Chủ sở hữu lô đất vàng ở TP.HCM khiến loạt quan chức vướng vòng lao lý là ai?

Hiện Công ty Cổ phần Đầu tư Quảng trường Mê Linh do ông Thái Bảo Anh giữ chức Chủ tịch HĐQT là đơn vị đứng tên quyền sử dụng đất lô đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng.

Khu đất khiến loạt quan chức "dính chàm"

Khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng rộng hơn 6.000m2. Đây là khu đất có vị trí đắc địa với 4 mặt tiền gồm: Hai Bà Trưng, Thi Sách, Công trường Mê Linh và Đông Du.

Sai phạm tại khu đất này khiến ông Vũ Huy Hoàng - cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương, bà Hồ Thị Kim Thoa - cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Phan Chí Dũng - nguyên Vụ trưởng Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) cùng nhiều người bị khởi tố, điều tra về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Cụ thể, theo kết luận điều tra của Bộ Công an về hậu quả mà ông Vũ Huy Hoàng gây ra, tháng 8/2007, ông Hoàng được bổ nhiệm giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Công Thương, lãnh đạo và quản lý toàn diện các mặt công tác của Bộ Công Thương. Trong đó phải thực hiện trách nhiệm, quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác (trong đó có Tổng Công ty Sabeco).

Khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng rộng hơn 6.000m2, có vị trí đắc địa với 4 mặt tiền gồm: Hai Bà Trưng, Thi Sách, Công trường Mê Linh và Đông Du.

Khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng rộng hơn 6.000m2, có vị trí đắc địa với 4 mặt tiền gồm: Hai Bà Trưng, Thi Sách, Công trường Mê Linh và Đông Du.

Dù biết khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng đã được sắp xếp giao cho Tổng Công ty Sabeco (là doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Công Thương) để quản lý, sử dụng, đầu tư và không được thành lập pháp nhân mới. Tuy nhiên, ông Vũ Huy Hoàng vẫn chấp thuận chủ trương, chỉ đạo để bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Tổng Công ty Sabeco triển khai thực hiện việc liên doanh, liên kết thành lập Công ty Sabeco Pearl trái với quy định của quyết định số 86/2010/QĐ - TTg để đầu tư dự án.

Căn cứ ý kiến phê duyệt, chỉ đạo của ông Vũ Huy Hoàng, bà Hồ Thị Kim Thoa, ông Phan Đăng Tuất (Chủ tịch HĐQT) đã ký công văn số 374 kèm theo các văn bản chấp thuận của Bộ Công Thương đề nghị UBND TP.HCM chấp thuận cho Công ty Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư dự án, thực hiện nghĩa vụ tài chính và chuyển quyền sử dụng đất từ Tổng Công ty Sabeco sang Công ty Sabeco Pearl.

Tiếp đó, các sở, ngành thuộc UBND TP.HCM đã tham mưu cho ông Nguyễn Hữu Tín - cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM ký ban hành quyết định số 3186/QĐ - UBND cho Công ty Sabeco Pearl thuê đất trái các quy định pháp luật.

Ngay sau khi Công ty Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư và được chuyển quyền sử dụng đất (tháng 6/2015), mặc dù chưa triển khai hoạt động gì nhưng đến tháng 2/2016, lợi dụng chủ trương thoái vốn của Chính phủ. ông Vũ Huy Hoàng đã quyết liệt chỉ đạo Tổng Công ty Sabeco đẩy nhanh thực hiện thủ tục thoái vốn và phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá là 13.247 đồng/cổ phần.

Từ các thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội nêu trên của ông Vũ Huy Hoàng, quyền sử dụng khu đất vàng số 2-4-6 Hai Bà Trưng có diện tích 6.080m2 bị dịch chuyển từ doanh nghiệp nhà nước sang doanh nghiệp tư nhân.

Những hành vi phạm tội của ông Vũ Huy Hoàng và đồng phạm gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước trong công tác quản lý, khai thác và sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng xảy ra trong một thời gian dài.

