Chu Thế Tông – Vị vua thời Ngũ Đại Thập Quốc

Nhìn chung, dưới thời của Chu Thế Tông, nhà Hậu Chu đã có thế lực vô cùng lớn mạnh, và dưới tài trị nước của Chu Thế Tông, đất nước ngày càng lớn mạnh, chỉ tiếc là ông mất quá sớm, nên chưa thực hiện được việc thống nhất Trung Quốc. Nhưng ông vẫn được sử sách ca ngợi là một trong những vị vua anh minh và sáng suốt nhất thời Ngũ Đại Thập Quốc.

Chu Thế Tông. Ảnh internet

Chu Thế Tông. Ảnh internet

Từ con nuôi được lập lên làm vua

Năm Canh Tuất 950, Quách Uy đang làm tướng của nhà Hậu Hán, đem quân đi đánh dẹp phản loạn Lý Thủ Trinh, nhưng sau khi dẹp loạn xong, Quách Uy lại đem quân về tấn công luôn kinh đô Biện Châu của nhà Hậu Hán. Quách Uy giết chết vua Ẩn Đế (938 – 950) của nhà Hậu Hán, tự lên làm vua, đổi tên quốc hiệu là Chu, sử gọi là nhà Hậu Chu.

Nhà Hậu Chu chỉ tồn tại đến năm Canh Thân 960 thì bị Triệu Khuông Dẫn (927 – 976) cướp ngôi lập lên nhà Bắc Tống, nhà Hậu Chu bị tiêu diệt. Trong 10 năm tồn tại ngắn ngủi đó, nhà Hậu Chu truyền nối được 3 đời đế vương. Trong đó, vị vua Chu Thế Tông được sử sách đánh giá là một trong những vị vua anh minh sáng suốt nhất thời Ngũ Đại Thập Quốc.

Chu Thế Tông (921 – 959), tên thật là Sài Vinh, sinh năm Tân Sửu 921, ông là con nuôi của Chu Thái Tổ (Quách Uy), tướng mạo oai vệ, văn võ song toàn. Sài Vinh là người có trí lớn theo nghiệp của Chu Thế Tổ. Năm Giáp Dần 954, Chu Thái Tổ mất, Sài Vinh lúc đó đang làm Thái tử, được lập lên nối ngôi, hiệu là Chu Thế Tông, lấy niên hiệu là Hiển Đức (Niên hiệu của Chu Thái Tổ).

Vị vua sáng suốt thời loạn lạc

Chu Thế Tông được coi là một trong những vị vua anh minh sáng suôt nhất thời Ngũ Đại Thập Quốc. Sau khi lên làm vua, ông biết dùng những người hiền tài trị nước, và mạnh dạn trong việc cải cách chính trị, kinh tế. Những việc Chu Thái Tổ đã làm trước đây giúp cho đất nước phát triển thì đến thời Chu Thế Tông càng được chú trọng hơn nữa.

Chính vì vậy mà đất nước nhà Hậu Chu dưới thời Chu Thế Tông càng phát triển mạnh mẽ, Chu Thế Tông còn quyết chí thực hiện ý nguyện của Chu Thế Tổ là thống nhất Trung Nguyên.

Sau khi củng cố được đất nước, đặc biệt là có quân đội hùng mạnh, Chu Thế Tông quyết định đem quân đi chinh phục nhà Nam Đường ở phương Nam. Chu Thế Tông đã ba lần đem quân đi đánh Thọ Châu của nhà Nam Đường, tướng giữ thành Thọ Châu của nhà Nam Đường là một viên tướng giỏi tên là Vương Nhân Thiện quyết giữ vững thành Thọ Châu, nên quân của Chu Thế Tông không thể đánh bại được thành Thọ Châu.

Vì thành Thọ Châu không thể phá được, Chu Thế Tông đã quyết định chuyển hướng, quyết định tập kích vào thành Dương Châu, đông đô của nhà Nam Đường. Tướng giữ thành Dương Châu của nhà Nam Đường là Giả Sùng và Phùng Diên Lỗ, cả hai viên tướng này không chuẩn bị gì cả, ban ngày thì chỉ lo yén tiệc, rượu chè vui chơi thoải mái. Ban đêm lại gối cao ngủ kỹ, nên quân của Chu Thế Tông vừa đánh tới thành Dương Châu, đông đô của nhà Nam Đường đã bị đánh bại một cách nhanh chóng.

