Chủ tịch ACV: Điểm nghẽn nhất của hàng không Việt là sân bay Tân Sơn Nhất

'Nếu không đồng bộ với khu bay của sân bay Tân Sơn Nhất thì xây lên cũng không giải quyết vấn đề gì. Việc đầu tư làm sao để đồng bộ được nhà ga, khu bay và giao thông là vấn đề cần tháo gỡ', ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT ACV nói.

Xây nhà ga T3 nếu không đồng bộ với khu bay của sân bay Tân Sơn Nhất thì xây lên cũng chẳng để làm gì?

Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) nhận định, điểm nghẽn nhất hiện nay của hạ tầng hàng không Việt là Tân Sơn Nhất. “Chúng ta nêu vấn đề giải cứu Tân Sơn Nhất nhưng loay hoay 3 năm chưa giao được cho ai mở rộng nhà ga T3. Việc thông qua chủ trương đầu tư cũng đang gặp nhiều khó khăn, qua nhiều bước. Chúng tôi trước đây vẫn theo con đường Bộ Giao thông Vận tải nhưng nay muốn đầu tư lại phải quay về TP.HCM”, ông Thanh nói.

Người đứng đầu ACV cho biết, ông đã nhiều lần nhắc đến việc xây nhà ga T3, nếu không đồng bộ với khu bay của sân bay Tân Sơn Nhất thì xây lên cũng không giải quyết vấn đề gì? Việc đầu tư như thế nào để đồng bộ được giữa nhà ga, khu bay và giao thông là vấn đề cần tháo gỡ.

 Điểm nghẽn nhất của hàng không Việt là Tân Sơn Nhất.

Điểm nghẽn nhất của hàng không Việt là Tân Sơn Nhất.

Cũng chia sẻ về cơ sở hạ tầng hàng không Việt Nam, đại diện ACV cho biết chưa đáp ứng được nhu cầu của ngành hàng không. Tuy nhiên, nếu nhìn cả quá trình cũng cơ bản đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Theo ông Thanh, hàng không phát triển ai cũng đồng ý là ngành kinh doanh có điều kiện, có nghĩa là có quy hoạch, phải theo quy hoạch của nhà nước. “Cho đến nay, chúng tôi vẫn đang cố gắng phát triển theo quy hoạch, theo Quyết định 236 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn 2020, định hướng 2030”, ông Thanh cho biết.

Cần tiếp tục hoàn thiện hạ tầng hàng không Việt Nam

Ông Hồ Quốc Cường, Trưởng phòng vận tải hàng không, Cục hàng không Việt Nam cho rằng, sự tăng trưởng của thị trường hàng không Việt Nam là lớn, giai đoạn vừa rồi tăng trưởng chậm lại là do hạ tầng không đáp ứng được. Tuy nhiên, nếu hạ tầng hàng không ngày càng hoàn thiện thì triển vọng của thị trường hàng không Việt Nam sẽ đạt được và đạt ở mức cao.

Cũng chia sẻ về vấn đề này, PGS. TS. Nguyễn Thị Phương, Giảng viên Đại học Giao thông Vận tải cho biết trong giai đoạn vừa qua, vận tải hàng không có bước phát triển rất mạnh, do điều kiện kinh tế cải thiện nên người dân có nhu cầu đi lại nhiều. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của vận tải hàng không.

"Dù vậy, chúng tôi cũng nhận thấy một điều, nhu cầu tăng mạnh nhưng khả năng cung ứng của vận tải hàng không hiện nay phát triển chưa tương xứng. Nếu chúng ta không có chính sách mới cho vấn đề phát triển sẽ ảnh hưởng đến vai trò, sự phát triển của ngành vận tải hàng không trong phát triển nền kinh tế", bà Phương nói.

Ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines bổ sung thêm dưới góc độ của người trong ngành, ông đặt vấn đề rằng điểm nghẽn hay tạm gọi là obstacle – lực cản có thể có lại nằm trong hạ tầng của hàng không mà hạ tầng của hàng không không thể giải quyết được trong ngày 1 ngày 2. Đặc biệt, ông Minh nhấn mạnh sân bay lớn như Tân Sơn Nhất đã không thể tăng thêm được chuyến bay, sự bùng nổ trong nhóm khách đi đường bộ sang máy bay, câu chuyện tiếp theo của sự phát triển này cần chý ý đến việc quá tải hạ tầng.

Thảo Nguyên

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/chu-tich-hdqt-acv-diem-nghen-nhat-cua-hang-khong-viet-la-tan-son-nhat-d158562.html