Sai phạm tại khu đất này khiến bà Hồ Thị Kim Thoa, ông Vũ Huy Hoàng, ông Phan Chí Dũng (từ trái qua) bị khởi tố, điều tra về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Ông chủ khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng hiện là ai?

Ngay sau khi thông tin ông Vũ Huy Hoàng, bà Hồ Thị Kim Thoa cùng nhiều người bị khởi tố vì sai phạm liên quan tới khu đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng, không ít người tò mò về chủ nhân của lô đất này hiện giờ là ai?

Công ty Cổ phần Đầu tư Quảng trường Mê Linh (tiền thân là Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn Pearl), doanh nghiệp 100% vốn tư nhân là đơn vị đứng tên quyền sử dụng đất khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng.

Trước đây, để thực hiện dự án Sài Gòn Mê Linh Tower trên lô đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng, Sabeco lập ra Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn Pearl (Công ty Sài Gòn Pearl).

Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, 4 cổ đông sáng lập ban đầu của Công ty Sài Gòn Pearl bao gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hà An (25,5%), Công ty Cổ phần Đầu tư Mê Linh (25,5%%), Công ty Sabeco (26%) và Công ty Cổ phần Attland (23%).

Tháng 10/2016, Công ty Sài Gòn Pearl được đổi tên thành Công ty Cổ phần Đầu tư Quảng trường Mê Linh đồng thời ông Nguyễn Như Pho lên làm Chủ tịch HĐQT thay cho ông Bùi Cao Nhật Quân. Chỉ 1 tháng sau đó (tháng 11/2016), ông Nguyễn Như Pho bị thay bởi ông Ngô Văn An.

Ông Ngô Văn An là người đứng tên nhiều doanh nghiệp có vốn điều lệ hàng nghìn tỷ đồng như: Công ty Cổ phần Đầu tư Golden Hill, Công ty TNHH quản lý tài sản & BĐS Alpha King, Công ty cổ phần quản lý phát triển dự án Đông Sài Gòn, Công ty TNHH BĐS Đức Khải 1, Công ty Cổ phần Đầu tư Mê Linh Square... Các công ty này đều có cùng trụ sở tại số 8 Nguyễn Huệ (phường Bến Nghé, Quận 1).

Hiện Công ty Cổ phần Đầu tư Quảng trường Mê Linh (tiền thân là Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn Pearl) do ông Thái Bảo Anh giữ chức Chủ tịch HĐQT là đơn vị đứng tên quyền sử dụng đất khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng.

Có "thủ lĩnh" mới, tưởng chừng dự án trên đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng sẽ được triển khai sau nhiều năm "đắp chiếu". Thế nhưng, hơn 1 năm sau (7/2018), ông Ngô Văn An rời chức Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Quảng trường Mê Linh, ông Thái Bảo Anh (SN 1974) thay thế vị trí.

Theo tìm hiểu của PV, ông Thái Bảo Anh có địa chỉ đăng ký thường trú tại TP Hà Nội, là chủ sở hữu Công ty TNHH tư vấn Bảo và đồng sự. Hiện trụ sở công ty cũng nằm tại tòa nhà VTP, số 8 đường Nguyễn Huệ (phường Bến Nghé, Quận 1).

Năm 2017, ông Thái Bảo Anh thành lập Công ty TNHH bất động sản Trường Chinh với vốn điều lệ 20 tỷ đồng, cùng địa chỉ với Công ty TNHH tư vấn Bảo và đồng sự.

Hiện ông cũng là đại diện pháp luật của Công ty cổ phần đầu tư Mê Linh Square, trước đây do ông Ngô Văn An làm Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật.

Thy Huệ

Nguồn VTC: https://vtc.vn/chu-so-huu-lo-dat-vang-o-tphcm-khien-loat-quan-chuc-vuong-vong-lao-ly-la-ai-ar559295.html