-o-dich-de-co-giai-phap-triet-de-1631045.tpo