Chủ tịch Bắc Kạn: Đầu tư vào trọng điểm để bứt phá nền kinh tế

Ông Nguyễn Long Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam về những định hướng phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

4 chương trình trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội

Ông có thể chia sẻ về những khó khăn của tỉnh Bắc Kạn hiện nay đang gặp phải và tỉnh đã có những giải pháp gì để khắc phục vấn đề này?

Bắc Kạn còn rất nhiều khó khăn về tất cả các mặt kinh tế - xã hội, đặc biệt là cơ sở hạ tầng. Nhất là mạng lưới đường giao thông vẫn chưa hoàn thiện, nhiều tuyến đường chưa hoàn chỉnh, dẫn tới việc kết nối, giao thương với các trung tâm kinh tế lớn bị hạn chế. Đó cũng là lý do khiến cho lĩnh vực tiềm năng là dịch vụ du lịch chưa thực sự phát triển, giá trị đóng góp của ngành du lịch vào tăng trưởng kinh tế tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng.

Lĩnh vực kinh tế chính của Bắc Kạn là nông, lâm nghiệp, về cơ bản còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa thành vùng sản xuất. Việc liên kết giữa sản xuất, chế biến và cung ứng hàng hóa ra thị trường còn hạn chế. Còn lĩnh vực công nghiệp chưa phát triển, chỉ dừng ở mức khai thác khoáng sản chứ không có chế biến sâu.

Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có 4 chương trình trọng tâm, cụ thể:

Thứ nhất là việc tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu tận tâm với công việc, tâm huyết với quê hương, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới.

Thứ hai là đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PARINDEX).

Thứ ba, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng có giá trị cao.

Thứ tư, rất quan trọng, đó là việc tăng cường thu hút đầu tư, phát triển du lịch và công nghiệp trở thành ngành mũi nhọn, trọng tâm là du lịch Hồ Ba Bể.

Để thực hiện những vấn đề trên, UBND tỉnh Bắc Kạn đã đưa ra nhiều phương án cụ thể, tiến hành từ cuối năm 2020 và đầu năm 2021.

 Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Long Hải (bên trái) chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Toán Nguyễn.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Long Hải (bên trái) chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Toán Nguyễn.

Ông có thể thông tin thêm về những kế hoạch và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Kạn trong năm 2021, cũng như giai đoạn 2021 - 2025?

UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Chương trình hành động về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, hướng tới mục tiêu “Khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh, huy động có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển kinh tế nhanh, bền vững;

Tập trung phát triển, nâng cao giá trị kinh tế trong sản xuất nông - lâm nghiệp, từng bước phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hóa. Phát triển mạnh công nghiệp chế biến, nhất là chế biến sau thu hoạch;

Xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông để phát triển du lịch và dịch vụ. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là khu vực nông thôn, chú trọng giảm nghèo nhanh và bền vững;

Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội".

Tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người đạt trên 62 triệu đồng; Xây dựng thành phố Bắc Kạn cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại II; Tập trung hoàn thành đường quốc lộ 3 mới từ Chợ Mới đến thành phố Bắc Kạn và đường từ thành phố Bắc Kạn đi Hồ Ba Bể phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là khai thác du lịch Hồ Ba Bể,...

Cơ cấu lại nông nghiệp, nâng cao chất lượng cuộc sống

Phát triển nông nghiệp vẫn là lĩnh vực chủ đạo của kinh tế Bắc Kạn, vậy tỉnh có hướng đi cụ thể nào, thưa ông?

Bắc Kạn có một số thành tựu trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp, đó là tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước, đạt 72,9%; là tỉnh thứ 2 trong cả nước triển khai chương trình OCOP, đến nay tỉnh đã có 131 sản phẩm. Vấn đề an ninh lương thực của tỉnh luôn được đảm bảo.

Bắc Kạn cũng khởi đầu hình thành các vùng nguyên liệu gắn với chế biến; nhiều sản phẩm nông sản, đặc biệt là các nông sản bản địa bắt đầu được sản xuất thành hàng hóa có liên kết và gắn với chế biến, được thị trường trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Như hình thành một số vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, vùng nguyên liệu và chế biến nghệ; Sản phẩm đặc sản miến dong cung ứng trên thị trường cả nước, đã xuất khẩu sang cộng hòa Séc; Sản phẩm mơ vàng chế biến xuất khẩu sang Nhật Bản.

