Chủ tịch đơn vị thí điểm sông Tô Lịch: 'Chỉ nhận được thông báo trước khi xả nước 15 phút'

Đại diện đơn vị thí điểm xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano khẳng định: 'Tôi không nhận được thông báo xả nước từ Công ty Thoát nước Hà Nội, nhưng sau khi xác nhận lại với bộ phận kỹ thuật thì đơn vị thoát nước gửi thông báo trước khi xả cửa khoảng 10 – 15 phút'.

Liên quan đến thông tin Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho rằng, trước khi tiến hành hạ mực nước hồ Tây, đơn vị này đã thông báo cho JVE và JVE đã khẳng định trên báo chí là không ảnh hưởng đến công tác thử nghiệm, ngày 18/7, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) - đơn vị thử nghiệm công nghệ nano – Bioreator khẳng định: "Bản thân tôi không nhận được bất cứ thông báo nào từ Công ty Thoát nước Hà Nội về việc đơn vị này sẽ tiến hành xả cửa hồ Tây để đưa nước vào sông Tô Lịch.

Tuy nhiên, xác nhận lại với bộ phận kỹ thuật của công ty thì vào khoảng 9h30 phút, ngày 9/7, bộ phận kỹ thuật có nhận được tin nhắn thông báo từ Công ty Thoát nước Hà Nội về việc sẽ xả nước hồ Tây qua trục thí điểm. Sau đó, khoảng 10 – 15 phút, nước hồ Tây bắt đầu được xả ra".

Chủ tịch đơn vị thí điểm sông Tô Lịch xác nhận không nhận được thông báo xả nước từ Công ty Thoát nước Hà Nội.

Chủ tịch đơn vị thí điểm sông Tô Lịch xác nhận không nhận được thông báo xả nước từ Công ty Thoát nước Hà Nội.

Ông Tuấn Anh khẳng định: "Về mặt chủ trương thì chúng tôi xác định rõ, đây là chủ trương thoát nước vào mùa mưa. Tôi đồng quan điểm với TS Takeba Akira, chuyên gia Nhật Bản đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và các sở, ban, ngành rằng, xả nước hồ Tây là đúng theo quy định, quy trình theo công văn của Sở Xây dựng Hà Nội về việc thoát nước mùa mưa.

Chúng tôi không đưa ra quan điểm gì về việc thoát nước không đúng quy trình hay đổ lỗi cho bên nào cả. Đây là sự việc bất khả kháng. Chúng tôi cũng xác định như vậy và khi nhận được thông báo thì chúng tôi cũng không thể chống lại được việc xả nước.

Tuy nhiên, với quan điểm khách quan, tôi có thấy một số người dân nói rằng năm nào cũng mưa cả, nhưng 10 năm nay những người sống ở ven bờ sông Tô Lịch đâu thấy có xả nước.

Thử nghiệm vùng nước được khoanh tại hồ Tây bằng công nghệ Nano Nhật Bản thu được kết quả tích cực.

Họ cũng nói rằng, đợt tháng 12/2018, Công ty Thoát nước Hà Nội có trình UBND TP Hà Nội về đề án bổ cập nước từ sông Hồng vào hồ Tây, sau đó điều tiết vào sông Tô Lịch để thau rửa, giải cứu, làm hồi sinh sông Tô Lịch chứ 10 năm nay họ không hề thấy có bất cứ hoạt động xả nước nào từ hồ Tây vào sông Tô Lịch. Vì vậy, khi nhận được thông báo, chúng tôi không thể làm cách nào cả, khi mà 10 phút sau nước đã được xả từ hồ Tây vào sông Tô Lịch rồi".

Ông Nguyễn Tuấn Anh khẳng định: "Bài toán sông Tô Lịch không đơn giản như là một việc xả nước của đơn vị thoát nước Hà Nội hay là việc làm hồi sinh bằng công nghệ Nano Nhật Bản mà có thể hồi sinh đúng nghĩa dòng sông".

Ông Nguyễn Tuấn Anh xác định rõ về mặt chủ trương, việc xả nước là theo quy trình, quy định trong mùa mưa.

"Theo quan điểm là dòng sông thì phải có cấp nước đầu vào. Mà hiện nay nước cấp đầu vào dòng sông Tô Lịch hoàn toàn nhờ vào lượng nước chảy ra từ 280 cống thải và lưu lượng chảy rất là thấp. Chuyên gia Nhật Bản cũng đã đưa ra quan điểm là nếu như chúng ta muốn xả nước vào sông Tô Lịch thì nên làm sạch từ bên trong dòng sông, rồi chúng ta mới xả nước từ hồ Tây thì sẽ tốt hơn", ông Tuấn Anh cho hay.

Ngay sau khi Tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật có công văn gửi đến Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, sở, ngành liên quan, chiều ngày 17/7, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (Cty Thoát nước Hà Nội) đã có phản hồi chính thức về thông tin đơn vị này xả nước hồ Tây ảnh hưởng đến kết quả thử nghiệm xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch.

Công ty Thoát nước Hà Nội cho rằng, thực hiện văn bản số 3193 ngày 17/4/2019 của Sở Xây dựng Hà Nội về việc thống nhất mực nước khống chế các sông, hồ điều hòa trên địa bàn TP Hà Nội năm 2019 phục vụ thoát nước đô thị, mực nước khống chế vào mùa mưa của Hồ Tây được quy định từ 5,60 - 5,70m.

Đơn vị thoát nước khẳng định, trước khi tiến hành hạ mực nước hồ Tây, công ty đã thông báo cho JVE và JVE đã khẳng định trên báo chí là không ảnh hưởng đến công tác thử nghiệm.

Tuy nhiên, ngày 16/7, đại diện JVE và chuyên gia Nhật Bản cho biết việc xả nước từ hồ Tây ra sông Tô Lịch đã ảnh hưởng đến việc thử nghiệm, cụ thể là việc lấy mẫu sau 2 tháng vào ngày 16/7/2019 không thực hiện được vì tính chất dòng nước đã thay đổi.

Về việc này, Công ty Thoát nước Hà Nội đề nghị Công ty JVE nghiên cứu, có giải pháp khắc phục việc sông Tô Lịch sẽ thường xuyên tiếp nhận nước khi mưa với dòng chảy mạnh từ nay đến tháng 10/2019 để hạn chế ảnh hưởng đến kết quả thử nghiệm.

Bảo Loan

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/chu-tich-don-vi-thi-diem-xu-ly-o-nhiem-song-to-lich-xac-nhan-khong-nhan-duoc-thong-bao-xa-nuoc-ho-tay-2019071909511281.htm