Chủ tịch, Đại biểu HĐND Đà Nẵng tiếp công dân mỗi tháng 1 lần

Ngày 15/11, Văn phòng HĐND TP Đà Nẵng cho hay, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Xuân Anh vừa ký Quyết định số 18/QĐ-UBND ban hành Quy chế tiếp công dân của Thường trực HĐND và đại biểu HĐND TP Đà Nẵng.

Theo đó, Chủ tịch, đại biểu HĐND TP Đà Nẵng sẽ tiếp công dân mỗi tháng một lần theo lịch do Thường trực HĐND TP sắp xếp (trừ trường hợp tiếp công dân theo vụ việc). Thời gian, địa điểm tiếp công dân được niêm yết công khai tại nơi tiếp công dân và thông báo đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ông Nguyễn Xuân Anh, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng sẽ tiếp công dân mỗi tháng một lần (Ảnh: HC)

Thường trực HĐND TP Đà Nẵng có trách nhiệm bố trí công chức có đủ trình độ, năng lực và am hiểu pháp luật để làm nhiệm vụ tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân TP; tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, tổ chức. Chủ tịch HĐND TP tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật, định kỳ mỗi tháng một lần. Trường hợp vì lý do công tác không thể tiếp công dân theo lịch đã sắp xếp thì ủy nhiệm cho Phó Chủ tịch hoặc Ủy viên HĐND TP tiếp công dân.

Đại biểu HĐND TP Đà Nẵng tiếp công dân mỗi tháng một lần tại Trụ sở Tiếp công dân TP hoặc nơi tiếp công dân ở địa phương mà đại biểu ứng cử. Trường hợp không thể thực hiện việc tiếp công dân theo lịch đã được Thường trực HĐND TP công bố vì lý do chính đáng thì có trách nhiệm thông báo đến Thường trực HĐND TP để điều chỉnh lịch; đồng thời dự kiến thời gian cụ thể thực hiện việc tiếp công dân.

Cùng với việc tiếp công dân theo lịch đã phân công, khi nhận được khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, đại biểu HĐND TP có trách nhiệm nghiên cứu, kịp thời chuyển đến cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh biết; đôn đốc, theo dõi và giám sát việc giải quyết.

Trong trường hợp cho rằng việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân không đúng với quy định pháp luật thì Thường trực HĐND, đại biểu HĐND TP trong phạm vi, quyền hạn của mình có quyền yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thụ lý giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh xem xét, giải quyết.

Trường hợp không đồng ý với kết quả giải quyết của cấp trên của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền thì Thường trực HĐND TP tiến hành giám sát theo quy định của pháp luật; đại biểu HĐND TP báo cáo Thường trực HĐND TP giám sát theo quy định; Thường trực HĐND TP, đại biểu HĐND TP báo cáo HĐND TP tại kỳ họp gần nhất để thực hiện giám sát theo quy định của pháp luật.

Theo ông Nguyễn Xuân Anh, mục đích của việc ban hành quy chế này nhằm thu thập ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị, phản ánh của công dân; giải thích, tuyên truyền để công dân chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật; tăng cường mối quan hệ giữa nhân dân với Thường trực HĐND và đại biểu HĐND TP.

Đồng thời qua tiếp công dân để giám sát hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước, đảm bảo thực thi đúng pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Kịp thời kiến nghị, đôn đốc giải quyết nhanh những vướng mắc, bức xúc, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.

Nguyên tắc tiếp công dân là bảo đảm dân chủ, công khai, kịp thời, thủ tục đơn giản, đúng pháp luật; giữ bí mật và đảm bảo an toàn cho người tố cáo theo quy định của pháp luật; đảm bảo khách quan, bình đẳng, không phân biệt đối xử. Tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định pháp luật. Định kỳ 6 tháng, Thường trực HĐND TP Đà Nẵng chủ trì họp với các cơ quan liên quan để đánh giá công tác tiếp công dân giải quyết khiếu nại, tố cáo.

HẢI CHÂU

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/chu-tich-dai-bieu-hdnd-da-nang-tiep-cong-dan-moi-thang-1-lan-post213852.info