Tuy nhiên, lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp còn bộc lộ nhiều hạn chế, chẳng hạn vấn đề sản xuất có liên kết theo chuỗi giá trị gắn kết với thị trường hay xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hàng hóa. Công nghiệp chế biến nông sản, nhất là công nghệ thu hoạch, bảo quản, chế biến sau thu hoạch phát triển chậm.

Bắc Kạn luôn xác định việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng, tạo sự ổn định xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nông dân.

Với những lợi thế sẵn có, nguồn nhân lực dồi dào, cùng với sự chung tay, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với nhiều chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, tỉnh Bắc Kạn luôn kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Hướng tới một nền nông nghiệp sản xuất tiên tiến, bền vững, thân thiện với môi trường, dần chuyển sang chế biến sâu gắn với vùng nguyên liệu và thị trường; đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp địa phương,…

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Long Hải. Ảnh: Toán Nguyễn.

Phát triển tiềm năng du lịch

Tiềm năng về du lịch của Bắc Kạn là vô cùng lớn, nhưng gần như chưa khai thác được, vậy tỉnh có giải pháp nào không, thưa ông?

Bắc Kạn có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa đa dạng, phong phú có tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Trong những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã quan tâm đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch, đặc biệt là sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng...

Tuy nhiên, hầu hết những tiềm năng, thế mạnh kể trên đều nằm ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa giao thông kém phát triển nên rất khó khăn trong việc đầu tư, khai thác.

Tỉnh Bắc Kạn đưa ra các giải pháp để khai thác tiềm năng du lịch, đầu tiên là cần tập trung làm tốt đường giao thông đến với các khu vực có tiềm năng du lịch.

Quy hoạch, bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích Di tích Quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn, Hồ Ba Bể và bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể làm điểm nhấn cho du lịch Bắc Kạn. Kêu gọi các nhà đầu tư có uy tín của đất nước đến khai thác, tạo ra sản phẩm du lịch đồng bộ từ nghỉ dưỡng, thưởng thức, trải nghiệm phong cảnh, ẩm thực, văn hóa, lịch sử và vui chơi giải trí, thể thao,...

Ưu tiên xây dựng những khách sạn cao cấp 3 - 4 sao, có đủ khả năng đón tiếp và tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế.

Để thực hiện, tỉnh xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ các địa phương phát triển du lịch; khuyến khích các doanh nghiệp du lịch, cộng đồng dân cư tham gia vào quá trình đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ .

Xây dựng kế hoạch truyền thông về du lịch Bắc Kạn phù hợp với đặc điểm tình hình và yêu cầu thực tế của địa phương. Mở rộng các hình thức, phương thức quảng bá, tuyên truyền nhằm giới thiệu đến với thị trường du lịch trong nước và ngoài nước tiếp cận.

Giao thông khó khăn, chưa phát triển làm hạn chế sự phát triển của tỉnh Bắc Kạn, vậy ông có kế hoạch như thế nào để giải quyết vấn đề này?

Trước mắt, để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Kạn, thu hút đầu tư vào tỉnh, UBND tỉnh đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương có liên quan, sớm triển khai thực hiện dự án xây dựng đường quốc lộ 3 mới từ Chợ Mới đến thành phố Bắc Kạn. Kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong vùng như Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hà Nội, Vĩnh Phúc,...

Bắc Kạn cũng đề xuất với Bộ Giao thông vận tải bổ sung vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030 tuyến cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng và có kế hoạch triển khai cụ thể nhằm tạo liên kết các vùng được thuận phát huy tối đa hiệu quả dự án, phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Bắc Kạn cũng sẽ huy động mọi nguồn lực để nâng cấp các tuyến đường kết nối giao thông với các tỉnh trong khu vực Đông Bắc (Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Tuyên Quang), như: QL279, QL3B, QL3C, QL3 mới,.. nhằm liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng của tỉnh nói riêng và khu vực vùng Đông Bắc nói chung.

Ngoài ra, việc nâng cấp các tuyến đường trong tỉnh sẽ giúp cho việc giao thương hàng hóa của nhân dân, phát triển du lịch. Trong đó có hệ thống giao thông phục vụ vận chuyển lâm sản, nông sản của bà con.

Vâng, xin cảm ơn ông đã có những chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam, mong rằng những giải pháp của ông sẽ phát huy hiệu quả cao, đưa tỉnh phát triển vượt những mục tiêu đã đề ra!

Toán Nguyễn

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/chu-tich-bac-kan-dau-tu-vao-trong-diem-de-but-pha-nen-kinh-te-d285229.html