Chủ tịch GP.Invest: 'Nếu cấm phân lô, bán nền là đi ngược thị trường'

Động thái của Bộ Tài nguyên và Môi trường siết chặt phân lô, bán nền đang nhận được nhiều phản ứng trái chiều từ giới chuyên gia và nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP.Invest phát biểu tại hội nghị do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức.

Bộ Tài nguyên Môi trường đang hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.

Đáng chú ý, tại dự thảo nghị định này, Bộ Tài nguyên Môi trường đã mở rộng phạm vi các khu vực không được phép thực hiện dự án phân lô, bán nền, khiến các quận nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh, các phường thuộc thị xã; khu vực chức năng quy hoạch thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh và nhiều khu vực khác không được thực hiện dự án phân lô, bán nền.

Trước dự thảo trên, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản toàn cầu (GP.Invest) cho rằng, các doanh nghiệp khi tham gia đầu tư dự án thì gặp phải rất nhiều sự chồng chéo về luật pháp. Tính ra có tới 14 luật can thiệp tới lĩnh vực bất động sản nên sự chồng chéo là tất yếu xảy ra. Là doanh nghiệp ông mong các nghị định của Chính phủ sẽ tháo gỡ các rắc rối dần dần.

“Rất vui vì Nghị định 25 mới đây đã tháo gỡ phần nào sự chồng chéo của Luật Đấu thầu về vấn đề giao đất. Tôi cho rằng các nghị định tương tự như vậy sẽ tháo gỡ khó khăn cho thị trường. Các doanh nghiệp rất hứng khởi, kỳ vọng sau khi Nghị định 25 ra đời sẽ giúp tháo gỡ khó khăn hiện thời nhưng khi có dự thảo về cấm phân lô bán nền thì rất ngạc nhiên vì mong chờ khi chưa sửa được Luật Đất đai, cần tháo gỡ bớt khó khăn nhưng nay lại làm chặt lại”, ông Hiệp nói.

Theo ông Chủ tịch HĐQT GP.Invest, xét về nhiều góc độ, đất nền có hạ tầng là sản phẩm thương mại của bất động sản. Do đó, có đề xuất gì thì là vấn đề của Bộ Xây dựng với tác động của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản chứ không phải Bộ Tài nguyên và Môi trường với Luật Đất đai.

Về Ngân hàng Nhà nước, chúng ta có nghị định để hạn chế vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Trong khi khó khăn về vốn, doanh nghiệp bất động sản phần lớn là doanh nghiệp nhỏ thì một dự án sau khi làm hạ tầng kỹ thuật, nộp tiền sử dụng đất xong đã là nguồn kinh phí rất lớn. Chưa kể nếu bây giờ cấm phân lô, bán nền thì doanh nghiệp phải xây thô, tổng mức đầu tư phải tăng lên thêm 2 lần rưỡi.

“Chính phủ cần quan tâm xem có nhất định phải đưa ra hình thức cấm phân lô bán nền trên diện rộng hay không? Tiếp nữa, người mua rất quan tâm đến việc tích cóp để mua đất, sau đó mới xây nhà, mua đồ nội thất. Về pháp lý, về thực tế nguyện vọng của người mua, nhu cầu của thị trường là đang diễn ra, nếu cấm là đi ngược với những vấn đề đã phân tích ở trên”, ông Hiệp nói.

Vẫn kiểu "cái gì không quản lý được thì cấm"

Theo quan điểm TS.Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính Ngân hàng, thực tế, việc phân lô bán nền là chuyện đương nhiên. Ở đâu cũng vậy, bất kỳ quốc gia nào, muốn bán đất cũng phải phân lô, bán nền. Đó không phải là vấn đề lớn.

Lấy dẫn chứng, ông cho biết, tại Mỹ, việc phân lô, cắt thửa sẽ do cơ quan quản lý đất đai phụ trách. Họ phân quỹ đất thành các vùng như phân lô thương mại, phân lô công nghiệp, phân lô bất động sản nghỉ dưỡng. Khi phân lô như thế, tất cả các lô đất đều rõ ràng về mục đích sử dụng, có vị trí định vị rõ ràng và chi tiết trên tất cả các bản đồ. Vậy tại sao chỉ có ở Việt Nam lại cấm? Tại sao ở Mỹ, mọi thứ vẫn vận động trôi chảy?

Theo ông Hiếu, thị trường bất động sản tại Việt Nam bát nháo vì đang thiếu sự minh bạch, thông tin không rõ ràng. Bởi vấn đề này đã làm nảy sinh tình trạng lừa đảo, người mua mua trên giấy nhưng lại không có giấy phép về mảnh đất mà mình sử dụng.

Theo vị chuyên gia này, tại các nước khác đều có bảo hiểm về quyền sở hữu đất đai. Người mua đất đai trước khi vay ngân hàng hay xuống tiền sẽ phải liên hệ với nhân viên hãng bảo hiểm. Hãng bảo hiểm đó có trách nhiệm điều tra xem mảnh đất đó thuộc quyền sở hữu của ai, có tranh chấp gì, thuộc phân lô nào,… Sau đó, hãng bảo hiểm sẽ thông tin cho người được bảo hiểm và người mua đất sẽ phải thảo thuận lại với người bán để chốt. Người mua đất với bảo hiểm đó sẽ vay được tiền ngân hàng. Như vậy, mọi thứ đều được giải quyết.

“Động thái của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc siết chặt phân lô, bán nền là không ổn. Chúng ta đúng theo kiểu cái gì không quản được thì lại cấm. Vấn đề không phải là cấm mà phải quản lý chặt chẽ để phân lô bán nền như thế nào, quản lý ra sao cho hợp lý”, ông Hiếu nêu quan điểm.

VÂN PHONG

Nguồn BizLIVE: https://bizlive.vn//dia-oc/chu-tich-gpinvest-neu-cam-phan-lo-ban-nen-la-di-nguoc-thi-truong-3545602.html