Chủ tịch FPT: 'Việt Nam đã bỏ qua 3 cuộc cách mạng trước nhưng sẽ có cơ hội với 4.0'

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT cho rằng, Việt Nam đã bỏ qua 3 cuộc cách mạng trước đây và chúng ta đã phải nhận những hệ quả. Và chúng ta sẽ có cơ hội lần này với Cách mạng công nghiệp 4.0.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT

Thông tin từ FPT cho hay, chia sẻ trong hội thảo với chủ đề “Kỷ nguyên Digital Transfomation - Cơ hội bứt phá cho doanh nghiệp Việt" của Viện Quản trị Kinh doanh FPT (FSB), Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho rằng, lâu nay chúng ta đang nói nhiều về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với rất nhiều từ khóa, nhưng theo anh, điểm nhấn quan trọng nhất trong đó chính là trí tuệ nhân tạo. Tất cả những gì chúng ta đang có ngày hôm nay sẽ biến đổi sang cái mới.

"Chúng ta đang sống trong thế giới của vật lý. Và cuộc cách mạng 4.0 sẽ đi từ thế giới vật lý sang thế giới số, biến những đối tượng vật lý thành những song sinh số (Digital Twin). Lúc này, khi đã có tất cả dữ liệu, chúng ta sẽ giải được những bài toán mà hồi giờ chưa giải được" ông Bình nói.

Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, với sự xuất hiện của robot có trí tuệ nhân tạo (AI) mang lại nhiều ứng dụng trong xã hội. Nhờ công nghệ AI, người máy làm việc càng thông minh, có khả năng ghi nhớ, học hỏi vô biên, trong khi khả năng đó ở con người càng già càng yếu đi. Ưu điểm làm việc 24/24, không cần trả lương, đóng thuế, bảo hiểm… của robot cũng đang đe dọa đến sự tương quan trong việc sử dụng lao động là người thật hay người máy.

"Hiện nay, có những tập đoàn như Foxconn - một trong những nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn nhất thế giới và đối tác sản xuất chính của Apple đã ứng dụng nhiều robot và các công nghệ sản xuất sáng tạo để thay thế các nhiệm vụ trước đây được đảm nhiệm bởi con người. Những con robot này có thể làm việc liên tục không ngừng nghỉ, làm việc trong nhà máy không cần ánh sáng", Chủ tịch FPT dẫn chứng.

Hay như những chiếc xe điện của Tesla hoàn toàn chạy bằng những viên pin chỉ nhỏ như ngón tay được cung cấp bởi Panasonic, sạc 2 giờ có thể chạy được 400 km. Nó còn được ví như một công cụ giải trí và có thể tự động cập nhật những gì nghe thấy ở xung quanh.

Ông Trương Gia Bình phân tích tiếp, lĩnh vực nông nghiệp cũng không còn là nông nghiệp thuần túy. Công nghệ IoT với hàng loạt hệ thống cảm biến và đầu đo (sensor) có thể giúp tưới tiêu, bón phân đúng thời điểm và khoa học với lượng cần thiết vừa đủ cho cây, giúp tiết kiệm chi phí so với phương thức truyền thống hiện nay. Hay những cánh đồng hàng trăm kilomet đã không cần nông dân canh tác, thay vào đó là quản lý hệ thống máy móc, thiết bị bay không người lái (Drone) và điều khiển từ xa.

Với lĩnh vực ngân hàng - tài chính, ông Trương Gia Bình dẫn chứng trường hợp về phương thức thanh toán điện tử AliPay của Alibaba. Tiền để trên AliPay có thể phát sinh lãi suất được tính theo từng phút. Các thủ tục chuyển tiền hay mở tài khoản ở ngân hàng Bank of America cũng chỉ đơn giản như "cái phẩy tay" thay vì phải khai báo thông tin cá nhân và mất thời gian làm thủ tục. Nước Mỹ đã cảnh báo, đừng nên cho con em mình theo học ngành Tài chính - Ngân hàng, bởi máy móc đều có thể làm những công việc của con người; Amazon đã có thể tính toán và biết trước khu vực có khả năng đặt mua hàng và vận chuyển hàng hóa tập kết đến trước...

Trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, giải trí, robot cũng đã hiện diện ở những vị trí công việc vốn được cho rằng không thể thay thế con người như lễ tân khách sạn, cơ quan, nhà hàng, trung tâm call center... Khi có khách đến robot có thể tự động nhận dạng, ghi nhớ để chào hỏi, nhớ được sở thích, trả lời các nhu cầu của khách hàng bằng giọng nói và có thể biểu lộ cảm xúc như con người.

"Một trong những cái chúng ta có thể áp dụng được ngay là làm những việc cũ theo cách 4.0. Chỉ như vậy mới giúp các bạn biết sâu hơn và cảm giác được cái gì đang đến. Khi bão đến thì chỉ có cách ứng phó là quan trọng nhất. Ngay trong FPT, chúng tôi vẫn thường xuyên họp với nhau và chia sẻ những thứ có thể áp dụng Công nghiệp 4.0. Cứ dò dẫm mà đi… Việt Nam đã bỏ qua 3 cuộc cách mạng trước đây và chúng ta đã phải nhận những hệ quả. Và chúng ta sẽ có cơ hội lần này với Cách mạng công nghiệp 4.0" ông Trương Gia Bình nói.

Trong hội thảo “Doanh nghiệp số- con đường tới cách mạng công nghiệp 4.0” diễn ra mới đây, ông Trương Gia Bình cho rằng, vấn đề quan trọng đầu tiên trong cuộc cách mạng này chính là sự chia sẻ. Muốn làm cách mạng công nghiệp 4.0 thì phải có công ty 4.0. Nếu các doanh nghiệp làm phần mềm cho cách mạng công nghiệp 4.0 thì tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp có thể đạt 100%, trong khi nếu không làm thì tăng trưởng chỉ khoảng 30%.

"Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cá nhanh “ăn” cá lớn trong khi trước đó là cá lớn “nuốt” cá bé. Doanh nghiệp nào nhanh sẽ thành công”, ông Bình nhận định.

PV

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/cntt/cach-mang-40/chu-tich-fpt-viet-nam-da-bo-qua-3-cuoc-cach-mang-truoc-nhung-se-co-co-hoi-voi-4-0-162906.ict