Chủ 'siêu máy bơm' phản bác khi bị nói 'không biết gì về chống ngập'

Sau gần 2 năm im lặng trước các ý kiến trái chiều cho rằng 'siêu máy bơm' chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh là lãng phí, phản khoa học, không hiểu về chống ngập… ông chủ máy bơm đã chính thức lên tiếng phản biện với những phân tích chuyên sâu về nguyên nhân ngập ở TPHCM và công nghệ chống ngập 4.0.

Hệ thống "siêu máy bơm" chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh.

Tâm huyết 7 năm nghiên cứu máy bơm

Ngày 22/6, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tăng Cường, Tổng giám đốc tập đoàn Công nghiệp Quang Trung (chủ đầu tư “siêu máy bơm”) cho biết, lý do lâu nay ông không lên tiếng trước những ý kiến phân tích trái chiều của các chuyên gia là vì ông đang bận tập trung để chống ngập.

Tuy nhiên, thời gian gần đây có nhiều ý kiến phân tích không đúng về hệ thống bơm cũng như tình trạng ngập ở TPHCM nên ông lên tiếng để người dân hiểu rõ hơn về nguyên nhân ngập, tình trạng ngập và phương pháp chống ngập ở TPHCM.

Ông Cường cho biết, nhiều năm trước chính ông cũng đã chịu cảnh khổ sở khi đi vào đoạn đường ngập, nước cống đen xì, mùi hôi nồng nặc và bị kẹt xe giữa dòng người đông đúc, tiến lùi không được mất một thời gian gần 30 phút mới thoát ra khỏi nơi úng lụt.

Đường phố Sài Gòn thường xuyên bị ngập khi mưa, triều cường.

Từ đó, ông nảy sinh ý tưởng và nghiên cứu giải pháp công nghệ chống ngập cho TPHCM. Trải qua gần 7 năm nghiên cứu, thử nghiệm và chế tạo hệ thống bơm chống ngập thông minh.

Tháng 7/2017, hệ thống bơm được lắp đặt để thử nghiệm chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh. Đến nay, đã có 23 trận mưa lớn, trong đó 1 trận mưa rất lớn có vũ lượng lên tới 125mm, máy bơm đã khống chế được 21 trận mưa không bị ngập.

Có 2 trận bị thất bại gồm trận mưa ngày 17/10/2017 khi kiểm tra trong cống có 28m3 rác có kích thước lớn làm tắc cống tại 3 điểm hố ga và trận mưa ngày 1/6/2018 bị tắc cống nước không chảy về trạm bơm. Khi các bên kiểm tra thì phát hiện có 1 cục bê tông dài 1,2mx250x250mm và 7 bao đựng đầy cát chèn lấp diện tích cống tại 3 điểm trước cửa số nhà 24D1 và 12D1 và 4/6D1.

Khối bê tông lớn được vớt từ dưới cống đường Nguyễn Hữu Cảnh.

Điều đáng quan tâm là trước đó công ty thoát nước thành phố đã tiến hành nạo vét sạch lòng cống và mới kết thúc trước ngày 1/6/2018 khoảng 3 ngày, ngoài ra còn phát hiện 1 tấm gỗ có kích thước dài 1200x300x25mm chắn ngang miệng cống.

“Câu hỏi đặt ra liệu có kẻ xấu phá hoại hay không? Để làm sai lệch kết quả chống ngập của hệ thống bơm? Công ty thoát nước vừa nạo vét sạch các lòng cống. Trong khi các miệng hố thu nước đã được đơn vị hàn lưới chắn rác chỉ cho rác có kích thước 120x200mm chui qua? Tại sao sau có 3 ngày mà có 7 bao đựng đầy cát chặn ở 3 điểm trong lòng cống, có cục bê tông và tấm gỗ dài 1,2m, những vật nặng như thế có phép thần nào để chui qua những miệng hố thu nước”, ông Cường đặt vấn đề.

Ông chủ máy bơm cho rằng có người cố tình phá hoại gây tắc cống.

Ông Cường cho rằng, có kẻ xấu phải mở nắp cống ra để bỏ những vật vừa to vừa nặng xuống cống. Phải khẳng định rằng loại trừ người dân tại khu vực bị ngập không bao giờ muốn bị ngập mà lại chặn làm tắc cống.

Nhiều nước tiên tiến dùng máy bơm khủng chống ngập

Một số chuyên gia lại cho rằng máy bơm hút mạnh quá đã hút các cục bê tông và bao đựng đầy cát dồn về một chỗ làm cho tắc cống. “Có chuyên gia cho rằng dùng bơm chống ngập cho thành phố là phản khoa học, trên thế giới không có nơi nào dùng bơm để chống ngập. Tôi xin giải thích, các vị cứ vào mạng kiểm tra có rất nhiều các nước văn minh đã và đang dùng bơm khủng để chống ngập cho thành phố như Jakarta, Malaysia, Singapore, Hà Lan,…”, ông Cường nói.

Nhiều nước tiên tiến dùng máy bơm khủng chống ngập.

Vị chuyên gia này còn cho rằng các bơm thông thường đường kính ống hút phải kín, nếu hở thì sinh ra “quả đấm thủy lực” nên dùng nhiều bơm nhỏ có công suất 500m3/h, để khi nước ít thì dùng một bơm, khi nước về nhiều thì dùng nhiều bơm.