Sau đó, Chu Thế Tông lại cho quân quay lại đánh thành Thọ Châu, và đến năm Đinh Tỵ 957 thì đánh bại được thành Thọ Châu. Trên đà thắng lợi, Chu Thế Tông đem quân tiến sát đến bờ sông Dương Tử (Trường Giang), nhưng vua nhà Nam Đường lúc đó là Nguyên Tông (916 – 961) đã dâng biểu xin giảng hòa, cống nạp vật lạ, từ bỏ danh hiệu Hoàng đế, tự đổi thành phiên vương, cam tâm làm đầy tớ cho nhà Hậu Chu.

Vì vậy mà Chu Thế Tông đã cân nhắc nhu cầu và tình hình chính trị, quân sự lúc bấy giờ, và cuối cùng Chu Thế Tông đã quyết định cho nhà Nam Đường giảng hòa với điều kiện sau: Nhà Nam Đường mất 14 châu, 60 huyện thuộc Hoài Nam, Giang Bắc, bỏ niên hiệu Giao Thái, đổi theo niên hiệu Hiển Đức (niên hiệu của Chu Thế Tông lúc bấy giờ).

Mỗi năm nhà Nam Đường phải cống nạp 10 vạn tiền cống vật, vua nhà Nam Đường là Nguyên Tông không còn được mặc áo long bào nữa, và phải dở bỏ tất cả những biểu tượng cho đế vương ở cung điện, sau đó Chu Thế Tông mới rút quân về nước.

Lúc bấy giờ lãnh thổ của nhà Hậu Chu của Chu Thế Tông ngày càng được mở rộng, thanh thế của Chu Thế Tông cũng như nhà Hậu Chu vang dội khắp bốn bể. Nhận thấy thời cơ thuận lợi và cơ hội ngày càng đến gần cho việc thống nhất Trung Nguyên, nên vào mùa hè năm Kỷ Mùi 959, đích thân Chu Thế Tông đã đem quân đi Bắc phạt, gọi là phạt Liêu của người Khiết Đan.

Vua nhà Liêu lúc bấy giờ là Gia Luật Cảnh ( Liêu Mục Tông 931 - 969) đã tổ chức quân đội để phòng ngự. Nhưng khi quân đội của Chu Thế Tông kéo đến biên giới Hà Bắc thì tướng Hán dưới quyền cai trị của Liêu Mục Tông đã dẫn quân ra đón và đầu hàng Chu Thế Tông. Chính vì vậy mà quân của Chu Thế Tông chưa phải tốn một mũi tên, chưa phải đánh nhau đã dễ dàng vào được huyện Hùng tỉnh Hà bắc, Chu Thế Tông đã thu phục được cả một vùng đất đai rộng lớn.

Việc Bắc phạt đang tiến triển vô cùng tốt đẹp và ở trong điều kiện vô cùng thuận lợi, quân của Chu Thế Tông liên tiếp hạ được ba cửa quan là Ngõa Kiều, Ích Tân và Dư Khẩu. Nhưng thật đáng tiếc là đúng lúc đấy thì Chu Thế Tông lại bị bệnh, bị ốm đột ngọt và phải rút quân về nước để dưỡng bệnh. Về đến kinh đô Biện Châu do bệnh quá nặng, Chu Thế Tông đã qua đời, hưởng dương 38 tuổi.

Chu Cung Đế được lập lên nối ngôi, nhưng rất tiếc quyền hành sau đó rơi hết vào tay của viên tướng Triệu Khuông Dẫn, năm 960, Triệu Khuông Dẫn bắt ép Chu Cung Đế nhường ngôi, Triệu Khuông Dẫn lên làm vua và lập ra nhà Bắc Tống. Nhà Hậu Chu chính thức bị diệt vong.

Nhìn chung dưới thời của Chu Thế Tông, nhà Hậu Chu đã có thế lực vô cùng lớn mạnh, và dưới tài trị nước của Chu Thế Tông, đất nước ngày càng lớn mạnh, chỉ tiếc là ông mất quá sớm, nên chưa thực hiện được việc thống nhất Trung Quốc. Nhưng ông vẫn được sử sách ca ngợi là một trong những vị vua anh minh và sáng suốt nhất thời Ngũ Đại Thập Quốc.

Vương Quốc Hoa

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/chu-the-tong-%E2%80%93-vi-vua-anh-minh-thoi-ngu-dai-thap-quoc-75770