Chủ tịch EC lý giải vì sao Liên Xô tan rã không phải là thảm họa thế kỷ

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho rằng sự sụp đổ của Liên Xô là một sự kiện hạnh phúc đối với người dân Gruzia, Ba Lan, Ukraine, Nga, cũng như đối với các nước Trung và Đông Âu, và không phải là thảm họa địa chính trị lớn nhất của thế kỷ trước.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk

Trên tài khoản Twitter, ông Tusk viết: “Sự sụp đổ của Liên Xô không phải là thảm họa địa chính trị lớn nhất thế kỷ. Tôi muốn nói rõ ràng rằng, sự sụp đổ của Liên Xô là một sự kiện hạnh phúc đối với người dân Gruzia, Ba Lan, Ukraine và các nước Trung và Đông Âu”.

Năm 2005, trong một thông điệp gửi Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mô tả sự sụp đổ của Liên Xô là thảm họa địa chính trị lớn nhất của thế kỷ trước.

Năm 2017, trong một cuộc phỏng vấn với đạo diễn Oliver Stone, ông Putin đã giải thích rằng "sau khi Liên Xô sụp đổ, 25 triệu người Nga trong một đêm đã bỏ ra nước ngoài và đây thực sự là một trong những thảm họa lớn nhất của thế kỷ 20".

Theo ông Putin, "những dấu hiệu rạn nứt đầu tiên xuất hiện ở nước này, và sau đó là một cuộc nội chiến toàn diện", hệ thống bảo trợ xã hội đã bị phá hủy hoàn toàn, toàn bộ các lĩnh vực của nền kinh tế đã hoàn toàn bị phá hủy, hệ thống y tế gần như bị phá hủy, quân đội rơi vào tình trạng tồi tệ, hàng triệu người rơi vào cảnh đói nghèo…".

Trên thực tế, Liên Xô tan rã vào ngày 25/12/1991, khi Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev, trong một thông điệp gửi người dân Liên Xô đã tuyên bố rằng hoạt động của ông với tư cách là Tổng thống đã chấm dứt.

Điều này được bắt đầu bằng một thỏa thuận được ký kết vào ngày 8/12 bởi các nhà lãnh đạo Nga, Belarus và Ukraine, trong đó họ tuyên bố Liên Xô tan rã và tuyên bố thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS).

Trở lại năm 1990, tất cả các nước cộng hòa Liên minh đã thông qua tuyên bố về chủ quyền nhà nước. Để ngăn chặn sự sụp đổ của Liên Xô, một cuộc trưng cầu dân ý về bảo tồn Liên Xô đã được tổ chức vào ngày 17/3/1991. Khi đó, 76,4% ủng hộ tồn tại Liên Xô.

Trên cơ sở kết quả của cuộc trưng cầu dân ý vào mùa Xuân và mùa Hè năm 1991, một dự thảo thỏa thuận về “Liên minh Cộng hòa có chủ quyền” đã được soạn thảo, việc ký kết dự kiến diễn ra vào ngày 20/8. Nhưng đã không bao giờ diễn ra vì cuộc chính biến diễn ra vào ngày 19-21/8/1991.

Trí Đức (Lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/chu-tich-ec-ly-giai-vi-sao-lien-xo-tan-ra-khong-phai-la-tham-hoa-the-ky-post305634.info