Chúng tôi xin giải thích thành phố đã mua nhiều loại bơm và có nhiều loại công suất khác nhau từ 1000m3/h đến 2700m3/h đã đưa ra sử dụng nhưng vẫn không hiệu quả. Chúng tôi đã nghiên cứu loại bơm đặc biệt có thể hoạt động tốt ở điều kiện đường ống hút bị hở, trong cống có độ nhớt đậm đặc và có nhiều tạp chất. Máy bơm có giải công suất mềm từ 27000m3/h đến 96000m3/h, dưới 27000m3 vẫn hoạt động được. Khi vận hành trong vòng 15 – 20 phút là giải quyết hết ngập, sau đó bơm duy trì vì nước các nơi vẫn đổ dồn về nơi trũng.

Nếu lắp bơm nhỏ khoảng 500m3/h với vũ lượng mưa 100mm để bơm ở khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh thì phải bơm mất 200h mới hết nước, còn nếu dùng 3 bơm thì hết 66h và không có chỗ để đặt bơm vì toàn bộ lưu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh chỉ có một tuyến đường ống cống duy nhất đổ ra sông Sài Gòn. Công thức của các chuyên gia đưa ra ai cũng được học và được coi như công nghệ 1.0. Còn loại bơm của chúng tôi đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và đang sử dụng có hiệu quả là công nghệ 4.0.

Dù đã ký hợp đồng thuê dịch vụ nhưng đến nay TPHCM vẫn chưa có mức giá thuê dịch vụ.

Còn việc một số chuyên gia cho rằng máy bơm hút mạnh sẽ gây ra vỡ ống cống và tạo ra các hố tử thần,… thiết kế công trình không đúng tiêu chuẩn. “Chúng tôi không thiết kế công trình chỉ tận dụng hệ thống cống có sẵn của thành phố để đặt hệ thống bơm và đã hoạt động được 21 lần thành công, có hiệu quả tốt, chưa bị chỗ nào vỡ cống và chưa có chỗ nào phát sinh ra hố tử thần. Chúng ta phải nhìn vào thực tế, hố tử thần thì chưa thấy mà chỉ thấy người dân bị tai nạn do ngập không nhìn thấy đường, một số trường hợp đã tử vong do bị cuốn xuống cống”, ông Cường cho hay.

TPHCM đối mặt với sụt lún, nước biển dâng

Ông Cường cho biết, theo tài liệu của ngân hàng thế giới, cốt nền của TPHCM mỗi năm lún từ 1cm -3cm/năm, trong khi nước biển dâng cao từ 1cm -3cm/năm do nhiệt độ trái đất nóng lên, khoảng trên 60% diện tích đất của TPHCM bị ảnh hưởng do triều cường.

TPHCM đang đối mặt với ngập nặng do lún và nước biển dâng.

Hiện nay TPHCM có gần 100 điểm ngập trải dài trên các quận huyện. Tại các điểm ngập, khi kiểm tra cốt nền đều dưới 1,5m, trong khi mực nước đỉnh triều từ 1,65m đến 1,68m. Như vậy, gần 100 điểm này đều bị ngập do triều cường và ngập do mưa.

Để có hệ thống thoát nước đạt tiêu chuẩn của Bộ xây dựng thì phải có độ dốc thủy lực 0,1% đến 0,3%. Có nghĩ cứ 1000m cống thì độ dốc thủy lực tối thiểu là 1m, tối đa là 3m và trung bình là 2m. Hiện nay 1 số chuyên gia đang cố tình tư vấn cho thành phố nên nâng đường và thay cống lớn tại các điểm ngập trũng… như thế sẽ không hiệu quả và sẽ gây lãng phí tiền của nhân dân.

Về giải pháp nâng đường từ cốt nền 1,5m lên 2m, hệ quả sau nâng đường là nhà của dân sẽ thấp hơn mặt đường từ 50cm đến 80cm. Khi đó nhà dân sẽ thành ao chứa nước, cuộc sống kinh doanh của người dân sẽ bị đảo lộn, thiệt hại kinh tế.

Đường Phan Huy Ích và Nguyễn Văn Quá thường xuyên bị ngập nặng.

Nếu thay cống thật lớn (2mx2m) thì độ dốc thủy lực chỉ đạt 0,3m đến 0.4m, chỉ bằng 1/3 độ dốc thủy lực tối thiểu so với tiêu chuẩn của Bộ xây dựng (1m). Với độ dốc này, khi có triều cường lên kết hợp với mưa to thì dù có nâng cao đường lên và thay cống lớn vẫn bị ngập nặng như đường Kinh Dương Vương, đường Nguyễn Văn Quá, đường Lê Văn Lương và kể cả đường Huỳnh Tấn Phát tới đây cũng sẽ bị ngập nặng tương tự. Còn nếu để cốt nền như cũ mà thay cống lớn lên thì nước không thoát ra sông, mà ngoài sông lại chảy vào nơi bị úng ngập, thậm chí còn bị ngập nặng hơn.

“Vậy các chuyên gia có cao kiến nào để có giải pháp tốt hơn giúp cho thành phố chống ngập tại gần 100 điểm ngập của thành phố? Còn nếu không có giải pháp nào tốt hơn thì mong các chuyên gia ủng hộ chúng tôi đặt bơm để chống ngập cho thành phố như đất nước Hà Lan đang thực hiện. Nếu vị chuyên gia nào chưa hiểu về công nghệ bơm của chúng tôi thì hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi”, ông Cường nói.

Ngô Bình

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/chu-sieu-may-bom-phan-bac-khi-bi-noi-khong-biet-gi-ve-chong-ngap-1289372.tpo